Ngày 14/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2024 thuộc về 3 nhà khoa học. Đó là Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson. Họ được trao giải nhờ nghiên cứu về cách các thiết chế xã hội được tạo ra và tác động của chúng lên sự thịnh vượng của đất nước.
Acemoglu là người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Johnson và Robinson là người Mỹ gốc Anh. Họ đều đang làm việc tại các trường đại học Mỹ.
Trong lịch sử giải Nobel Kinh tế, Mỹ đóng góp nhiều đại diện nhất. 65 trên tổng số 96 nhà khoa học được giải mang quốc tịch Mỹ. Một số người mang hai quốc tịch. Kể từ lần trao giải đầu tiên năm 1969, chỉ 12 năm là không có sự xuất hiện của người Mỹ, tập trung chủ yếu ở giai đoạn trước năm 1990.
Khoảng 30 năm gần đây, sự thống trị của Mỹ càng rõ rệt. Nhiều nhà kinh tế giành giải không sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng học tập, làm việc và có quốc tịch Mỹ. Xu hướng này được dự báo còn tiếp tục trong thời gian dài.
Một bài phân tích trên Christian Science Monitor từ năm 1995 chỉ ra rằng hiện tượng trên phản ánh sức mạnh khoa học của nền kinh tế số một thế giới. Chính phủ Mỹ dành rất nhiều tiền cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản. Các phương tiện truyền thông phát triển, như Internet, cũng giúp việc hợp tác dễ dàng hơn, đặc biệt với các nhà nghiên cứu tại các nước đang phát triển.
"Hệ thống nghiên cứu của Mỹ vẫn đang bỏ rất xa các nước khác", Philip Schewe - chủ biên tạp chí chuyên ngành Physical Review Letters thời đó nhận xét.
Sau Đại chiến Thế giới II, Washington bắt đầu chiến dịch hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có cho nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, châu Âu, Nhật Bản và Liên Xô thời đó vẫn còn chật vật tái thiết nền kinh tế hậu chiến. "Chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một nền khoa học và công nghệ được cấp vốn đầy đủ. Việc đó đã giúp người Mỹ giành giải", Stephen Brush - nhà sử học tại Đại học Maryland cho biết trên Christian Science Monitor.
Ba nhà khoa học được giải Nobel Kinh tế 2024. Đồ hoạ: Đăng Hiếu
Tính đến năm 1995, nửa số người Mỹ được giải Nobel đang làm việc cùng, hoặc dưới quyền những người từng nhận giải này. Harriet Zuckerman - tác giả một nghiên cứu về các nhà khoa học từng giành Nobel nhận định: "Đây là một phát hiện rất quan trọng. Theo lẽ tự nhiên, người giỏi thì luôn bị thu hút bởi người giỏi".
Trên AFP năm 2021, David Baltimore - người được trao giải Nobel Y học năm 1975 cũng cho rằng tài trợ cho nghiên cứu cơ bản là yếu tố cốt lõi giúp Mỹ thống trị các giải Nobel hàng năm. "Đây là sức mạnh của các viện nghiên cứu và trường đại học của chúng tôi", ông nói. Hoạt động từ thiện và các khoản đóng góp cá nhân càng khiến nguồn tài chính cho nghiên cứu càng dồi dào.
Forbes cũng đồng tình với nhận định trên. Tạp chí này cho rằng Mỹ thống trị giải Nobel nhờ dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, thông qua các khoản hỗ trợ hào phóng của Chính phủ, các biện pháp khuyến khích giáo dục bậc cao và sự cởi mở trong chính sách thu hút nhân tài khắp thế giới. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng như các quỹ giàu có sẵn sàng chi tiền cho nghiên cứu trong dài hạn.
Số liệu mới nhất của National Science Foundation - cơ quan chính phủ hỗ trợ hoạt động khoa học tại Mỹ cho thấy năm 2022, Mỹ chi 886 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng 12% so với năm 2021. Nguồn tài trợ lớn nhất đến từ nhóm doanh nghiệp, với 673 tỷ USD. Chính phủ Mỹ xếp thứ hai với 160 tỷ USD.
Khoảng 30 năm qua, gần như năm nào cũng có người nhập cư mang quốc tịch Mỹ được trao giải Nobel.
Không chỉ kinh tế, người Mỹ còn giành nhiều giải Nobel hơn các nước khác trong cả lĩnh vực Vật lý, Hóa học và Y tế, kể từ sau Thế chiến II. Forbes cho biết kể từ năm 1935, năm nào cũng có ít nhất một người Mỹ giành Nobel. Trong khi đó, trong 6 năm đầu trao giải, người Mỹ gần như vắng bóng.
Danh sách Nobel Kinh tế giai đoạn 2013-2023
Năm | Người đoạt giải | Công trình | Quốc gia |
2023 | Claudia Goldin | Thu nhập và đóng góp của phụ nữ vào thị trường lao động | Mỹ |
2022 | Ben Bernanke, Philip Dybvig và Douglas Diamond | Vai trò của ngân hàng trong khủng hoảng tài chính. | Mỹ |
2021 | David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens | Kinh tế lao động và phương pháp luận trong quan hệ nhân quả | Canada, Mỹ và Hà Lan |
2020 | Paul R.Milgrom và Robert B.Wilson | Thuyết đấu giá | Mỹ |
2019 |
Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer |
Cách tiếp cận thực nghiệm trong giảm nghèo toàn cầu | Mỹ và Pháp |
2018 |
William Nordhaus Paul Romer |
Kinh tế học khí hậu Thuyết tăng trưởng nội sinh |
Mỹ |
2017 | Richard H.Thaler | Kinh tế học hành vi | Mỹ |
2016 | Oliver Hart và Bengt Holmström | Lý thuyết hợp đồng | Mỹ và Phần Lan |
2015 | Angus Deaton | Mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi | Mỹ |
2014 | Jean Tirole | Cách thức quản lý các tập đoàn, công ty lớn trên thị trường | Pháp |
2013 | Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen, Robert J. Shiller | Phân tích giá tài sản | Mỹ |
Hà Thu (tổng hợp)