Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nói với VnExpress bên hành lang Quốc hội, các chuyên gia cùng nhìn nhận Nghị quyết 68 này là bước ngoặt lớn.
Bước ngoặt của tư duy
Ông Phan Đức Hiếu - đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - đánh giá đây là bước ngoặt thể hiện sự thay đổi về chất.
Các bước ngoặt trước đây, như sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, Luật Công ty những năm 90 của thế kỷ trước, giúp doanh nghiệp tư nhân bùng nổ về số lượng khi họ được phép làm những gì luật không cấm hoặc hạn chế. Còn Nghị quyết 68, theo ông Hiếu, đã "cởi trói" cho khu vực tư, khi vị trí, vai trò của họ được thay đổi, là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Ba thay đổi về tư duy quản lý, thực thi tại Nghị quyết 68 là giảm phiền hà (cắt giảm giấy phép kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính); tăng bảo vệ và khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp tư nhân.

Ông Phan Đức Hiếu, đại biểu hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Lo lắng lâu nay của doanh nghiệp, theo ông Hiếu, là rủi ro thể chế, dẫn tới việc họ không dám làm lớn. Tuy nhiên, trong kinh doanh, doanh nghiệp khó tránh khỏi sai lầm. "Nếu không có cơ hội làm lại, họ khó phát triển bền vững", ông nêu.
Nghị quyết 68 đưa ra quan điểm tăng bảo vệ doanh nghiệp trong đảm bảo quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và tuân thủ thực thi theo hợp đồng. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải dựa trên quyền tự do này. Tức là, cơ quan quản lý sẽ phải hỗ trợ, tư vấn để doanh nghiệp doanh nhân được bảo đảm quyền sở hữu tài sản, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu...
Cùng với đó, trách nhiệm tách bạch giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ cá nhân và pháp nhân trong xử lý vi phạm cũng được phân định rõ tại nghị quyết lần này. Ông Hiếu nhận xét đây là điểm quan trọng, bởi thực tế vi phạm của một cá nhân không đại diện cho doanh nghiệp. Việc xử lý vi phạm cá nhân gắn với doanh nghiệp như lâu nay, vô hình trung ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của chính đơn vị đó.
"Chủ trương tăng bảo vệ doanh nghiệp được thể hiện qua quan điểm xử lý các sai phạm tùy theo mức độ. Trong đó, nếu buộc phải xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước, không hình sự hóa quan hệ kinh tế", ông Hiếu nói, thêm rằng sự bảo vệ này sẽ tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, họ có trách nhiệm rõ ràng và "khi sai có cơ hội sửa".
Thêm nguồn lực để doanh nghiệp tư nhân 'dám làm lớn'
Việt Nam đang có trên 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, 82% lao động và khoảng 50% GDP.
PGS Trần Hoàng Ngân (trợ lý Bí thư Thành ủy TP HCM) cho rằng khu vực tư nhân lâu nay vẫn "lép vế", gặp khó trong tiếp cận nguồn lực xã hội, nhất là đất đai. Ông dẫn chứng khi thành lập các khu công nghiệp, địa phương thường quan tâm và dành nhiều ưu đãi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài để thu hút vốn ngoại. Nhưng tư duy này cần thay đổi, theo ông Ngân.
"Chúng ta phải tạo điều kiện, ưu đãi nhất cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực quốc gia. Như vậy doanh nghiệp tư mới có thể trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế vào 2030", ông nhận xét.
Bên cạnh vốn, đất đai và nhân lực, Nghị quyết 68 cũng đề cập việc thúc đẩy cơ chế giải quyết tranh chấp theo hợp đồng, trọng tài thương mại... Việc này, theo ông Phan Đức Hiếu sẽ khơi thông nguồn lực rất lớn vào sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế những hợp đồng trị giá nhiều triệu USD nếu vướng tranh chấp kéo dài, không được xử lý kịp thời gây phát sinh tồn đọng vốn lớn, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự thuận lợi, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính cũng là nguồn lực được khơi thông, giúp doanh nghiệp gia tăng vòng quay dòng tiền. "Nếu một dự án mà thời gian xin cấp giấy phép lâu hơn thi công sẽ không hiệu quả. Điểm nghẽn thủ tục hành chính được khơi thông sẽ là nguồn lực lớn cho khu vực tư", ông nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân khoảng 10-12% một năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách, giải quyết 84-85% việc làm và năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.
Ông Hiếu cho biết trong các báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ phối hợp rà soát các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 9, để Quốc hội xem xét và thể chế hóa ngay các nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị. Chẳng hạn, có thể xem xét giảm ngành nghề trong danh mục kinh doanh có điều kiện khi sửa Luật Đầu tư, Doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh "mở" hơn cho doanh nghiệp tư nhân...
"Tôi nhận thấy không khí, tinh thần rất phấn khởi của cộng đồng doanh nghiệp những ngày qua. Họ mong quyết sách của Đảng được thực thi kịp thời, nhất quán", ông Hiếu chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục duy trì tinh thần chủ động, tích cực và có hành động cụ thể cho quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - cho biết thực tế điều doanh nghiệp lo ngại là chính sách thiếu đồng bộ, "nay thế này, mai thế khác". Do đó, theo ông, cần sự phối hợp chặt chẽ, bình đẳng, xác định rõ trách nhiệm từng cấp, cá nhân giữa chính quyền (cán bộ, công chức) và doanh nghiệp trong thực thi các chính sách, nghị quyết.
"Cán bộ và doanh nghiệp phải quan hệ bình đẳng với nhau, chứ không phải "xin-cho" như tình trạng hiện nay. KPI của cán bộ, công chức trong thực thi chính sách cần được đánh giá bằng kết quả công việc của họ. Như vậy doanh nghiệp tư nhân mới phát triển, trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế", ông góp ý.
Tuy vậy, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng cần có chiến lược thay đổi sản phẩm, mô hình kinh doanh, kỹ năng quản trị để sẵn sàng cạnh tranh trong bối cảnh tư duy quản lý thay đổi - chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc này giúp họ cạnh tranh bình đẳng, công bằng.
"Khi cải cách thể chế được cởi mở, mức độ cạnh tranh cao và khốc liệt hơn, doanh nghiệp nào không chủ động đổi mới, sáng tạo, kinh doanh... khả năng bị đào thải lớn hơn nhiều", ông lưu ý.
Sau Nghị quyết 68, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội một nghị quyết để giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc cho kinh tế tư nhân phát triển. Về lâu dài, giới phân tích cho rằng cần tính tới xây dựng một luật riêng về phát triển kinh tế tư nhân, để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng và "đó sẽ là một bước tiến xa hơn trong phát triển khu vực tư tại Việt Nam".
Anh Minh