Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), băn khoăn liệu Việt Nam có tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi về thuế đã cam kết với nhà đầu tư nước ngoài hay không trong bối cảnh thời hạn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần. Thắc mắc này được bà Vinh đặt ra tại hội thảo về triển vọng và thách thức trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sáng 29/3.

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống các tập đoàn đa quốc gia né thuế, dự kiến áp dụng năm 2024. Mức tối thiểu được áp dụng là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.

Phó tổng giám đốc Deloitte Phan Đức Hoàng giải thích chính sách này được thiết kế để tránh trường hợp doanh nghiệp né thuế. Một tập đoàn đặt trụ sở tại Hàn Quốc, nếu có nhà máy sản xuất ở Việt Nam đang được hưởng thuế thấp hơn mức 15%, sẽ bị đánh thuế bổ sung tại Hàn Quốc để đảm bảo mức thuế tối thiểu 15%.

Trường hợp Hàn Quốc cũng không đánh thuế bổ sung, nếu tập đoàn đó có hoạt động kinh doanh tại Indonesia, Thái Lan, các quốc gia này sẽ có quyền đánh thuế. Như vậy, kể cả trong trường hợp Việt Nam và quốc gia nơi nhà đầu tư FDI đặt trụ sở không đánh thuế bổ sung, họ cũng khó né chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

"Nếu doanh nghiệp FDI chỉ đầu tư vào Việt Nam, chúng ta có thể đàm phán song phương với quốc gia họ đặt trụ sở. Nhưng trong thực tế, chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn nằm ở nhiều quốc gia", ông Hoàng cho hay.

ts-do-thie-n-anh-tua-n-pha-t-b-9228-8319-1680076055.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vnwHN1iKIlQFRDrZjbb0wg

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn phát biểu tại tọa đàm sáng 29/3 về thách thức và cơ hội đối với việc thu hút FDI tại TP HCM. Ảnh: Việt Đức

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) dự đoán Việt Nam sẽ thận trọng trong việc điều chỉnh thuế suất. Theo ông, với việc miễn, giảm thuế trong hơn 10 năm đầu tiên đối với nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên của Chính phủ khi thu hút dòng vốn FDI không phải là tăng ngân sách.

"Mong muốn của chúng ta khi hút FDI là tạo công ăn việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, phát triển công nghiệp", ông Tuấn nêu quan điểm. Ông dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đối với nhà đầu tư để giữ uy tín quốc gia.

Chuyên gia này cho biết thêm, dù Việt Nam có tăng thuế hay không, các tập đoàn đa quốc gia vẫn phải đóng thuế bổ sung ở nước khác theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển giá. Vì vậy, ông Tuấn kết luận việc tăng thuế có thể khiến hoạt động chuyển giá diễn ra nhiều hơn, giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đồng thời không đạt được các mục tiêu quan trọng khác đối với khối doanh nghiệp FDI.

Ông nhấn mạnh phải loại bỏ tư duy thu hút FDI bằng ưu đãi thuế. Thay vào đó, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung cần tập trung đầu tư cho chất lượng lao động để nguồn nhân lực trở thành hấp lực chính trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trần Đỗ Lê Uyên, Luật sư điều hành của Công ty Luật BR Law Firm, cũng nhìn nhận chính sách thuế chỉ là một trong nhiều yếu tố nhà đầu tư FDI quan tâm. Cải cách thủ tục hành chính, pháp lý để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp theo bà là vấn đề quan trọng cần được ưu tiên.

Còn ông Trần Việt Hà, Phó Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP HCM, nói thời gian chính là chi phí đối với doanh nghiệp. Vì vậy, thứ nhà đầu tư cần là sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền để triển khai dự án nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, nhận định dù tạo ra nhiều thách thức, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu chính là động lực để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Và đây sẽ là công cụ chính để Việt Nam thu hút, giữ chân doanh nghiệp FDI.

Việt Đức

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022