Tại cuộc họp triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) chiều 3/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo phải căn cứ vào quy hoạch.
"Tức là, những dự án nào, nguồn điện nào được đưa vào trong Quy hoạch thì sẽ có trong kế hoạch thực hiện. Với các dự án không có, sẽ phải chờ điều chỉnh để bổ sung", ông nói.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại cuộc họp chiều 3/4. Ảnh: Cấn Dũng
Ông Diên cho biết quan điểm sẽ không bổ sung các dự án theo đề nghị của địa phương nếu vượt hạn mức đã được phân bổ hoặc không đáp ứng tiêu chí thẩm định dự án. "Tiềm năng điện tái tạo của địa phương là có, nhưng nhu cầu của đất nước thì không", ông nói, thêm rằng nếu phê duyệt không căn cứ vào nhu cầu thực tiễn sẽ dẫn tới lãng phí lớn hơn về sau này.
Theo báo cáo của ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), hiện danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo công bố tại kế hoạch này mới được tổng hợp từ 46 địa phương. 17 địa phương còn lại gửi văn bản chậm sau ngày Phó thủ tướng yêu cầu nên Bộ Công Thương chưa đưa vào danh mục.
Tại cuộc họp, đại diện một số tỉnh thành đề xuất bổ sung các dự án điện tái tạo vào quy hoạch. Ví dụ, Sóc Trăng đề xuất bổ sung 769 MW nguồn điện này. Trong khi, đại diện Ninh Thuận phản ánh kế hoạch phê duyệt chưa cập nhật theo đề xuất danh mục 14 dự án điện gió của tỉnh này. Do đó, họ đề nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh phê duyệt ở đợt 2.
Đáp lại, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, tại kế hoạch đã công bố, địa phương nào báo cáo danh mục dự án đúng đều được thẩm định, đưa vào danh mục. Sau 10/4, nếu địa phương vẫn báo cáo thiếu dữ liệu, Bộ sẽ phân bổ hạn mức cho địa phương khác.
Ông cũng nói bộ gặp khó khi xây dựng danh mục dự án do một số địa phương đề xuất gấp nhiều lần quy mô công suất phân bổ, không theo thứ tự ưu tiên phát triển. Nhiều địa phương cung cấp thông tin về các tiêu chí của dự án không rõ ràng, không đảm bảo tính pháp lý. Do đó, các dự án này chưa được đưa vào danh mục được duyệt.
Tại cuộc họp, lãnh đạo địa phương cũng đề nghị Bộ Công Thương gỡ vướng cho một số dự án điện tái tạo, gồm điện mặt trời đã được cấp có thẩm quyền công nhận, nhưng chưa rõ có được cập nhật vào quy hoạch hay không.
Theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố cuối năm ngoái, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850 MW điện mặt trời vào năm 2020, tăng lên 4.000 MW vào 2025. Nhưng thực tế, loại năng lượng này phát triển vượt quy hoạch, cao gấp hơn 17 lần tổng công suất được duyệt.
Kết luận thanh tra cũng đánh giá các dự án này không có căn cứ pháp lý về quy hoạch. Đến cuối năm 2020, có 8.642 MW điện mặt trời nối lưới vận hành, cao hơn 10 lần so với công suất đến 2020 được phê duyệt tại Quy hoạch VII điều chỉnh (850 MW), thậm chí vượt công suất quy hoạch đến 2025 (4.000 MW).
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, với các dự án điện mặt trời này, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng về những khó khăn khi đánh giá tính pháp lý, đảm bảo không được phép hợp thức hóa các sai phạm.
"Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc trực tiếp với các địa phương có dự án để làm rõ tính pháp lý", ông Bảo cho biết, thêm rằng Bộ sẽ đề nghị các địa phương cam kết tạo điều kiện tiếp tục triển khai các dự án, tránh gây lãng phí, thiếu công bằng đối với các nhà đầu tư nghiêm túc.
Nói thêm, Bộ trưởng cho hay việc rà soát các dự án sẽ thực hiện sau khi thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ. Ông Diên khẳng định quan điểm là không gây bức xúc, lãng phí nguồn lực nhưng cũng không được vi phạm pháp luật.
"Có dự án đã được phê duyệt xong, giao nhà đầu tư nhưng khi kiểm tra thì phát hiện sai về luật chuyên ngành như quy hoạch, đầu tư, phòng cháy chữa cháy, môi trường", ông nói.
Phương Dung