Với doanh thu này, các ngân hàng quốc tế đã nộp 970 triệu USD tiền thuế cho Nga năm qua, theo dữ liệu của Trường Kinh tế Kiev (Ukraine).

Một số ngân hàng có thể kể đến như Citibank (Mỹ); UniCredit và Intesa Sanpaolo của Italy; Commerzbank, Deutsche Bank của Đức, ING (Hà Lan), OTP (Hungary) và Raiffeisen Bank International (Áo).

Theo phân tích của Financial Times, số thuế mà các ngân hàng quốc tế nộp tại Nga năm ngoái đã tăng vọt so với mức 200 triệu euro (215 triệu USD) vào năm 2021, do doanh thu tăng mạnh. Điều này một phần bởi họ không thể rút lợi nhuận về nước từ sau xung đột Ukraine

Hơn một nửa tiền thuế mà các nhà băng đóng năm ngoái là từ Raiffeisen. Ngân hàng Áo này có tuổi đời hơn 30 năm và là nhà băng quốc tế lớn nhất tại Nga. Họ đã phát triển mạng lưới to đến mức được đưa vào danh sách các tổ chức tài chính quan trọng mang tính hệ thống của Ngân hàng Trung ương Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Raiffeisen luôn khẳng định đang tìm cách tốt nhất để rút khỏi thị trường Nga. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng chấp nhận ra đi tốn kém như Société Générale (Pháp) khi chịu lỗ 3,1 tỷ euro trong thương vụ bán lại công ty con Rosbank ở Nga.

2016-06-15T120000Z-1533657175-1514-2478-1715013543.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sjMDCnncOvWJX8iTMgsNzA

Logo của Ngân hàng Raiffeisen trên đỉnh một tòa nhà tại Moskva. Ảnh: Reuters

Vào năm ngoái, hoạt động tại Nga của Raiffeisen tạo ra doanh thu hơn 2,6 tỷ euro và lợi nhuận 1,34 tỷ euro, chiếm 52% tổng doanh thu. Raiffeisen đang chịu áp lực từ cơ quan giám sát là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đầu tháng này, nhà băng Áo thông báo các dự báo kết quả tài chính cho năm 2024 không còn có giá trị do ECB yêu cầu đẩy nhanh việc cắt giảm các hoạt động ở Nga.

Theo đó, ECB yêu cầu đến 2026, Raiffeisen phải giảm 65% danh mục cho vay với khách hàng Nga và giảm "đáng kể" các khoản thanh toán quốc tế có nguồn gốc từ Nga. Tuần qua, CEO Johann Strobl tuyên bố Raiffeisen sẽ bắt đầu rút tiền khỏi Nga vào quý III và giảm mạnh hoạt động kinh doanh tại đây cuối năm nay.

Ông Strobl nói đang thực hiện cách tiếp cận cẩn thận, không thu hẹp hoạt động nhanh chóng và cố gắng bảo toàn giá trị tài sản để có thể bán lại. "Chúng tôi sẽ vạch ra kế hoạch và phân tích những gì có thể làm và tác động ra sao", ông nói.

Raiffeisen từ lâu đã phản đối các yêu cầu từ Mỹ và EU về việc đẩy nhanh việc rời khỏi Nga, trong khi các quan chức Áo bày tỏ hy vọng khôi phục quan hệ với Moskva sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc, theo Reuters.

Trong báo cáo mới nhất, ngân hàng này cho biết họ tiếp tục tiến hành bán hoặc tách công ty con ở Nga, đồng thời lưu ý rằng cả hai lựa chọn đều cần có sự chấp thuận của chính quyền Nga và EU. Họ cho rằng quá trình này không hoàn toàn nằm trong tay công ty nên khó xác định ngày cụ thể để rời Nga hoàn toàn.

Phiên An (theo Le Monde, RT, FT, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022