Khi Adriana Cubillo (26 tuổi) chuyển đến căn hộ một phòng ngủ ở Salt Lake City (Utah, Mỹ) hơn một năm trước, tiền thuê là 1.000 USD. Hiện, giá tăng gần 20%, lên 1.200 USD. Đây là khoản tiền lớn với thu nhập gần 30.000 USD một năm, tức 2.500 USD mỗi tháng, của cô.
Vì thế, Adriana phải dùng thẻ tín dụng để mua thực phẩm, khí đốt, thức ăn cho thú cưng. Công đang có khoản nợ thẻ 1.500 USD và mỗi tháng chỉ trả được mức tối thiểu 50 USD.
"Khi còn nhỏ, tôi luôn muốn trở thành người lớn và sống tự lập. Nhưng tình hình kinh tế hiện khó khăn quá", cô nói.
Business Insider cho rằng người Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng và nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Gen Z (18-26 tuổi).
Số liệu mới nhất của hãng dữ liệu TransUnion cho thấy quý cuối năm ngoái, dư nợ thẻ tín dụng trung bình của nhóm 22-24 tuổi tại Mỹ là 2.834 USD. 10 năm trước đó, con số này là 2.248 USD.
Người mua hàng đang thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một siêu thị. Ảnh: Reuters
Gen Z gánh khối nợ lớn khi giá đồ ăn, nhà ở tăng vọt. Họ cũng phải trả nợ học phí sau khi tốt nghiệp đại học.
Số liệu của Fed chi nhánh New York cho thấy thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp là 60.000 USD năm 2023. Con số này gần như không đổi so với 3 năm trước đó, mức 58.800 USD.
Trong khi, tiền thuê nhà - vốn chiếm ít nhất một phần ba lương tháng - lại tăng vọt. Tháng 1, tiền thuê bình quân khoảng 1.987 USD. Con số này tăng 22% trong 4 năm qua, theo nghiên cứu của nền tảng cho thuê trực tuyến Rent.
Khoảng một phần ba người thuê là nhóm trẻ, hoặc các gia đình thu nhập thấp, nhà kinh tế học Scott Fulford tại Consumer Financial Protection Bureau cho biết trên Wall Street Journal. "Tính trung bình, người trẻ thường có tài sản thấp hơn các nhóm khác. Vài năm gần đây, họ càng gặp khó do giá thuê nhà tăng cao", Fulford cho biết.
Khi khối nợ tăng, người trẻ cũng chậm thanh toán thẻ tín dụng và dựa vào gia đình nếu thất nghiệp, theo các nhà kinh tế học và cố vấn tài chính. "Thế hệ này có áp lực tài chính lớn hơn thế hệ trước đó 10 năm", Charlie Wise - Giám đốc nghiên cứu tại TransUnion nói.
Năm 2021, các hãng thẻ tín dụng nới tiêu chuẩn phát hành, thu hút nhiều người mở thẻ mới. Gen Z mở loại thẻ này nhiều hơn các nhóm khác trong đại dịch. Số liệu của VantageScore cho thấy gần 5% người tiêu dùng từ 27 tuổi trở xuống mở thẻ tín dụng trong tháng 3/2020.
Xu hướng này dẫn đến việc thẻ tín dụng được sử dụng nhiều hơn. Nhóm người trẻ hưởng lợi từ điểm tín dụng tăng trong đại dịch. Tiền mặt hỗ trợ từ chính phủ và số cơ hội tiêu tiền ít giúp họ dễ dàng trả nợ.
Nhưng hai năm qua, khi Fed liên tục nâng lãi suất để ghìm lạm phát, nhóm này bắt đầu gặp khó. Giới phân tích cho rằng Gen Z phải đối mặt với các thách thức đặc thù.
"Không như các thế hệ trước, Gen Z lớn lên trong kỷ nguyên số, khi thanh toán trực tuyến bùng nổ, mua sắm theo cảm hứng dễ dàng hơn. Sự phổ biến của các mạng xã hội cũng khiến họ có xu hướng chi tiêu theo những người có sức ảnh hưởng", Keisha Blair - nhà kinh tế học tại New York (Mỹ) cho biết trên Newsweek.
Nợ nần có thể ảnh hưởng đến việc gây dựng tài sản và ổn định tài chính trong tương lai. "Chậm thanh toán và vỡ nợ sẽ làm giảm điểm tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng vay tiền để mua nhà hay xe", Jason Berube - CEO hãng tư vấn Cornerstone Wealth Consulting Services cho biết.
Lindsay Quackenbush (26 tuổi) từng làm việc cho một công ty xuất bản, với mức lương 60.000 USD một năm. Số tiền này đủ giúp cô trả một phần tiền thuê căn hộ cùng bạn trai tại thành phố New York (Mỹ). Nhưng sau đó, cô bị sa thải.
Hiện, Quackenbush vẫn nợ 1.700 USD với 3 thẻ tín dụng. Đây là lần đầu tiên cô không thể trả hết chúng. Cô chọn cách thanh toán tối thiểu trong thời gian xin việc mới.
Nhưng cũng chính vì thế, cô và bạn trai phải hoãn lại kế hoạch kết hôn và sinh con, cho đến khi tài chính vững vàng hơn. "Chúng tôi không biết sẽ chờ đến bao giờ", cô nói.
Hà Thu (theo WSJ, Newseek, BI)