Tại diễn đàn về phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp chiều 11/4, ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết địa phương này có 6 khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu xanh và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà.

Tuy nhiên, ông Chiên phản ánh nhiều nhà máy gặp khó khi có nhu cầu kết nối, ký hợp đồng sử dụng loại năng lượng này. Theo ông, việc các công ty điện lực tạm dừng kết nối sau khi Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời hết hiệu lực vào cuối 2020, khiến "doanh nghiệp mất phương hướng, khó tìm giải pháp thay thế".

Họ cũng đối mặt vấn đề chi phí đầu tư. "Để sản xuất 1 MW điện cần khoảng 13 tỷ đồng", ông Chiên nói.

Chưa kể, mùa nóng tại miền Bắc thường ngắn, 3-4 tháng, bức xạ nhiệt kém hơn khu vực miền Trung và Nam, nên công suất, sản lượng điện mặt trời mái nhà thấp hơn. Điều này khiến doanh nghiệp lo ngại khả năng thu hồi vốn, giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu cao.

Ong-Chien-BQL-KCN-Nam-Dinh-jpe-3334-4425-1712847091.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4dtDUqmkuwmBipaXpUi6XA

Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Nam Định. Ảnh: DĐDN

Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, khoảng 30-50% doanh nghiệp dệt may đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Số còn lại dừng triển khai từ cuối 2020 vì chưa có cơ chế tiếp nối sau khi chính sách khuyến khích trước đây hết hiệu lực.

Trong khi đó, theo các tiêu chuẩn mới xuất hàng sang châu Âu, dệt may sẽ phải có chứng chỉ sản xuất xanh nếu muốn hưởng ưu đãi. Vì thế, doanh nghiệp dệt may cần lắp đặt, đầu tư điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng, nhưng họ gặp khó khi kết nối nguồn năng lượng này vì thiếu cơ chế.

Cụ thể, theo ông Cẩm, điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 được phát triển theo hình thức tự sản tự tiêu, nhưng chưa có quy định cụ thể về loại hình này. "Với cơ chế hiện nay, doanh nghiệp muốn cũng không làm được", ông nói.

Ngoài ra, dệt may chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên cần được hỗ trợ vốn khi lắp đặt điện mái nhà, chuyển đổi xanh.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, công suất điện mặt trời mái nhà tới cuối 2022 khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2023, còn gần 1.000 hệ thống điện mái nhà, công suất 400 MW nối với lưới điện chờ bổ sung vào quy hoạch. Số dự án này chưa được định đoạt số phận do thiếu cơ chế rõ ràng.

Giới chuyên môn nhận định các khu công nghiệp tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà trên các mái nhà xưởng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng muốn dùng điện từ nguồn năng lượng tái tạo để đạt chứng chỉ xanh khi xuất khẩu.

Do đó, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nói Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về sản lượng và công suất lắp đặt nguồn điện này, cũng như thủ tục đầu tư, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy.

Đồng tình, ông Nguyễn Vũ Chiên kiến nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, phương pháp xây dựng, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Theo Quy hoạch điện VIII, điện mặt trời mái nhà dự kiến đạt công suất 2.600 MW vào 2030, để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện.

"Việc quản lý cần phân cấp cho các cơ quan chuyên môn địa phương", ông Nguyễn Quốc Việt đề nghị, thêm rằng các doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức quốc tế và ngân hàng trong tìm kiếm nguồn vốn, áp dụng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thuế.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022