Tính đến hết quý II, tổng tài sản hợp nhất của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm. Chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 24.856 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thời điểm 30/06/2022, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng đồng thời ở cả phân khúc bán lẻ và bán buôn.
Trong hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ các năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng FDI (32,7%), khách hàng bán lẻ (15,8%) và khách hàng doanh nghiệp SME (8,3%).
![BIDV-duy-tri-hoat-dong-on-dinh-7889-5026-1659165016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iW7YavsvOTiOWvYaKmQkTQ](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/07/30/BIDV-duy-tri-hoat-dong-on-dinh-7889-5026-1659165016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iW7YavsvOTiOWvYaKmQkTQ)
Nhân viên BIDV đang tư vấn cho khách hàng tới giao dịch. Ảnh: BIDV
Báo cáo kinh doanh quý II của BIDV cho biết, chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu là 0,83%, đảm bảo theo định hướng điều hành; tỷ lệ nợ nhóm 2 là 1,28%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu riêng ngân hàng đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021. BIDV thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ, các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.
Với tầm nhìn trở thành định chế tài chính có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, BIDV tiếp tục các hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, gia tăng hàm lượng công nghệ. Nhà băng này tích cực ứng dụng tính năng mới trong các sản phẩm thẻ nhằm mang lại tiện ích và lợi ích cho khách hang. Đơn cử công nghệ bảo mật 3D Secure, công nghệ thanh toán chạm Contactless, công nghệ Blockchain trong tính điểm hoàn tiền cho khách hàng qua ứng dụng ngân hàng BIDV SmartBanking.
BIDV cũng phối hợp với trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an triển khai thành công việc ứng dụng căn cước công dân gắn chip trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ của BIDV như ATM, E-Zone,... Ngân hàng còn ra mắt Ngân hàng số Omni BIDV iBank cho khách hàng tổ chức; cung cấp giải pháp kết nối BIDV-ERP Connection thông qua nền tảng API, cho phép doanh nghiệp, đối tác kết nối trực tiếp từ ERP doanh nghiệp đến ngân hàng...
Những nỗ lực của BIDV cũng được các tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận qua nhiều giải thưởng như top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn, top 300 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới do Brand Finance đánh giá, Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam 2022 lần thứ 7 do tạp chí The Asian Banker chọn... BIDV cũng được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IDG Vietnam trao giải: "Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu 2021", "Ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu", "Sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu" và "Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng"...
Đại diện BIDV cho biết, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí.
An Nhiên