Yu Hotel là dự án cải tạo từ một nhà khách kiêm phòng chơi cờ cũ. Với sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng về không gian và sự chú tâm đến từng chi tiết của đội ngũ thiết kế, văn hóa, thiên nhiên và kiến trúc đã được tích hợp trong một không gian vừa truyền thống vừa hiện đại, tiện ích nhưng cũng thơ mộng.
Thông tin công trình
- Thể loại: Khách sạn, cải tạo
- Địa điểm: Hoàng Phổ, Trung Quốc
- Đội ngũ thiết kế: Shanghai Ben Zhe Architecture Design
- Diện tích: 678 m2
- Năm: 2018
- Ảnh: Schran Image
Nằm trên đường Phục Hưng Đông, Thượng Hải, Trung Quốc, dự án tiếp giáp Dự Viên (Yu Garden), do đó được đặt tên là Yu Hotel để đồng âm với tên khu vườn. Ban đầu đây là một nhà khách kiêm phòng chơi cờ và đánh bài. Theo sự biến đổi của thời đại và sự đổi mới đô thị, chủ sở hữu muốn tìm ra một định nghĩa mới cho dịch vụ lưu trú B&B (Breakfast & Bed), dựa trên cơ sở củng cố kết cấu vốn có.
Yu Hotel trên đường Phục Hưng Đông, Thượng Hải.Nhà khách ban đầu do bốn khối nhà cũ tạo thành, với không gian nội thất nhỏ, hẹp và thiếu ánh sáng. Trọng điểm của dự án cải tạo là tái cấu trúc không gian, đưa ánh sáng mặt trời và thiên nhiên vào không gian nội thất vốn dĩ nhỏ hẹp và tối. Sau hơn nửa năm, kiến trúc sư đã giải cấu trúc và biến công trình cũ thành một khối kiến trúc phức hợp. Trong đó, nội ngoại thất liên kết và xen kẽ là các khoảng sân.
Sảnh chính và khu vực cafe hô ứng lẫn nhau.Sau cải tạo, Yu Hotel bao gồm hai khối nhà. Trong quá trình thiết kế, mối quan hệ giữa văn hóa, thiên nhiên và kiến trúc được cân nhắc kỹ lưỡng để có thể tích hợp chúng lại với nhau. Bức tường gạch tại lối vào thay đổi hướng giao thông tiếp cận, tạo thành một bước chuyển tiếp giữa không gian công cộng và riêng tư.
Lối vào của công trình.Sau khi nghiên cứu đặc điểm của tứ hợp viện ở phương Bắc và nhà ở Thượng Hải, kiến trúc sư đã mạnh dạn chừa ra một khoảng sân dù vị trí khu đất nằm ngay tại một nơi tấc đất tấc vàng như trung tâm Thượng Hải. Điều này đã giải quyết trạng thái cô lập của các khối kiến trúc, tạo sự hô ứng về mặt thị giác giữa ba không gian: khu lưu trú, tiền sảnh và khu cafe. Qua đó, tư tưởng xây sân vườn của kiến trúc truyền thống được thể hiện rõ rệt.
Mặt bằng trệt của công trình.Nội thất khu vực cafeKhu lưu trú nằm trong tòa nhà chính, hướng về phía Nam. Các chức năng khác nhau của không gian nội thất được bố cục khéo léo và vừa vặn.
Thông tầng liên kết sân thượng, sân sau và hành lang giúp tầm nhìn và không gian được mở rộng tối đa. Giếng trời đáp ứng nhu cầu ánh sáng cho khu vực công cộng của khối lưu trú. Điều này đã hoàn toàn thay đổi không gian vốn tối và ảm đạm của công trình. Cầu thang làm bằng đồng và gỗ đặc đóng vai trò kết nối các tầng.
Ánh sáng mặt trời rơi xuống giếng trời, chiếu vào các bức tường trắng, xuyên qua thông tầng, sàn kính và tràn vào tầng dưới. Toàn bộ không gian trở nên chặt chẽ, mạch lạc và tràn ngập ánh sáng.
Khu hành lang, thông tầng và giếng trời của khối lưu trú.Các kiến trúc sư tin rằng chất lượng của B&B nằm trong các chi tiết, nói cách khác, là thông qua thị giác. Vẻ đẹp của Yu Hotel được phản ánh qua những cân nhắc về không gian và sự chú ý đến từng chi tiết. Với quan điểm thẩm mỹ độc lập, các kiến trúc sư tự mình lựa chọn nội thất, kể cả những vật trang trí nhỏ nhất.
Chỉ những kiến trúc sư đủ lãng mạn mới có thể đặt cho mười hai căn phòng những cái tên riêng: Thuần, Nguyên, Lan, Nhuận, Du, Hàm, Đạm, Sàn, Phù, Điềm, Mạn, Tư. Mỗi phòng đều có phong cách và câu chuyện riêng. Với những cái tên ý nghĩa như vậy, kiến trúc sư có thể tạo ra một không gian mang vẻ đẹp phương Đông, dịu dàng nhưng cứng cỏi và quyến rũ.
Mỗi phòng đều có phong cách và câu chuyện riêng.Do yêu cầu cứng nhắc của loại hình dịch vụ B&B, hai phòng có gác xép được xây dựng và đặt tên là “Nhuận” và “Lan”. Tận dụng không gian phía trên, hai phòng này được chia thành hai tầng. Tầng dưới là dành cho các tiện ích khác nhau, chẳng hạn như không gian tắm mở, khu vực giải trí và tiếp khách,… Trên lầu là khu vực nghỉ ngơi, tách biệt hoàn toàn với khu làm việc và giải trí ở tầng dưới nhằm đảm bảo sự riêng tư cho khách.
Nội thất phòng gác xép “Nhuận”.Nội thất phòng gác xép “Lan”.Phòng “Thuần” có phong cách chủ đạo là neo-Chinese (Tạm dịch: tân Trung Quốc). Căn phòng được đặt tên “Thuần” bởi sự giản dị, mộc mạc và chất phác của nó. Cửa sổ kính sát đất cho phép ta có thể ngắm nhìn một thế giới nhỏ màu xanh và yên bình mà không quấy rầy các sinh vật sống trong sân. Đây là một nơi vừa nằm cạnh, nhưng cũng vừa ẩn mình trong khu trung tâm Thượng Hải đông đúc.
Phòng “Thuần” với cửa sổ kính sát đất nhìn ra vườn.Trong quá trình thiết kế theo phong cách tân Trung Quốc, thủ pháp đơn giản hóa đã được sử dụng để thể hiện nội hàm của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Thời cổ đại, gương được đúc từ đồng hoặc sắt. Các nhà thiết kế hiện đại đã chọn kết hợp đồng chưa qua xử lý và mặt gương tròn.
Chỉ một chi tiết nhỏ cũng tạo nên sự chất lượng cho không gian sống. Yu Hotel hướng đến một không gian thơ mộng, nơi mà một chiếc bàn trang điểm đơn giản “gặp” bồn tắm ceramic, nơi gương đồng “gặp” cửa sổ kính, nơi các vật dụng hiện đại “gặp” thiết kế độc đáo.
Xem bộ sưu tập hình ảnh công trình tại đây:
Biên dịch | P.C (Nguồn: Archdaily)
XEM THÊM:
- Top 10 khách sạn trên thế giới đáng để trải nghiệm
- Điểm mặt những khách sạn với giá phòng xa xỉ trên thế giới
- “Ngôi nhà điên” là khách sạn kỳ quái nhất thế giới