Tại đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp, TP HCM), chị Hoa - chủ một phòng tập thể hình tranh thủ kinh doanh thêm trái cây - cho biết chưa năm nào giá cam lại rẻ như năm nay.

"Một kg cam sành giá vài nghìn đồng, dù đã cộng chi phí vận chuyển. Tôi bán khoảng 5 tạ cam mỗi ngày", chị Hoa nói.

Không riêng những người buôn nhỏ lẻ tranh thủ nhập về bán kiếm lời, các vựa cam lớn tại Vĩnh Long cũng tự chuyển hàng lên thành phố để xả hàng, thay vì để cam hư hỏng do tiêu thụ chậm.

Chị Lan, chủ một vựa cam ở Vĩnh Long, cho hay mỗi chuyến chở hàng tấn cam lên TP HCM, chị đều đóng sẵn thành từng túi 10 kg và bán giá 45.000 đồng, tức chưa tới 5.000 đồng một kg.

cam-sanh-1745916431-1745916675-2627-1745916899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UFgzJMiA4vbHcGoONx8v0Q

Cam sành được tiểu thương đổ đống trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Hồng Châu

Tại các chợ truyền thống như Bà Chiểu (Bình Thạnh), mỗi kg cam sành loại 1 (trái to, mọng nước, tép cam vàng ươm) giá cũng chỉ 7.000-10.000 đồng một kg. "Cam sành giảm giá sâu, rẻ hơn cả trái chanh. Mỗi kg cam chưa bằng một nửa kg chanh, không mua uổng lắm", chị Hoàng Anh, tiểu thương tại đây chia sẻ.

Hiện giá chanh không hạt dao động 20.000-30.000 đồng một kg, cao gấp 3 lần so với cam sành.

cam2-1745916445-1745916759-3163-1745916899.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8arkISORHT2Lta1N_HC4rw

Cam được tiểu thương chia túi, bán 40.000-45.000 đồng mỗi túi 10 kg ở đường phố TP HCM. Ảnh: Hồng Châu

Cam sành rớt giá sâu, theo các thương lái, do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm mạnh, trong khi nguồn cung tăng vọt. Chưa kể, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn khi thị trường nội địa đa dạng trái cây nhiệt đới (dưa hấu, xoài...) và hàng nhập khẩu.

Ông Thanh, một thương lái chuyên gom hàng từ nông dân Vĩnh Long, cho biết giá và chất lượng trái cam năm nay giảm vì người trồng không còn mặn mà với việc chăm sóc vườn. Trên thị trường, mỗi kg cam xô được thương lái thu mua với giá chỉ 2.000-2.500 đồng, còn loại hàng tuyển chọn khoảng 5.000 đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành tăng chóng mặt trong 5 năm qua, gấp đôi so với quy hoạch đến năm 2020. Hiện tỉnh này có khoảng 18.000 ha cam sành, trong đó hơn 14.700 ha đang cho trái.

Lý do bùng nổ diện tích trồng cam, bởi trong thời gian dài loại quả này giữ giá cao (13.000 - 18.000 đồng một kg), mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho người trồng. Tuy nhiên, diện tích trồng tự phát tăng nhanh khiến cung vượt cầu, nông dân chịu lỗ nặng.

Với giá thành sản xuất trung bình gần 8.000 đồng một kg (chưa kể chi phí thuê đất, giống, vật tư, công lao động...), người trồng cam lỗ 3.000 đồng trở lên, tương đương hàng trăm triệu đồng một ha.

Một nông dân ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết hai năm liền thua lỗ hàng trăm triệu đồng vì giá cam thấp hơn chi phí sản xuất. Giá giảm mạnh, các thương lái không mặn mà thu mua, khiến đầu ra bế tắc.

Tại các chợ đầu mối TP HCM, như chợ Bình Điền lượng cam đổ về mỗi ngày khoảng 30-40 tấn, đứng đầu trong số trái cây nội địa song sức mua thấp.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tình trạng trồng cam ồ ạt dù thị trường tiêu thụ hạn chế cho thấy cần quy hoạch và định hướng cụ thể cho ngành. Bởi khi cam sành vẫn chỉ tiêu thụ trong nước, không có đầu ra xuất khẩu, tình trạng "được mùa rớt giá" có thể lặp lại. Vì thế, việc tăng tiêu thụ nội địa, mở rộng xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm là những giải pháp cấp thiết để ổn định giá cam, hỗ trợ người trồng.

Hồng Châu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022