Chia sẻ tại diễn đàn thương mại điện tử xuyên biên giới ngày 27/6, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling cho biết trong 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên Amazon.

Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên sàn thương mại điện tử này cũng tăng 50%, theo ông Toàn.

Theo báo cáo của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam dự kiến đạt 296.300 tỷ đồng vào năm 2027.

Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên sàn thương mại điện tử này tăng 300% trong 5 năm. Đây là con số "đáng kinh ngạc" cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới, theo đại diện Amazon

Theo thống kê từ 2019-2023, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD mỗi năm trên Amazon tăng gấp 10 lần. Cùng đó, số lượng đối tác bán hàng Việt tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon gấp 35 lần trong 5 năm qua.

e11af1d9b463173d4e72-171948582-3242-1976-1719489453.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cQTWk2r-T5MW2QnpoQNxxQ

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling tại diễn đàn, ngày 27/6. Ảnh: Quân Nguyễn

Amazon Global Selling dự báo từ năm 2021-2026, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới hàng năm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á khoảng 20%. Riêng giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng loại hình này gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030 của Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7% mỗi năm.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Song, đại diện VECOM cho rằng một trong thách thức là các vấn đề về hành lang pháp lý với doanh nghiệp Việt Nam.

Còn theo bà Cao Cẩm Linh, đại diện Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam, thương mại điện tử muốn phát triển phải có logistics đi kèm. Bởi, nếu có nhu cầu mà không có đơn vị vận chuyển, nhu cầu đó chỉ nằm trên giấy tờ.

Theo bà Linh, Hiệp hội đã tập huấn cho các sở công thương về quy trình thương mại trên nền tảng điện tử, cách vận hành, vận chuyển, từ đó giúp các địa phương có giải pháp phù hợp nhất hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại diện Amazon cũng khuyến nghị doanh nghiệp nghiên cứu để bán những sản phẩm mà khách hàng cần, không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa và xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để có nền tảng kinh doanh lâu dài.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp này đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử & Kinh tế Số (Bộ Công Thương) đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các doanh nghiệp về thương mại điện tử xuyên biên giới trong vòng 5 năm. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận hơn 200 triệu khách hàng thành viên (Prime) và năm triệu doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử này.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022