Lỗi khóa kéo, dính vết bẩn, mất khuy là những vấn đề phổ biến của quần áo trả lại sau khi mua qua các kênh thương mại điện tử. (Re)vive là một trong những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tân trang và bán lại chúng trên thị trường.
Quy trình kiểm tra mùi và chuẩn bị làm sạch quần áo tại ACS. Ảnh: ACS
Gần một nửa lượng hàng hoàn sau khi mua online ở Vương quốc Anh đến từ những người hoàn chậm và trả hàng loạt, theo báo cáo của công ty hậu cần quốc tế ZigZag Global. 69% người mua thế hệ Z thích đặt cùng một mặt hàng với nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau.
Al Gerrie - Giám đốc điều hành ZigZag Global – cho biết số hàng trả lại từ "tủ quần áo" người mua tăng đột biến vào dịp Giáng sinh và năm mới, khi khách hàng mua trang phục dự tiệc chỉ để trả lại sau khi mặc.
Giá trị hàng hoàn ở Anh trong năm nay dự kiến vượt 27 tỷ bảng (hơn 864.000 tỷ đồng). Với lĩnh vực thời trang, tỷ lệ trả hàng trên tổng số giao dịch chiếm hơn một nửa. Sau khi được vận chuyển đến các kho lưu trữ, sản phẩm hoàn sẽ qua quy trình kiểm tra chất lượng để cân nhắc về khả năng bán lại trên thị trường. Nhiều mặt hàng được chuyển ra thẳng bãi rác.
Tốc độ của quy trình trả hàng tác động lớn đến phát thải, theo Giám đốc điều hành ZigZag Global. "Tốc độ xử lý hàng trả lại đặc biệt quan trọng trong thời trang, khi xu hướng luôn thay đổi và các mặt hàng nằm trong kho mất giá nhanh chóng", Gerrie nói. Hàng hóa phải được phân loại và đưa trở lại thị trường một cách hiệu quả.
Bài toán này tạo cơ hội cho những doanh nghiệp khởi nghiệp như (Re)vive. Họ giúp giảm chất thải thời trang và tạo lợi nhuận, manh nha bước vào ngành kinh tế tiềm năng gọi là công nghiệp trả hàng.
"Một khiếm khuyết rất nhỏ cũng có thể khiến hàng bị xếp vào dạng "lỗi". Đây là tình huống bất lợi cho cả thương hiệu lẫn người dùng. Chúng tôi hy vọng giúp những mặt hàng không hoàn hảo này có một cuộc đời thứ hai", CEO (Re)vive Allison Lee nói.
(Re)vive khởi đầu là một công ty sửa quần áo, chuyển sang xử lý hàng trả lại để bán sau khi gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Công ty này cam kết tân trang quần áo hoàn lại trong ba tuần để bán được với giá trị ban đầu hoặc thỏa thuận qua trang web bán lại. Doanh nghiệp lãi hơn 3 triệu USD trong năm nay, kỳ vọng lượng quần áo được tân trang sẽ tăng 25 lần vào năm tới.
Tương tự (Re)vive, ACS (Advanced Clothing Solutions) tại Scotland cũng nỗ lực cải thiện quy trình tân trang hàng hoàn trả trên kênh bán online. ACS khởi nghiệp từ năm 1997 bằng việc cho thuê váy, quần áo dạ hội vùng cao nguyên. 22 năm sau, công ty này bước sang lĩnh vực tân trang hàng hoàn lại, hợp tác với các thương hiệu thời trang cao cấp như The North Face, Chloé, LK Bennett và Timberland.
Công ty hiện kinh doanh trong các lĩnh vực cho thuê, bán lại (re-commere) thời trang xa xỉ, tân trang quần áo và xử lý trọn gói các đơn hàng hoàn. Mỗi tuần ACS xử lý hơn 10.000 đơn hàng hoàn trả từ kênh thương mại điện tử, để đưa số quần áo này trở lại các kệ hàng. Họ hợp tác với công ty công nghệ Archive, chuyên phân loại quần áo cũ cho các thương hiệu thiết kế, sau đó bán chúng trên thị trường thứ cấp hoặc tái chế.
ACS không công bố số liệu kinh doanh, nhưng hãng phân tích thị trường CBInsight cho biết công ty khởi nghiệp này đã gọi vốn thành công từ 6 nhà đầu tư, với hơn 48 triệu USD. Gần nhất, họ gọi vốn từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Amazon, nhưng số liệu cụ thể không được công bố.
Nhân viên kiểm tra chất lượng quần áo tại ACS. Ảnh: ACS
Hàng hoàn trả gây nhiều hậu quả về môi trường, theo TS Talia Hussain - Viện Đổi mới Thiết kế tại Đại học Loughborough London. Những vấn đề nổi cộm dễ thấy như tăng phát thải do xe vận chuyển hàng hoàn, bao bì không được tái sử dụng. Nếu chi phí phục vụ việc trả lại và nhập kho lớn hơn lợi nhuận tiềm năng, các công ty có thể chọn bán thanh lý hoặc thải bỏ.
Phần lớn người dùng muốn được hoàn hàng miễn phí, 84% mong muốn được hoàn tiền trong một tuần và các tiêu chuẩn này không giảm trong mùa cao điểm, theo ZigZag Global.
"Không có thứ gì gọi là trả hàng miễn phí", Giám đốc điều hành ZigZag Global nói thêm. Các quy trình hậu cần liên quan - kiểm tra, đóng gói và phân phối lại các mặt hàng - khiến các nhà bán lẻ tốn kém nhiều. Đó là lý do các hãng bán lẻ như Boohoo, Zara và Asos áp phí để thu hồi phần nào chi phí liên quan.
"Chúng tôi đang ở một trong những giai đoạn bận rộn nhất trong năm, từ Black Friday (Thứ Sáu đen tối) kéo dài đến các đợt giảm giá Tháng Một. Để duy trì lợi nhuận, điều quan trọng là các nhà bán lẻ phải giải quyết vấn nạn trả hàng", Gerrie nói.
Bảo Bảo (Theo The Guardian)