Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế ước khoảng 7,09%, cao hơn mục tiêu đề ra (6-6,5%). Mức này chỉ thấp hơn tốc độ tăng các năm 2018, 2019 và 2022 trong 15 năm qua, cho thấy kinh tế phục hồi rõ nét.

"Nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng trước dịch Covid-19, vững vàng vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với thế giới và khu vực", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói với VnExpress.

Thực tế, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong báo cáo công bố cuối năm ngoái, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái. Con số 7% cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).

Theo ông Dũng, tình hình vĩ mô ổn định giúp môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực biến động lớn. Các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư, cam kết gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.

Năm ngoái, Chính phủ và NVidia đã ký kết mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông Dũng, đây là bước ngoặt lịch sử, giúp Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ bán dẫn thế giới, trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu Châu Á và chủ động tham gia tái cấu trúc sản xuất toàn cầu.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trên 8%, cao hơn Quốc hội giao (6,5-7%). Việc này nhằm tạo nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, tăng trưởng hai con số trong nhiệm kỳ tới (2026-2030).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói việc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tới và dài hạn nhằm giúp Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Ông dẫn ví dụ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều trải qua các giai đoạn dài trong lịch sử có mức tăng trưởng cao, có thể lên tới hai con số. Việc này giúp họ vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao.

ttt-7494-1735892753-1735892850-4378-1735968577.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6zyFaaaN1R4DoYgSg4ceLw

Người dân mua sắm tại siêu thị Tops Market Thảo Điền, tháng 1/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Song theo Tổng cục Thống kê, mục tiêu này là rất thách thức, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, đột phá về kinh tế, đầu tư.

Nhìn lại thời kỳ phát triển của đất nước hơn 40 năm qua, từ khi bắt đầu đổi mới kinh tế năm 1986, có một thời kỳ dài 5 năm từ 1992-1996 tăng trưởng kinh tế rất cao, bình quân 8,8% mỗi năm. Đây là những năm đất nước dần thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái kéo dài và bật nhanh do những đột phá về tư duy, cởi trói cho sản xuất, chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và bắt đầu bước ra thế giới, theo Tổng cục Thống kê.

Nhưng từ năm 2011 trở lại đây, chỉ năm 2022 tăng trưởng kinh tế đạt 8,54%. Tuy nhiên, mức tăng này cao trên nền năm 2021 tăng thấp và bị tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 GDP tăng 2,55%).

Với Việt Nam, hầu hết tổ chức quốc tế như WB, ADB, OECD và IMF đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 ở mức từ 6,1%-6,6%. Trong nước, kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tuy nhiên sẽ phải đối mặt với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Giới chuyên gia trong nước cũng dự báo con số tăng trưởng GDP năm nay khả thi quanh 6,5-7,2%.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn nhiều khó khăn, Việt Nam phải tập trung thực hiện các đột phá, trong đó hoàn thiện thể chế phát triển sẽ là "đột phá của đột phá".

Bộ trưởng cho biết cơ quan quản lý ngành kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

"Các nút thắt, điểm nghẽn tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, gồm cả các vướng mắc với các dự án chưa đúng trình tự của pháp luật, sẽ được tháo gỡ", ông Dũng cho biết. Theo ông, việc này để giải phóng ngay nguồn lực bị tồn đọng, trách lãng phí, từ đó, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách, tạo việc làm.

Cải cách thể chế cũng được TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc tới nhiều lần trước đó. Ông Cung khuyến nghị nhà điều hành cần quyết liệt cải cách thể chế, môi trường kinh doanh theo hướng phá bỏ những quy định bất hợp lý, không phù hợp với cơ chế thị trường.

"Cần phân cấp, quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế", ông Cung nói, thêm rằng cần phối hợp giữa Chính phủ, các cấp quản lý để đẩy nhanh quá trình cải cách.

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng động lực tăng trưởng ngắn hạn vẫn xuất phát từ đầu tư công và khởi động loạt dự án mới như đầu tư sân bay Long Thành, điện hạt nhân, thu hút đại bàng công nghệ, đường sắt cao tốc Bắc Nam. "Đây đều là các chương trình lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nếu thành công sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng bẫy thu nhập trung bình, để vào nhóm các nước có thu nhập cao", ông bình luận.

Cùng đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới là vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. TS Cấn Văn Lực kỳ vọng chiến lược mới về phát triển kinh tế tư nhân sẽ được rà soát, sửa đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Song song, ông đề xuất có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - lực lượng chiếm đến 97-98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

"Nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 17% với doanh nghiệp trung bình và xuống 15% với doanh nghiệp nhỏ. Chỉ có phát triển khu vực này thì kinh tế tư nhân mới có thể đóng góp 60-65% như định hướng của Trung ương Đảng đề ra cho giai đoạn trước", TS Cấn Văn Lực nhận định.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022