Nhà máy tái chế pin đầu tiên sử dụng quy trình cơ học - thủy luyện tại châu Âu vừa hoạt động hôm 21/10 tại thị trấn Kuppenheim, miền Nam nước Đức. Nhà máy này của Mercedes-Benz, có khả năng thu hồi hơn 96% vật liệu pin sau sử dụng với công suất xử lý 2.500 tấn một năm.
Theo giới thiệu, nhà máy sử dụng quy trình cơ học - thủy luyện tích hợp để phân hủy, tách và thu hồi vật liệu pin.
Nhà máy tái chế pin đầu tiên sử dụng quy trình cơ học - thủy luyện của Mercedes-Benz tại châu Âu, tháng 10/2024. Ảnh: Mercedes-Benz
Nguyên liệu pin sau sử dụng sẽ được cắt nhỏ, sấy khô. Quy trình cơ học phân loại và tách nhựa, đồng, nhôm và sắt. Quy trình thủy luyện sẽ tách và tinh chế các kim loại trong khối đen.
Các nguyên liệu thô có giá trị và khan hiếm như lithium, nickel và cobalt có thể được thu hồi để sử dụng sản xuất pin mới.
Quy trình này tiêu thụ ít năng lượng hơn do nhiệt độ xử lý thấp (ở nhiệt độ 80 độ C), được cung cấp năng lượng bằng điện xanh từ hệ thống quang điện lắp đặt trên diện tích 6.800 m2 mái nhà.
Công ty cho biết đã đầu tư hàng chục triệu euro cho nhà máy. Đầu ra của nhà máy là khoảng 50.000 module pin cho các dòng xe Mercedes-Benz chạy hoàn toàn bằng điện trong tương lai.
Hồi tháng 9, Cylib - công ty khởi nghiệp tái chế pin của Đức, được Porsche và Bosch hậu thuẫn, đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu. Nhà máy có quy mô gần 22.000 m2 với công suất tái chế 30.000 tấn pin sau sử dụng, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026.
Theo Reuters, tái chế pin là chìa khóa đối với Liên minh châu Âu để đảm bảo nguồn cung khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Bảo An