2023 được xem là năm đến hạn thanh toán trái phiếu của hàng loạt doanh nghiệp khi dự kiến khoảng 150.000 – 200.000 tỷ phải đáo hạn. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn về thanh khoản, các kênh huy động vốn đều tắc nghẽn. Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Minh Cường, người có trên 15 năm làm chuyên gia cho ADB tại thị trường như Việt Nam, Manila, các nước Nam Á, cho rằng trong năm nay, Nhà nước cần có thêm sự can thiệp trên thị trường này.
Ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng của ADB Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong năm nay?
- Sau 3 năm chống chọi với Covid-19, nền kinh tế dù phục hồi ấn tượng cũng bộc lộ những điểm yếu cơ bản về cơ cấu.
Thứ nhất là sự mất cân đối giữa thị trường tiền tệ - thị trường vốn. Nền kinh tế hiện vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường vốn vừa phát triển 3-4 năm nay lại gặp trở ngại. Đặc biệt là vấn đề trái phiếu trong 2022 gây tắc nghẽn thị trường.
Thứ hai là thị trường lao động. Sau 2 cú sốc trong 2021-2022, thách thức trên thị trường này sẽ trở nên sắc nét hơn trong năm nay. Vấn đề chung được đặt ra là mạng lưới an sinh xã hội chưa đảm bảo cũng như lượng lao động có tay nghề vẫn còn rất thấp, dễ bị tổn thương có xáo trộn.
Thứ ba là giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm. Tỷ lệ giải ngân của Việt Nam trước nay cũng chỉ khoảng 60% đặt ra câu hỏi về khả năng hấp thụ thực tế của nền kinh tế. Bởi nếu phải giải ngân quá sức, thị trường tài chính, lạm phát sẽ chịu sức ép lớn khi lượng vốn được hút vào bị tồn đọng, trong khi nền kinh tế cần vốn.
- Nhiều doanh nghiệp đang than thiếu vốn, nhưng cũng có những nhìn nhận cho rằng nên để thị trường tự điều tiết, quan điểm của ADB như thế nào?
- Đúng là đang có tranh cãi quanh xu hướng nên để thị trường tự cân đối, nhà nước không can thiệp hoặc có can thiệp nhưng chỉ bằng chính sách. Tuy nhiên, nếu nhìn lại khủng hoảng tài chính 2008, ban đầu Chính phủ Mỹ cũng để cho thị trường tự điều tiết, kết quả Lehman Brothers phá sản, làm rung chuyển toàn hộ hệ thống tài chính và kinh tế nước này. Mỹ sau đó phải lập tức can thiệp, thậm chí là quốc hữu hoá vào cả các công ty sản xuất chứ không riêng tại các ngân hàng thương mại.
Tại Việt Nam, trong 2023, vốn trái phiếu đáo hạn có thể lên đến 150.000 – 200.000 tỷ đồng, nếu để thị trường tự xử lý thì không chỉ tắc nghẽn dòng vốn mà có thể dẫn đến những rủi ro hệ thống, lan sang cả hệ thống ngân hàng, và toàn bộ thị trường tài chính. Trong điều kiện bình thường thì nên để bàn tay thị trường điều tiết. Nhưng ở bối cảnh nhạy cảm là nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi và kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước rất nhiều thách thức cả trong và ngoài trong năm 2023 thì chỉ cần một vụ việc nhỏ cũng có thể tạo ra những địa chấn lớn.
Cách nói để thị trường tự xử lý sẽ là hơi thiếu trách nhiệm, không tính toán hết đến những rủi ro hệ thống. Không phải lúc nào thị trường cũng có thể xử lý được tất cả, có lúc nhà nước vẫn phải can thiệp.
Thực tế, Chính phủ cũng có một số động thái can thiệp vào thị trường trái phiếu bằng chính sách như đề xuất gia hạn, nới kỳ hạn trái phiếu, lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm... nhưng tôi cho rằng những điều này thực sự không mang lại nhiều kết quả. Các đề xuất gia hạn sẽ tạo ra những trái phiếu dưới chuẩn cho tương lai. Đây chỉ là lùi thời hạn để giải quyết chứ không thực sự xử lý được vấn đề.
- Vậy nhà nước nên can thiệp như thế nào vào thị trường vốn?
- Có nhiều kinh nghiệm trên thế giới cũng như trong khu vực trong xử lý thị trường vốn vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Ví dụ, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập quỹ mua lại trái phiếu doanh nghiệp, trị giá 11 tỷ USD. Trung Quốc thông qua kế hoạch hành động 16 điểm vào tháng 11/2022, trong đó chỉ có 1 hành động là nhấn mạnh vai trò thị trường, còn lại 15 hành động là hỗ trợ tài chính và chính sách. Trung Quốc hiện dự thảo kế hoạch hành động 21 điểm, nâng mức hỗ trợ tài chính lên 67 tỷ USD kèm theo các giải pháp giãn nợ khác. Những kinh nghiệm trên cho thấy vào thời điểm rất nhạy cảm với thị trường, sự can thiệp của nhà nước bằng cả chính sách và tài chính là quan trọng và cần thiết.
Tất nhiên là có tranh cãi về mức độ can thiệp của nhà nước trong khai thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt ở Việt Nam khi các doanh nghiệp phát hành nhiều trái phiếu thuộc nhóm bất động sản. Nhưng thực tế, nhóm bất động sản bao gồm khoảng gần 40 lĩnh vực kinh tế với hàng triệu lao động. Vì vậy, nên nhìn rộng đến cả nền kinh tế và đặc biệt là sự an toàn hệ thống tài chính.
Ngoài ra, nếu thị trường vốn không được khai thông, như trong năm 2022, nó sẽ tác động đến từng người dân. Trong khi nợ công và nợ Chính phủ Việt Nam được kiểm soát tốt thì nợ hộ gia đình tăng mạnh. Theo nhiều nghiên cứu, tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ 41% thu nhập trong 2013 lên hơn 100% trong 2020. Nợ hộ gia đình Việt Nam ở mức 66% trên GDP năm 2020, vượt mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi (54% trên GDP), và việc vượt ngưỡng 65% có thể gây bất ổn với hệ thống tài chính. Trong đó, khoảng 25% nợ hộ gia đình là vay thế chấp.
Quốc hội Mỹ khi họp cũng vấp phải những ý kiến cho rằng không thể lấy tiền thuế của dân đi can thiệp vào các công ty. Nhưng cuối cùng họ vẫn thông qua, can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng ngân sách vì thực tế người dân sẽ gánh chịu hậu quả đầu tiên nếu hệ thống tài chính bị tác động.
Bên cạnh đó, về lãi suất ngân hàng, trong năm 2023, quan điểm của ADB là Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và chú trọng vào lạm phát cho dù lạm phát hiện có xu hướng trung hoà và đi ngang. Rủi ro lạm phát vẫn rất lớn, đặc biệt trước việc Trung Quốc mở cửa trở lại và cách Fed điều hành lãi suất tới đây. Chúng tôi cho rằng cần phải hết sức cảnh giác với lạm phát và giữ cho chỉ số này đạt được mục tiêu dưới 4% thay vì một số quan điểm có thể chấp nhận lạm phát ở mức cao hơn.
ADB cũng nhìn nhận, để giảm thiểu sức nặng lên chính sách tiền tệ, có nhiều chỉ tiêu kinh tế mà Việt Nam nếu cần có thể cân nhắc vì còn nhiều dư địa, thay vì dồn sự chú ý đến lạm phát. Ví dụ nợ công, đang ở mức 43% GDP. Bởi trong khi Việt Nam chỉ cần 2-3 năm là có thể giảm được nợ công từ tiệm cận 65% xuống còn 43% (tất nhiên có tính đến yếu tố điều chỉnh quy mô GDP), thì với nợ xấu ngân hàng, 10 năm nay việc xử lý vẫn chưa xong. Nếu nới lỏng lạm phát, ngân hàng cho vay nhiều hơn, nợ xấu có thể tăng lên khiến nhiệm vụ bảo đảm tín dụng của ngân hàng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.
Theo tôi, một mình chính sách tiền tệ là không đủ mà cần có sự chia sẻ nhiều hơn từ chính sách tài khoá.
- Bên cạnh những thách thức, đâu là những thuận lợi mà kinh tế Việt Nam có thể nhận được?
- Trong năm nay, ngoài những cơn gió ngược đã nói nhiều ở 2022 sẽ có cả những cơn gió xuôi, tạo ra cơ hội và trung hoà những thách thức đã có. Cơ hội năm 2023 sẽ nhiều hơn trong năm 2022. Suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu và ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cũng làm giảm giá nguyên, nhiên liệu, giảm áp lực lạm phát. Xu hướng lạm phát giảm đã tương đối rõ ở các nền kinh tế lớn và việc thực hiện chính sách tiền tệ diều hâu sẽ ít có khả năng năm 2023, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra Trung Quốc mở cửa sẽ là một ẩn số và mọi người tập trung vào ẩn số này với cả cơ hội và thách thức trong năm 2023. Từ quý II trở đi, khi việc mở cửa thực sự đi vào quỹ đạo, tác động lên kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ rõ ràng. Hiện giờ, rất khó để nói Việt Nam được hưởng lợi ở mức độ nào, ít hay nhiều hơn so với các nước trong khu vực vì còn tuỳ thuộc vào lĩnh vực. Như nông nghiệp, khả năng Việt Nam sẽ được nhiều hơn vì là nước xuất khẩu nông sản lớn sang Trung Quốc, nhưng với du lịch, có thể ít hơn vì chính sách visa không được thông thoáng như các quốc gia khác.
Để đón cơn gió xuôi từ Trung Quốc, Việt Nam hiện có 6 tháng để chuẩn bị. Đơn cử tập trung khôi phục thương mại đường biên với nước này; nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ cho buôn bán, kinh doanh giữa hai bên; tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp... Đây là những thứ Việt Nam có thể đi trước đón đầu đợi thị trường Trung Quốc hoàn toàn mở cửa.
Phương Ánh (thực hiện)