Cua nâu từ Ireland và Na Uy, hay còn gọi là cua "siêu gạch", có kích thước lớn, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam hai năm qua. Loại cua này được vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không, chất lượng tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy, cua nâu tại các cửa hàng hải sản ở Việt Nam có giá bán khá mềm so với cua gạch trong nước. Cua nâu loại 1 dao động 700.000 đồng đến 800.000 đồng một kg, thấp hơn cua gạch loại 1 của Việt Nam 150.000-200.000 đồng. Đặc biệt, cua nâu đông lạnh có giá chỉ từ 350.000 đến 400.000 đồng một kg.

cua-1729588198-6695-1729588541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pAxc61JaVDgs47xwmaFrzA

Cua nâu tại cửa hàng hải sản trên đường Phạm Văn Nghị, quận 7 (TP HCM). Ảnh: Thi Hà

Ông Hoàng, chủ một cửa hàng hải sản ở TP Thủ Đức, cho biết cua này nhiều gạch" nhất là từ tháng 7 đến tháng 11. Nhờ nguồn cung dồi dào, giá cua nâu từ Ireland và Na Uy có giá khá cạnh tranh so với cua gạch Việt Nam.

Ngoài ra, cua nâu cũng hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), với thuế suất nhập khẩu bằng 0%. Điều này giúp giá thành cua nâu nhập khẩu khá "mềm", đặc biệt trong bối cảnh cua gạch Việt Nam ngày càng khan hiếm do khai thác quá mức.

Theo giới buôn, quy trình nuôi cua gạch tại Việt Nam kéo dài từ 5-6 tháng, trong khi cua nâu của Na Uy và Ireland có nguồn cung phong phú hơn, nhất là loại cua đông lạnh, giúp giảm chi phí nhập khẩu.

Ông Trần Văn Trường, Giám đốc điều hành Hải sản Hoàng Gia, cho biết doanh số bán cua nâu tại chuỗi cửa hàng của ông đã tăng 30% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự ưa chuộng ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với sản phẩm nhập khẩu nhờ chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Ngành cua nâu của Ireland đang trải qua sự thay đổi lớn khi nhu cầu từ các thị trường chính ở châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha giảm mạnh, dẫn đến sụt giảm thu nhập của ngư dân tới 40%. Theo Hội đồng Cố vấn Thị trường (Market Advisory Council - MAC)- tổ chức do EU thành lập, các nhà xuất khẩu cua nâu đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa tồn kho, khiến họ phải tìm kiếm các thị trường mới ngoài EU, đặc biệt là ở châu Á, nơi nhu cầu tiêu thụ cua nâu tăng mạnh.

1-62-1729588335-1729588420-3783-1729588541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PBf9dSg4rj5Ltz6lPsAf8A

Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland, bà Pippa Hackett (thứ 2 bên trái) trong chuyến khảo sát tại doanh nghiệp nhập khẩu ở Việt Nam hồi tháng 10. Ảnh: Linh Đan

Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu hải sản đầy tiềm năng của Ireland. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 4,6 triệu USD (115 tỷ đồng) để nhập khẩu hải sản từ Ireland và 222 triệu USD (5.600 tỷ đồng) nhập thủy sản từ Na Uy, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù con số này còn khiêm tốn, các mặt hàng như cua nâu, ốc bulot, cá hồi từ Ireland và Na Uy đều có mức tăng trưởng đáng kể, từ 1-2 con số.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland, bà Pippa Hackett, trong chuyến thăm TP HCM vào tháng 10, đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước sức tiêu thụ mạnh của các sản phẩm hải sản Ireland như cua nâu, ốc bulot, và tôm hùm xanh tại Việt Nam. Bà kỳ vọng trong tương lai, các sản phẩm thủy sản chất lượng cao từ Ireland sẽ tiếp tục đến tay người tiêu dùng Việt Nam với mức thuế suất cạnh tranh, nhờ vào các thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Thi Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022