Change by Degrees quy tụ một nhóm nhà báo và chuyên gia của Guardian khuyến khích mọi người sống bền vững bằng các bài học và lời khuyên cụ thể. Mới đây, họ đã gợi ý những hành động môi trường có thể dễ dàng thực hiện để giảm phát thải carbon trong năm mới.
1. Nghĩ lại về bữa ăn của bạn
Các nhà hoạt động khí hậu của tổ chức "Thế hệ cuối cùng" chặn đường cao tốc để phản đối tình trạng lãng phí thực phẩm và thay đổi nền nông nghiệp giảm phát thải tại Berlin, Đức, ngày 4/2/2022. Ảnh: Reuters
Nông nghiệp thải lượng khí nhà kính đáng kể. Một thay đổi nhỏ cũng hữu ích, ví dụ giảm ăn thịt vào một số ngày. Bên cạnh đó, dùng thực phẩm địa phương và theo mùa giúp giảm thải carbon của sản phẩm nhập khẩu - chúng phải di chuyển chặng đường dài từ nông trại quốc gia khác tới bàn ăn của bạn. Động thái này cũng hỗ trợ tăng túi tiền của những nông dân làm ra thực phẩm hữu cơ tại địa phương.
Ngoài ra, bạn cũng cần xem lại cách lưu trữ thực phẩm tươi sống và quan tâm tới rác thực phẩm. Nếu chất thải thực phẩm toàn cầu là một quốc gia, đó sẽ là nước có phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới. Ủ phân từ rác hữu cơ giúp cắt giảm khí metan từ các bãi chôn lấp và biến phế thải thành chất giàu dinh dưỡng cho đất.
2. Bỏ các mặt hàng dùng một lần
Cốc giấy tại thùng rác ở Southbank, London, Anh. Ảnh: Reuters
Bạn có thể cam kết loại bỏ dần nhựa và các sản phẩm dùng một lần khác, bắt đầu từ những việc nhỏ như mang theo dao kéo tái sử dụng, từ chối ống hút nhựa và chi tiền cho các sản phẩm dùng được lâu dài. Giảm nhu cầu có thể giúp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhựa trong bối cảnh sản phẩm này chiếm 1,8 tỷ tấn khí thải nhà kính hàng năm trên toàn cầu.
3. Chăm sóc đất và cây
Đất khỏe và cây xanh là "đồng minh" thu giữ carbon. Hệ sinh thái địa phương hấp thụ CO2, hỗ trợ đa dạng sinh học và tăng sức chống chịu các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bạn cũng có thể tham gia các hoạt động làm sạch vùng đất ngập nước, trồng cây bản địa hoặc vườn cùng cộng đồng.
4. Giảm tiêu thụ năng lượng
Kiểm soát việc sử dụng năng lượng. Một số nhà cung cấp khuyến khích người dùng chuyển dùng điện sang thời gian thấp điểm, hoặc khi nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Dần dần, thói quen này sẽ giúp giảm tiền điện và tăng nhu cầu về năng lượng xanh, khi các nguồn cung điện tái tạo (mặt trời, gió) gia tăng.
5. Đổi quần áo hoặc đi bộ cùng nhau
Khuyến khích gắn kết cộng đồng và tiêu dùng có trách nhiệm bằng việc trao đổi quần áo cũ. Động thái này giúp tiết kiệm nước và năng lượng, bởi sản xuất thời trang tạo gánh nặng lớn lên môi trường. Ý tưởng này đặc biệt hay với thời trang trẻ em, khi hầu hết bọn trẻ lớn nhanh hơn độ mòn của quần áo.
Ngoài ra, có thể bắt đầu một nhóm đi bộ để nuôi dưỡng sự trân trọng với môi trường và thúc đẩy lối sống năng động, ít phát thải. Hoặc bạn chỉ cần bắt đầu (hoặc tham gia) một dự án cộng đồng phù hợp với kỹ năng và sở thích.
6. Ngân hàng xanh
Nghiên cứu các ngân hàng hoặc quỹ đầu tư ưu tiên tín dụng xanh như năng lượng tái tạo và rút vốn khỏi lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Đầu tư có trách nhiệm có thể chuyển dịch các ngành công nghiệp theo hướng bền vững hơn.
7. Ủng hộ du lịch chậm
Thay chuyến bay bằng một phương tiện khác, cân nhắc du lịch trong nước, thậm chí gần nhà giúp giảm đáng kể tác động đến môi trường.
Du lịch hàng không là một trong những tác nhân phát thải carbon toàn cầu nhanh nhất. Một chuyến bay chặng ngắn (ví dụ từ Sydney đến Melbourne) thải ra khoảng 185 kg CO₂ mỗi hành khách, trong khi một chuyến bay chặng dài (từ Sydney đến London) có thể thải ra 2.154 kg CO2 mỗi người.
8. Đạp xe hoặc đi bộ đường dài
Thử thay thế những chuyến đi ngắn trên ôtô bằng xe đạp hoặc đi bộ. Nếu có rào cản về khoảng cách hoặc thể lực, bạn có thể cân nhắc đến xe đạp điện, chỉ thải ra 22g CO₂ trên một km so với 271g của ôtô. Ngoài lợi ích về khí hậu, di chuyển có trách nhiệm còn cải thiện sức khỏe, giảm áp lực lên hệ thống y tế.
9. Một tháng không mua gì
Thử thách bản thân không mua sắm gì mới trong một tháng. Thay vào đó, bạn có thể sửa chữa, mượn hoặc tận dụng những gì mình có. Nền kinh tế tiêu dùng thúc đẩy phát thải, từ sản xuất đến vận tải.
10. Nghỉ lễ có trách nhiệm
Lễ Tết là thời điểm cho đi, cũng có thể là thời điểm tiêu dùng quá mức và lãng phí. Các chuyên gia từ Change by Degrees khuyến khích suy nghĩ lại về truyền thống ngày lễ, cân nhắc những thứ có thể cắt giảm, tránh lãng phí, tập trung vào những gì quan trọng nhất của ngày lễ.
Bảo Bảo (theo The Guardian)