Chiều 23/2, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Hà Nội là đầu não chính trị, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học. Thành phố cũng là động lực quan trọng với sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước", Bộ trưởng đánh giá.

8855868d43f297accee3-5069-1696-6910-8031-1708696486.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k9b4gddatLkYR1yLc4ut6g

Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội đi vào vận hành gần cuối 2023. Ảnh: NIC

Trong thời gian qua, Hà Nội dù phát triển mạnh vẫn đối diện với nhiều khó khăn, điểm nghẽn lớn. Vị thế kinh tế của Thủ đô có xu hướng giảm dần so với các địa phương khác trong vùng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế được nhìn nhận còn chậm, chưa hình thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiệu quả cao.

Thành phố cũng đối diện nhiều vấn đề về giao thông, ô nhiễm, ngập lụt. Các tuyến giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung chưa được hình thành đồng bộ, đặc biệt thiếu các trục xuyên tâm Bắc Nam và Đông Tây, theo Bộ trưởng Dũng. Trong khi đó, quy mô dân số Hà Nội đã vượt mức dự báo còn việc giãn dân khỏi nội đô không khả thi.

"Muốn phát triển mạnh, Hà Nội cần xác định những tiềm năng riêng có, các thế mạnh đặc biệt nổi trội", Bộ trưởng Dũng nói về lần quy hoạch Thủ đô này.

Theo Quy hoạch, nhiều mục tiêu được đặt ra cho Hà Nội như trở thành trung tâm kinh tế tài chính lớn của Việt Nam với sức ảnh hưởng trong khu vực; trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thành phố cũng đóng vai trò cực tăng trưởng dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng.

Quy hoạch cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Trục sông Hồng cũng được xem là động lực chính cho phát triển Hà Nội. Hạ tầng giao thông của thành phố sẽ kết nối 4 phương thức vận tải: hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng.

Hà Nội sẽ tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Hà Nội; Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài; xây dựng sân bay thứ hai vùng Thủ đô.

Góp ý cho Quy hoạch, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nói, cần đánh giá đúng vị trí của Hà Nội so với các địa phương khác, từ đó mới có thể xác định mục tiêu phát triển hợp lý. Ông cho rằng, Quy hoạch phải xác định công nghiệp công nghệ cao là điểm đột phá, ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, cần mở rộng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chip, bán dẫn. Ông cũng đề nghị cần làm rõ trục động lực, không gian phát triển trong quy hoạch cũng như có giải pháp huy động nguồn lực từ tư nhân, nước ngoài.

GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói thêm rằng cần phải ưu tiên phát triển không gian mới để thu hút đầu tư, đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông. Ông lưu ý, Hà Nội cần có chiến lược cho đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có đầu tư cho các trường đại học.

Đức Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022