Kế hoạch phát hành trái phiếu đang được TP Cần Thơ triển khai. Theo đó, số tiền huy động khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm (hai năm là 2.000 tỷ) sẽ được đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của địa phương, dự án tái định cư, chống sạt lở, chỉnh trang đô thị. Nguồn kinh phí hoàn trả khi đến hạn từ ngân sách thành phố.

MOT-GOC-DO-THI-CAN-THO-2022-1985-1700475214.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pMQ9tpmyw8_ca8Xr1e2QWg

Một góc TP Cần Thơ tại quận trung tâm Ninh Kiều. Ảnh: An Bình

Việc phát hành trái phiếu được thực hiện theo Nghị quyết số 45/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Theo đó, địa phương được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ các tổ chức tài chính trong nước, nguồn vay nước ngoài của Chính phủ ... với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Năm 2023, số thu ngân sách của Cần Thơ ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Như vậy, địa phương sẽ được vay tối đa hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ dự kiến đến hết năm 2023 của Cần Thơ là 2.685 tỷ đồng nên số tiền được vay thêm khoảng 3.329 tỷ đồng. Năm 2024, dự kiến số dự toán thu nội địa của Cần Thơ hơn 11.600 tỷ đồng. Khi đó số thu ngân sách địa phương được hưởng là 11.115 tỷ đồng, tương ứng với tổng mức dư nợ tối đa của thành phố trên 6.600 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm sau, địa phương này tiếp tục thực hiện dự án Phát triển và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có sử dụng vốn vay lại từ nguồn Chính phủ vay ODA với số tiền trên 1.320 tỷ đồng và dự kiến thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ vay dự kiến đến cuối năm 2024 của thành phố không vượt quá hạn mức cho phép (trên 4.700 tỷ đồng).

Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và là đô thị lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2015-2020, địa phương này đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,53% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng (tương đương 4.136 USD); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt trên 11 tỷ USD (tăng bình quân 19,75% mỗi năm).

Giai đoạn 2020-2025, Cần Thơ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,5-8% mỗi năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 145-160 triệu đồng, tương đương từ 6.200-6.800 USD. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 0,5%.

Cần Thơ được đánh giá phát triển chưa tương xứng với vị trí và tiềm lực. Chất lượng quy hoạch đô thị chưa cao, còn nhiều bất cập như: hạ tầng chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng gia tăng, ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép...

Trong nhiệm kỳ này, thành phố tập trung xây dựng và phát triển thành đô thị văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ; là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long về công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu...

An Bình

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022