Chị Nguyễn Minh Hoa là giáo viên một trường tiểu học dân lập ở quận Hà Đông (Hà Nội), thu nhập mỗi tháng vợ chồng chị chưa tới 40 triệu đồng. Mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân của họ là 22 triệu đồng và 8,8 triệu phụ thuộc cho hai con.

Như vậy, với khoản chịu thuế 9,2 triệu đồng một tháng, họ phải đóng khoảng 460.000 đồng thuế thu nhập cá nhân, tương đương 5,5 triệu một năm. Đây là khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng.

"Nộp thuế là trách nhiệm của người dân nhưng chi phí sinh hoạt tăng nhiều lần trong khi thu nhập vẫn vậy, tiền thuế không được giảm đồng nào", chị Hoa nói, cho biết phải tiết kiệm từng chi phí để đảm bảo sinh hoạt cho gia đình 4 người.

VNE4264-6881-1732866290.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oy-sqAHMDc6MFAjCFo68hQ

Công nhân làm việc tại một công ty dệt may ở Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Chị Hoa là một trong hơn 26 triệu người làm công ăn lương nộp thuế thu nhập cá nhân, tính tới cuối 2023. Theo quy định, họ được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giảm trừ gia cảnh... số còn lại là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.

Giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng một tháng duy trì từ năm 2020, được cơ quan thuế xác định bằng "mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người". Còn giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng.

Với những người đóng thuế diện làm công ăn lương như chị Hoa, mức giảm trừ gia cảnh là căn cứ để xác định thu nhập chịu thuế cá nhân. Tuy nhiên, mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh - căn cứ tính thuế thu nhập - chỉ thay đổi hai lần trong 16 năm qua. Gần nhất, các yếu tố này được nhà chức trách điều chỉnh vào tháng 7/2020, tức cách đây hơn 4 năm, trong khi thu nhập, chi tiêu của người dân và giá cả, lạm phát tăng hàng năm.

"Luật Thuế thu nhập cá nhân cần sửa ngay trong năm 2025, để có hiệu lực từ đầu 2026", TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói, thêm rằng nhà điều hành "không nên cứng nhắc theo lộ trình cuối năm 2025 mới trình Quốc hội và giữa năm 2026 mới thông qua".

Nếu lấy 2007 là năm gốc - thời điểm ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân, chi tiêu và thu nhập của người dân đã tăng nhiều lần so với tốc độ tăng của giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, năm 2008, thời điểm Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực, mỗi người bình quân tiêu khoảng 792.000 đồng.

Năm 2022, con số này tăng 3,5 lần là gần 2,8 triệu, theo khảo sát của Tổng cục thống kê (GSO) với gần 47.000 hộ dân ở các xã, phường đại diện cả nước. Trong khi mức chi tiêu mỗi người dân gấp 4-5 lần so với thời điểm 2008, lương tối thiểu tăng 6-7 lần thì giảm trừ gia cảnh chưa bằng ba lần.

Tuy nhiên, theo khảo sát VnExpress từng thực hiện với hơn 23.900 độc giả có mức thu nhập bình quân 22 triệu đồng mỗi tháng, người nộp thuế chi tiêu cho bản thân hơn 10 triệu đồng nhưng họ tốn ít nhất 7 triệu để nuôi một người phụ thuộc. Mức này chiếm 70% khoản chi cho bản thân, lớn hơn so với tỷ lệ 40% mà Bộ Tài chính xác định.

do-hoa-thue-TNCN-5864-1733156159.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8xhnD35GmoQgs-7Sciy62A

Đồ họa: Tiến Thành

Quy mô nền kinh tế là 430 tỷ USD, tính tới cuối 2023. Thu nhập bình quân đầu người gần 102 triệu đồng một người một năm, gấp hơn 7,5 lần so với 2007. Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng tăng giá đều đặn qua từng năm, nhiều loại "điều chỉnh nhanh hơn thu nhập". Chẳng hạn, theo số liệu của Tổng cục thống kê, giáo dục tăng 17%, lương thực tăng 27%, giá xăng tăng 105% so với 2020.

Lần lấy ý kiến sửa luật lần này, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để chính sách linh hoạt, phù hợp thực tế và tạo đồng thuận từ người dân.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, giảm trừ gia cảnh phải theo mức sống thực tế từng vùng miền, có thể dựa trên lương tối thiểu vùng. Giả sử, mức giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần lương tối thiểu vùng. Lương tối thiểu tại TP HCM là 4,96 triệu đồng, thì giảm trừ gia cảnh khoảng 19,84 triệu đồng, thay vì 11 triệu mỗi tháng như hiện nay.

Việc mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng, theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM), Chính phủ sẽ không cần điều chỉnh mỗi năm. Bởi lương đưa ra hàng năm dựa trên thỏa thuận giữa đại diện người lao động, giới chủ và các hiệp hội doanh nghiệp.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, mức giảm trừ gia cảnh nên được điều chỉnh tương ứng dữ liệu tăng, giảm của CPI do Tổng cục Thống kê công bố vào cuối năm. "Quy định như vậy sẽ không bị lạc hậu, hay thiệt thòi cho người nộp thuế", ông nói.

Giảm trừ gia cảnh là mức chi phí để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người đóng thuế và phụ thuộc của họ (bố mẹ, con cái). Mức này được điều chỉnh khi CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực - năm 2008. Để giảm trừ gia cảnh không lạc nhịp với chi tiêu, lương thực tế của người dân, luật sư Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên điều chỉnh khi CPI biến động 5-10%.

Với người phụ thuộc, luật sư Nghĩa đề nghị ngưỡng giảm trừ nên bằng 50% mức của người nộp thuế, cao hơn tỷ lệ 40% hiện hành. Tương ứng, mức này khoảng 9,92 triệu đồng mỗi tháng, thay cho 4,4 triệu đồng đang áp dụng.

Bên cạnh đó, giới chuyên môn cũng kiến nghị không tính các khoản chi hợp lý như chi tiêu y tế, giáo dục hoặc lãi tiền vay mua nhà trả góp... vào thu nhập tính thuế. Luật sư Nguyễn Văn Được, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nhận xét đây là những khoản chi phí thiết yếu, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình. "Các khoản này cũng tăng mạnh, nhưng không được trừ trước khi tính thuế, là bất cập cần sửa", ông nói.

Bậc thuế Thu nhập tính thuế (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 5 5
2 Trên 5-10 10
3 Trên 10-18 15
4 Trên 18-32 20
5 Trên 32-52 25
6 Trên 52-80 30
7 Trên 80 35

Ngoài giảm trừ gia cảnh, biểu thuế dày và dồn ngay ở các bước thu nhập đầu cũng là bất cập cần thay đổi, theo Phó viện trưởng VEPR Nguyễn Quốc Việt.

Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương hiện gồm 7 bậc, thuế suất từ 5% đến 35%. Ông Việt kiến nghị giảm xuống 5 bậc và kéo giãn khoảng cách giữa các bậc thuế.

Cụ thể hơn, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức nói thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống còn khoảng 1-2%; bậc cao nhất là 20%. "Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp", ông Đức nói.

Chưa kể, theo ông Việt, điều này giúp người nộp thuế ở bậc đầu tiên, nhất là lao động trẻ, có điều kiện tích lũy thu nhập để đầu tư nâng cao năng lực bản thân và ổn định cuộc sống.

"Đây là việc cần thiết thay đổi trong bối cảnh giá nhà đất và các chi phí dịch vụ liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại các đô thị lớn ngày càng đắt đỏ", ông Việt nhìn nhận.

Quan điểm này cũng được nhà chức trách ghi nhận. Bộ Tài chính đang đề xuất điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập. Việc này nhằm đảm bảo điều tiết vào những người có thu nhập cao, thuận lợi trong kê khai, nộp thuế.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022