Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17/2 tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ giao về quản lý thị trường vàng. Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu cơ quan này có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.
Cuối 2023, giá trong nước chênh với thế giới tới 20 triệu đồng, buộc cơ quan quản lý phải lên tiếng và đề nghị các bộ vào cuộc thanh tra hoạt động mua bán vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Ngoài việc yêu cầu không chậm trễ trong việc tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó thủ tướng đồng thời giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương thanh tra, giám sát chặt chẽ thị trường này, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng... Việc này nhằm đảm bảo ổn định, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Kết quả thanh tra được Phó thủ tướng giao báo cáo cho Thủ tướng ngay trong tháng 2 năm nay.
Khách xếp hàng chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn ở cửa hàng SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, trưa 19/2. Ảnh: Thanh Tùng
Nghị định 24 được ban hành từ 2012 với chủ trương "chống vàng hóa" nền kinh tế và đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Theo nhiều chuyên gia, một số quy định của Nghị định 24 không còn phù hợp trong bối cảnh mới và cần được sửa đổi.
Trong suốt chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công khi có nhu cầu dưới sự giám sát của nhà điều hành.
Nguồn cung vàng miếng không tăng thêm trong chục năm qua, song gần đây Ngân hàng Nhà nước nói sẵn sàng tăng cung nếu cần thiết để can thiệp thị trường. Bên cạnh đó, cơ quan này nói cũng sẽ cân nhắc sự cần thiết của việc độc quyền vàng miếng SJC.
Quỳnh Trang