Nhận định được bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao thuộc công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, nêu trong hội thảo ngày 2/12. Chuyên gia này dự báo tổng chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) mùa Tết 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với Tết 2024.

Dịp Tết Ất Tỵ sắp đến, người dân được nghỉ 9 ngày, từ 26 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng (25/1-2/2/2025). Hoạt động mua sắm thường bắt đầu 4-5 tuần trước Tết, tức thị trường sẽ sôi động từ cuối tháng này. Một số người tiêu dùng cũng cảm thấy Tết Nguyên đán 2025 sẽ tích cực hơn, nhưng dự kiến mua sắm đơn giản.

"Năm nay không khó như năm ngoái, tôi định chi tiêu những thứ cần thiết và mua thêm vài món trang trí nhà cửa, đồ ăn vặt dịp Tết nhưng không đi du lịch", chị Thanh Phương, 36 tuổi (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết.

Trong khi đó, "vừa đủ" là tiêu chí ăn Tết 2025 của gia đình chị Ngọc Thu (quận Hoàng Mai, Hà Nội). "Gia đình tôi năm nay tập trung vào nhóm hàng thiết yếu ở mức độ vừa phải, đơn giản hơn các năm. Nhìn chung, sẽ thiên về nhóm hàng chăm sóc sức khỏe và quà tặng Tết cũng không mua quá nhiều", chị cho biết.

l1940739-jpg-1733134357-4833-1733136135.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AzZTJzBo2IyI8kLvUKyhzQ

Người dân mua sắm bánh kẹo dịp Tết Nguyên đán 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Theo Kantar, người Việt khả năng sắm Tết Ất Tỵ đơn giản hơn bởi nhiều lý do từ tâm lý tiêu dùng, tình hình tài chính hộ gia đình đến thay đổi trong cách đón Tết.

Vào quý IV/2019, 84% hộ gia đình được Kantar khảo sát tỏ ra lạc quan về kinh tế trong tương lai nhưng tỷ lệ này đã biến động liên tục kể từ sau dịch, còn 69% trong quý III vừa qua. "Tâm lý người tiêu dùng không lạc quan như xưa. Bất kỳ biến động nào xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng, dẫn đến xu hướng tìm giá hời", bà Nga lý giải.

Khảo sát cho thấy tài chính hộ gia đình dần ổn dịnh sau Covid-19 nhưng chưa hoàn toàn mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến quý III, thu nhập bình quân lao động khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng và nông thôn là 6,6 triệu đồng, lần lượt tăng 4,49% và 6,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng khi Kantar hỏi thì 24% hộ nói cần giảm chi tiêu, so với 19% vào quý III/2019. Ngược lại, 20% nói không cần giảm, thấp hơn trước dịch 2 điểm phần trăm. "Xu hướng mua đồ rẻ đang bao phủ nhiều ngành hàng hơn", bà Nga nói.

Ngoài ra, cách "ăn Tết" của người Việt dần thay đổi, hướng tới gọn nhẹ. Top 3 lý do họ chi tiêu cho Tết 2024 ít hơn là: muốn đơn giản hóa thủ tục ngày Tết, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và giảm tụ họp, dự báo là xu hướng dài hạn.

Thực tế, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành FMCG đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn.

Tỷ lệ nhận được quà Tết của các gia đình cũng đi xuống, khiến họ phải tự mua sắm những sản phẩm theo đúng ưu tiên về độ cần thiết và túi tiền. "Với những xu hướng này, dự báo không thể có sự đột biến trong mua sắm nên mùa Tết 2025 sẽ tiết kiệm và thiết thực", bà Nga nhận định.

Cũng là một tiểu thương kinh doanh bách hóa trực tuyến, chị Thanh Phương cho rằng tiêu chí thực phẩm Tết tới là "gọn - ngon". "Tết tôi tranh thủ bán thêm cá khô và kem que vì ngày càng nhiều khách chuộng những thứ không ngán, có thể ăn liền hoặc ít chế biến", chị cho hay.

Theo các chuyên gia, xu hướng sắm Tết đơn giản mở ra cơ hội cho một số ngành hàng thiết yếu và kênh mua sắm có lợi thế cạnh tranh về giá. Năm ngoái, giỏ quà Tết có xu hướng chuyển dần sang các sản phẩm có lợi cho sức khỏe hoặc thiết thực như dầu ăn, gia vị, mỳ gói, bột ngọt và giảm tiêu thụ bia, kẹo bánh, nước ngọt, nước tăng lực.

Theo bà Nga, xu hướng lựa chọn năm nay cũng tiếp tục là hàng hóa "lành mạnh và ý nghĩa", giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất, cân bằng cuộc sống. Đối với kênh mua sắm, tạp hóa sẽ vẫn duy trì khả năng cạnh tranh trong lúc chợ truyền thống đang giảm sức hấp dẫn. Vào mùa Tết, kênh siêu thị và đại siêu thị cũng được ưa chuộng.

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của các siêu thị mini (diện tích 300-500 m2 mỗi cửa hàng), siêu thị lớn sẽ khó trong việc mở rộng tập khách hàng, theo ông Phạm Trọng Chinh, Trưởng nhóm chuyên gia thị trường của Hội hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).

Kênh này cũng đang giảm quy mô khuyến mãi. Trước dịch, bình quân 72-75% sản phẩm bán ra ở siêu thị có khuyến mãi nhưng hiện nay chỉ khoảng 65%, theo ông Chinh. "Siêu thị lớn giờ khuyến mãi xoay quanh các sản phẩm trọng điểm là chính. Trong lúc khó tìm khách hàng mới, họ nên tập trung chăm sóc thật tốt nhóm khách hàng hiện hữu thông qua tăng trải nghiệm mua sắm", ông nói.

Trong khi đó, thương mại điện tử dự kiến tiếp tục bùng nổ và là kênh diễn ra hoạt động sắm Tết sớm nhất, có thể từ đầu tháng 12. Lợi thế của kênh này là giá trị trung bình đơn hàng FMCG thường cao hơn khi người tiêu dùng đi mua trực tiếp tại siêu thị do sức hấp dẫn của khuyến mãi, các điều kiện miễn phí vận chuyển hoặc quà tặng kèm nếu mua đủ giá trị tối thiểu quy định.

Theo ông Chinh, về dài hạn, thương mại điện tử vẫn còn khả năng tăng trưởng 15-20% mỗi năm nhưng tỷ trọng trong cả ngành bán lẻ vẫn nhỏ và các kênh truyền thống (trừ chợ) còn cạnh tranh tốt. Do đó, doanh nghiệp có thể đa dạng kênh bán những không nên quá lo lắng sự lấn át của kênh online.

Thậm chí, hiện bán hàng qua livestream cũng chưa có nhiều trường hợp tìm ra được công thức có thể cân bằng được 3 yếu tố doanh số, tăng trưởng và lợi nhuận vì đa số vẫn đang lỗ để làm tiếp thị. "Doanh nghiệp nên xem livestream là một kênh bán nhưng đường thần tượng và quá lo lắng", ông Chinh khuyến nghị.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022