Không nên áp dụng trần lãi suất đối với lĩnh vực vay tiêu dùng

Tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, lãi suất vay tiêu dùng do các công ty tài chính (CTTC) cung cấp thường cao gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại (NHTM). Cụ thể, ở các nước phát triển cao gấp 3 lần, còn tại một số nước đang phát triển có thể cao hơn đến 10 lần so với mức của các NHTM. Tuy nhiên, thị trường này vẫn phát triển và khách hàng hoàn toàn chấp nhận mức lãi suất trên.

Lãi suất thấp hay cao không phụ thuộc vào việc tổ chức tín dụng nào cung cấp khoản vay mà là theo mức độ rủi ro của việc thu hồi vốn. Các NHTM luôn áp dụng mức lãi suất tốt nhất trong các khoản cho vay nhưng đi kèm với đó là quy trình xét duyệt hồ sơ vay chặt chẽ, đòi hỏi kỹ càng về khả năng trả nợ của khách hàng như tài sản thế chấp, hoặc chứng minh được phương án trả nợ và mức thu nhập an toàn. Trong khi đó, khách hàng mà CTTC hướng đến là những đối tượng không đủ điều kiện hoặc ngại tiếp cận tín dụng từ ngân hàng. Hơn nữa, yêu cầu của CTTC đối với khoản cho vay thoáng hơn nhiều so với hệ thống NHTM. Chính vì vậy, họ buộc phải quy định mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro. Do đó, theo nhiều chuyên gia, không nên áp dụng trần lãi suất đối với lĩnh vực vay tiêu dùng, lãi suất nên để cơ chế thị trường tự điều chỉnh, nếu như rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất phải cao.

ho-tro-vay-tieu-dung-tin-chap-ca-nhan-vpbank
Không nên áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng.

Trong khi đó, khả năng tiếp cận tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với một bộ phận lớn dân cư vẫn là một thách thức lớn. Các ngân hàng không thể đáp ứng được hết nhu cầu vay từ người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Những người lao động thu nhập thấp không thể tiếp cận nguồn tín dụng nào khác ngoài các hiệu cầm đồ hoặc tín dụng chợ đen với mức lãi suất cao cắt cổ (từ 180 – 300%). Người dân có thu nhập thấp chính là khách hàng mục tiêu của các CTTC. Với thủ tục tiện lợi, nhanh chóng và đơn giản, các CTTC có thể giải ngân khoản vay cho khách hàng trong thời gian chưa tới một giờ đồng hồ.

Mặt khác, nếu áp dụng trần lãi suất, mô hình kinh doanh của các CTTC hiện tại sẽ không khả thi, vì nếu áp trần quá thấp, hệ thống cấp tín dụng sẽ không chấp nhận cung cấp khoản cho vay và người tiêu dùng sẽ không thể thoả mãn được các nhu cầu mua sắm cần thiết. Trong trường hợp đó, họ buộc phải chuyển sang thị trường tín dụng đen. Đây cũng là lý do nữa để cho thấy chúng ta không nên áp trần lãi suất đối với các khoản vay tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn chưa đủ mạnh. Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng, việc càng sử dụng nhiều biện pháp hành chính thì càng gây khó khăn cho cả bên cho vay và bên đi vay.

Cần có quy định rõ ràng về các hoạt động cho vay tiêu dùng

Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất là kìm hãm tín dụng tiêu dùng, kìm hãm sự phát triển của thị trường tài chính cho vay tiêu dùng; đồng thời kìm hãm sự phát triển của các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã từng áp dụng mức lãi suất trần và đều thất bại, nên hiện nay hầu hết đều đã bỏ không còn áp dụng trần lãi suất tiêu dùng.

Còn dưới góc độ của người tiêu dùng, trong mối quan hệ 3 bên: Người tiêu dùng, nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý, việc để người tiêu dùng quyết định sẽ dẫn đến thành công. Nhà cung cấp tồn tại được là nhờ người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ người tiêu dùng bằng cách định hướng, điều tiết mối quan hệ để thị trường phát triển đúng hướng, không nên can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thay vào đó, việc khuyến khích cạnh tranh giữa các CTTC sẽ là một biện pháp hiệu quả hơn nhằm đảm bảo giữ được mức lãi suất hợp lý cũng như bảo vệ người tiêu dùng. Điều này cũng sẽ thúc đẩy sự đổi mới, làm giảm thiểu các rủi ro đi kèm cũng như các chi phí liên quan đến vay tín chấp.

Quan sát cho thấy, khiếu nại trong cho vay tiêu dùng đến nay vẫn nhiều, đặc biệt là phàn nàn về việc lãi suất cho vay của các CTTC áp dụng cao. Do vậy, để hạn chế rủi ro khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng không đúng tiêu chuẩn, cần phải có quy định một cách rõ ràng về các hoạt động cho vay tiêu dùng và tách bạch về quản lý đối với hoạt động này sao cho phù hợp với tính chất khác biệt của dịch vụ. Đồng thời, giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam phát triển một cách minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, các hoạt động của các CTTC đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của các nhà sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, phát triển hệ thống đối tác, xây dựng hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, cần xây dựng được hệ thống khuôn khổ pháp lý đặc thù về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần phải tìm hiểu kỹ hơn khi đưa ra quyết định vay và cần được thông tin minh bạch hơn để đàm phán về lãi suất vay.

Hồng Khang

Nguồn: congluan.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022