Áp dụng quy luật kinh tế tuần hoàn, Tập đoàn Sao Mai ở miền Tây là một trong những doanh nghiệp tiên phong khai thác lĩnh vực điện năng lượng mặt trời. Đơn vị triển khai đổi mới sáng tạo với mô hình tổ hợp "bộ ba" gồm điện mặt trời, du lịch và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó chỉ bằng một mảnh đất, tập đoàn có thể thu về lợi nhuận tối đa từ cả ba ngành nghề.
Trong đó, điểm tham quan điện mặt trời An Hảo của tập đoàn đã góp phần mở ra cung đường du lịch mới lạ, tạo điểm nhấn cho lĩnh vực du lịch khu vực phố núi. Khu tham tọa lạc tại ấp An Thạnh, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm khám phá thảo nguyên khai thác điện mặt trời rộng lớn Solar farm, ngắm những dãy pin xanh xếp ngăn nắp, trải rộng khắp cả cánh đồng.
Toàn cảnh khu du lịch An Hảo từ trên cao. Ảnh: Sao Mai Group
Ngoài ra không gian xanh mát với các mảng thiên nhiên, diện tích mặt nước rộng lớn cũng góp phần trung hòa không khí cho toàn khu du lịch, mang lại cảm giác thư thái, trong lành cho du khách. Tổng diện tích khu du lịch lên đến 275 ha, nằm ngay dưới chân núi Cấm với không khí mát mẻ, thuận lợi khai thác du lịch, tham quan quanh năm. Tổng vốn đầu tư của dự án này trên 6.000 tỷ đồng, cho công suất phát điện 210MWp.
Toàn khuôn viên còn được trồng đầy những luống hoa dừa cạn, tạo thêm màu sắc đa dạng, rực rỡ. Hoa thường mọc ở các lối đi, tạo nên những cung đường hoa giấy bắt mắt, thơ mộng, thích hợp làm nơi chụp ảnh check-in "sống ảo".
Phía Sao Mai Group cũng chủ động mang đến những trải nghiệm mới lạ để thu hút du khách. Các hoạt động như tản bộ vòng quanh hồ Thiên cảnh, hít thở khí trời, chạy bộ buổi sáng giữa cánh đồng điện máy... cũng là lựa chọn lý tưởng cho những ngày cuối tuần, lễ, Tết, hợp nhóm khách muốn tạm rời xa phố thị, gần gũi thiên nhiên và tìm kiếm cảm giác du ngoạn độc đáo. Hồ được thiết kế kỳ công. Xung quanh bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối, được chuyển xuống trực tiếp từ Thiên Cấm Sơn.
Về khía cạnh khai thác năng lượng, Sao Mai Group cho biết kế hoạch khai thác điện mặt trời của họ không dừng lại ở nhu cầu thắp sáng. "Nơi đây còn giữ vai trò đại sứ, là một trong những đơn vị dẫn đầu xu hướng du lịch kết hợp điện mặt trời", đại diện tập đoàn nói thêm.
Một điểm tham quan khác cũng đáng cân nhắc tại khu tham quan Solar Farm là Thủy đài Sơn - điểm cao nhất trong trong khuôn viên. Du khách có thể lên đài ngắm cảnh, chụp ảnh và thưởng thức không khí trong lành với tầm nhìn từ trên cao.
Du khách ngồi xe điện tham quan khu vực cánh đồng điện mặt trời ngay dưới chân núi Cấm của Sao Mai Group. Ảnh: Sao Mai Group
Ngoài khai thác du lịch, Sao Mai Group còn kiến tạo nhà máy điện mặt trời Sao Mai An Hảo thành khu nông nghiệp kiểu mới. Dự án làm nông nghiệp dưới 530.000 tấm pin mặt trời của nhà máy đã được tập đoàn cân nhắc ngay từ khi mới lên ý tưởng thiết kế và thi công.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, các nhà thầu thi công đã lắp tấm pin ở vị trí cách mặt đất 1,8 m, chừa không gian bên dưới đủ để làm nông nghiệp. Thực tế cách lắp này sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư cho hệ cột nâng tấm pin. Công tác bảo trì thay thế, vệ sinh thường xuyên khi vận hành cũng tiêu tốn không ít.
Nhưng bù lại, doanh nghiệp có thể tận dụng toàn bộ diện tích bên dưới hệ thống này phục vụ cho nuôi trồng nông nghiệp. Ngoài ra, việc thường sử dụng nước tưới cũng giúp làm mát tấm pin, góp phần tăng hiệu suất phát điện và độ bền. Đó cũng là lý do Sao Mai Group kiên trì với kế hoạch lắp cao hơn mặt đất 1,8 m.
Hiện nay, nhà máy đã triển khai dự án nuôi bò, cừu và một số động vật ăn cỏ dưới tấm pin và hiện ghi nhận hiệu quả khả quan vì tiết kiệm chi phí mua thức ăn, công tác chăm sóc nhờ các loại cỏ dại mọc sẵn. Song song đó, một số dự án nông nghiệp khác cũng đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, như trồng cây dược liệu cùng một số sản phẩm nông nghiệp khác phù hợp.
Với chiến lược tận dụng, khai thác triệt để đa ngành nghề, mục tiêu trên cùng một diện tích đất, Sao Mai Group đến nay đã cắt giảm hiệu quả cả chi phí lẫn nhân lực. Đồng thời, việc kết hợp solar farm với khu du lịch An Hảo cũng giúp tăng giá trị thương mại cho địa phương, góp phần thay đổi diện mạo tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Thy An