Thông tin được ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan nêu tại Hội nghị đầu tư quốc tế tại Hà Nội ngày 9/7. Ông Danny Le nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng đón dòng vốn công nghệ trong tương lai nhờ nguồn nhân lực dồi dào, tinh thần đổi mới mạnh mẽ và tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.

"Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam thu hút các dòng vốn mới, đặc biệt là vốn đầu tư cho chuyển đổi số", CEO Masan nói.

Song, ông cũng nhấn mạnh việc triển khai chiến lược số hóa ở quy mô lớn đòi hỏi môi trường tài chính phù hợp gồm: chi phí vốn hợp lý, lãi suất ổn định và giá thành công nghệ mới phải dễ tiếp cận hơn. Đối với các doanh nghiệp như Masan, yếu tố then chốt để hiện thực hóa chuyển đổi số là nền tảng tài chính vững và dòng vốn chất lượng cao.

ong-danny-le-tong-giam-doc-mas-6539-3305-1752198521.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VwjCOjH88py-5m-W8DhEnQ

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Masan

Masan niêm yết vào năm 2009, huy động được gần 5 tỷ USD từ các định chế tài chính toàn cầu như KKR, TPG, Bain Capital, Alibaba. Doanh nghiệp không sử dụng nguồn vốn này để theo đuổi tăng trưởng ngắn hạn, mà tập trung phân bổ có mục tiêu, đầu tư vào công nghệ lõi, tự động hóa chuỗi cung ứng, mở rộng hệ thống phân phối và tái cấu trúc sau M&A.

Nhờ đó, Masan hình thành hệ sinh thái tích hợp vận hành hiệu quả, có khả năng mở rộng quy mô mà không làm gia tăng chi phí tương ứng, tạo nền móng tài chính vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Theo CEO Masan, với tầm nhìn công nghệ và kinh nghiệm triển khai thực tế, đơn vị đang trở thành một trong những doanh nghiệp nội địa giàu tiềm năng để đón đầu làn sóng vốn công nghệ toàn cầu trong thập niên tới.

Về tiềm năng phát triển của Masan trong lĩnh vực bán lẻ, ông Danny Le cho biết tương lai của ngành này không chỉ nằm ở khả năng mở rộng điểm bán, mà còn phụ thuộc vào việc xây dựng và làm chủ chuỗi cung ứng đầu - cuối (end-to-end) tích hợp công nghệ. Để tối ưu hiệu quả vận hành, doanh nghiệp cần đầu tư vào hạ tầng vật lý, đặc biệt là hạ tầng số gồm AI, machine learning (dạy máy học từ dữ liệu) và nền tảng dữ liệu khách hàng.

"Việc xây dựng chuỗi cung ứng đầu - cuối mang lại cơ hội lớn, nhưng cũng đòi hỏi đầu tư bài bản vào nền tảng công nghệ, từ AI đến dữ liệu, để đưa toàn bộ dịch vụ lên nền tảng số", CEO Masan nhấn mạnh.

48fe227eea4a5c14055b-175219829-1663-3667-1752198521.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HKIqiy5hQ_DvOOt72jT9PQ

Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Ảnh: Masan

Hiện Masan thuộc số ít doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chuỗi cung ứng tiêu dùng, bán lẻ đầu - cuối hoàn chỉnh. Đơn vị đang từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành một trong những nền tảng tiêu dùng - bán lẻ quy mô hàng đầu khu vực. Doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ hành trình sản phẩm từ khâu lập kế hoạch, sản xuất, logistics đến phân phối đa kênh. Đây là yếu tố cốt lõi tạo nên tăng trưởng bền vững và biên lợi nhuận vượt trội.

Bên cạnh đó, Masan cũng chủ động sản xuất thông qua các công ty thành viên như: Masan Consumer, Masan MEATLife, WinEco và tích hợp sản phẩm, dịch vụ tài chính với Techcombank. Khâu vận hành và hậu cần do công ty logistic nội bộ SUPRA đảm nhiệm, giúp tối ưu tồn kho, tự động bổ sung hàng hóa và tăng tốc độ phủ sóng thị trường.

Đặc biệt, với mạng lưới bán lẻ hiện đại gồm hơn 4.000 cửa hàng, siêu thị WinMart, WinMart+, WiN, hệ thống GT (kênh phân phối hàng hóa theo phương thức truyền thống) và thương mại điện tử. Tại điểm chạm với người tiêu dùng cuối cùng là chương trình hội viên WiN với tiềm năng giúp Masan tiếp cận trực tiếp 30-50 triệu người tiêu dùng Việt.

CEO Masan cho biết, đơn vị không chỉ dừng lại ở vai trò nhà bán lẻ hoặc nhà sản xuất. Thay vào đó doanh nghiệp đóng vai trò "cầu nối" giữa hai đầu chuỗi. Nhờ vậy, đơn vị tạo ra lợi thế để tối ưu hóa biên lợi nhuận, quản trị dữ liệu người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh lớn của ông lớn này trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.

33b00cd5c5e173bf2af0-175219834-3437-2363-1752198521.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8GbBq6CmIymYJXH2Z-IH7Q

Khách hàng mua sắm các sản phẩm của doanh nghiệp. Ảnh: Masan

Doanh nghiệp còn hợp tác chiến lược Techcombank để triển khai đồng bộ mô hình ngân hàng đại lý cho phép người tiêu dùng thực hiện các dịch vụ tài chính cơ bản ngay tại hệ thống bán lẻ của Masan. Giải pháp này giúp gia tăng tiện ích cho khách hàng, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính hiện đại đến hàng triệu người tiêu dùng.

Sau thời gian tái cấu trúc, xây dựng chuỗi cung ứng toàn diện đầu - cuối, Masan mang về những kết quả tích cực. Theo đó, WinCommerce lần đầu ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2024 sau tái cấu trúc, Masan Consumer tiếp tục duy trì biên lợi nhuận cao.

Masan MEATLife liên tiếp ba quý mang lại lợi nhuận, tăng gấp đôi doanh số tại hệ thống WinMart. Tổng thể, lợi nhuận sau thuế của Masan trong năm đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng đặt kỳ vọng quý II/2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng, với lợi nhuận trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) ước đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Danny Le nói thêm, với năng lực triển khai thực tế, nền tảng tài chính vững và chuỗi giá trị khép kín đã phát huy hiệu quả, Masan có nhiều thuận lợi để đón đầu làn sóng chuyển đổi số. Đồng thời, đơn vị cũng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại và đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong kỷ nguyên tiêu dùng mới.

Hoàng Đan

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022