Thông tin trên được TS Lê Xuân Rao, cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nêu tại Diễn đàn phát triển giao thông xanh chiều 19/4. Ông Rao cho rằng một giải pháp đơn giản như điều tiết thông minh trên đèn giao thông có thể giúp ngành này xanh hơn. Bởi giảm ách tắc đồng nghĩa với giảm lượng khí thải trên đường của các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Giao thông vận tải phát sinh khí nhà kính xấp xỉ 20%, nhiều thứ ba sau ngành năng lượng và nông nghiệp. Chương trình phát triển giao thông xanh đã được cụ thể hóa thông qua Quyết định 876 năm 2022 của Thủ tướng hướng tới phát triển hệ thống giao thông bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

HUY-1186-9989-1745066197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8HFPl0No9YXr9TVm-PL2rQ

Đèn giao thông trên phố Kim Liên mới, ngày 13/1. Ảnh: Giang Huy

Bài toán một cột đèn giao thông hiển thị xanh tùy biến theo giờ được đặt ra từ hơn 10 năm trước, theo ông Rao, nhưng chưa được giải quyết bởi hạn chế về công nghệ.

Nay với lợi thế về AI cùng cơ sở dữ liệu dồi dào từ hệ thống camera giám sát (CCTV), cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khuyến nghị thí điểm tính toán trên một nút giao thông cụ thể. Các tính toán về thời lượng đèn xanh, tùy biến theo ngày, giờ sẽ dựa trên dữ liệu thống kê lưu lượng xe trong 1-2 tuần.

"Chúng ta làm tối ưu một điểm, trên cơ sở đó thí điểm các nút tiếp theo", ông Rao nói.

Chia sẻ ở góc độ cá nhân, ThS. Nguyễn Huy Thiêm, đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho rằng việc tổ chức lại giao thông có thể giảm nghẽn tại các cửa ngõ thành phố. Ví dụ, hệ thống dải phân cách thông minh được xê dịch dựa trên dữ liệu thời gian thực, bởi không phải lúc nào đường cũng tắc cả hai chiều.

Một giải pháp nữa đã được đề cập nhiều là thu phí nội đô. Ông Thiêm khuyến nghị cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ thu phí theo khung giờ, với phí cao hơn vào các giờ cao điểm, tức điều tiết tương tự vé máy bay.

"Điều tiết bằng lợi ích sẽ phù hợp", ông Thiêm nói. Đại diện công ty khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng khuyến nghị việc thu phí nội đô cũng liên thông như hệ thống thu phí không dừng (ETC), giúp giảm thời gian dừng thanh toán cho các chủ xe.

GS. TS Lê Hùng Lân, giảng viên cấp cao tại Đại học Giao thông Vận tải, nói bên cạnh vấn đề tắc nghẽn, giao thông xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong chuyển đổi xe điện. Hà Nội đặt mục tiêu chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5% trong năm 2025, tiến tới 100% xe các loại chuyển đổi sang điện, năng lượng xanh vào năm 2035.

Tuy nhiên, xe bus chi phí đắt đỏ, xe cá nhân thì thiếu hạ tầng sạc, chưa kể Việt Nam chưa có công nghệ xử lý pin xe điện như ở nước ngoài, theo TS. Lê Xuân Trường, cũng thuộc trường Đại học Giao thông Vận tải. Trong khi đó, Việt Nam gặp thách thức lớn trong tối ưu hóa mạng lưới vận tải và logistics, bởi quy hoạch chưa đồng bộ.

Cựu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khuyến nghị cần tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, từ đó đặt đề bài cho doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu. Ví dụ, Hà Nội dự tính làm 15 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2045, ông Rao đặt vấn đề liệu lượng xe cá nhân đến thời điểm ấy cần thay đổi thế nào, bởi người dân sẽ cân nhắc mua xe máy điện nếu đi tàu thuận tiện. Ông nhấn mạnh lại thông điệp yếu tố giúp xanh mạnh nhất là giảm ách tắc.

Chỉ tiếp cận ở góc độ xe điện là chưa đủ, theo GS. TS Lê Hùng Lân. Ông cho rằng bên cạnh việc chuyển đổi xe điện và hạ tầng phục vụ phương tiện này, một chiến lược giao thông xanh toàn diện cần tính đến cách thức để giảm nhu cầu và khoảng cách, thời gian di chuyển, bởi nguyên tắc đơn giản là "đi lại càng ít, giao thông càng xanh nhiều".

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông vận tải như quản lý, điều hành giao thông theo thời gian thực, quản lý sự cố hiệu quả, đặc biệt chú trọng thanh toán điện tử tích hợp và liên thông, theo ông Lân.

Thủy Trương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022