Vượt qua mục đích xây dựng ban đầu để tưởng niệm người cha của chủ đầu tư, Trung tâm cộng đồng làng Nokha, Ấn Độ đã trở thành khối kiến trúc xanh độc đáo nuôi dưỡng cộng đồng giữa lòng sa mạc.
Tên dự án: Trung tâm cộng đồng Nokha VillageĐịa điểm: Nokha, Rajasthan, Ấn ĐộDiện tích: 1.207m2 Thiết kế: KTS Sanjay Puri Nhà thầu chính: Jagram Suthar |
Thiết kế thích ứng với bối cảnh tự nhiên
Lấy cảm hứng từ bối cảnh xung quanh, nhóm thiết kế thiết lập những đường cong uyển chuyển trên diện tích xây dựng 836m2, tạo nên một tòa nhà mang dáng dấp của cồn cát sa mạc. Điều này giúp công trình hòa nhập vào môi trường như một thành phần hữu cơ vốn có.
Tạo hình phần mái nghiêng thoai thoải nối liền từ mặt đất lên đến đỉnh tòa nhà, uốn lượn theo hai làn chuyển động vừa tăng yếu tố thẩm mỹ vừa như mặt sàn thứ hai, nhân đôi không gian sử dụng cho tòa nhà, tạo ra khoảng mở thư giãn để người lớn đi dạo, trẻ con chạy nhảy, cùng ngắm nhìn vẻ đẹp khoáng đạt của bầu trời và mặt đất.
Vườn cỏ bao phủ phần mái tạo điểm nhấn thị giác giữa khu vực cằn cỗi hiếm hoi những mảng xanh và là tấm lá chắn bảo vệ tòa nhà dưới sự thiêu đốt của ánh nắng, giúp không gian bên trong mát mẻ hơn. Cỏ xanh cũng bao phủ hầu hết diện tích nền đất bồi cao xung quanh tòa nhà hỗ trợ giảm nhiệt độ bề mặt.
Kiến trúc sư còn thiết kế hệ thống thu thập và tái chế nước tinh vi tích hợp liền mạch vào các mặt phẳng mái nghiêng, đảm bảo “mọi giọt nước quý giá” đều được tận dụng hiệu quả. Ngoài ra, để ứng phó với nhiệt độ 35 đến 40°C kéo dài tới tám tháng mỗi năm, KTS Sanjay Puri đã xen kẽ đá sa thạch tự nhiên sẵn có ở địa phương giữa những khoảng tường đá kín đặc và tường đá Jaali chạm trổ nhiều lỗ rỗng để hỗ trợ điều chỉnh nhiệt độ thông qua cơ chế làm mát thụ động truyền thống.
Sợi chỉ kết nối truyền thống với hiện tại
Thông qua công trình, KTS Sanjay Puri thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với kiến trúc truyền thống với nhiều lựa chọn: Lựa chọn thuê thợ thủ công địa phương lành nghề, áp dụng kỹ thuật xây dựng cổ truyền; lựa chọn sử dụng đá sa thạch - vật liệu sẵn có tại địa phương, đã che chở cho cư dân bản địa qua nhiều thế hệ; lựa chọn tường đá Jaali được sử dụng trong kiến trúc Ấn Độ từ thời xa xưa; và lựa chọn tạo hình khối nhà uốn cong ôm lấy một khoảng sân trong - tương tự như cấu trúc đặc trưng của những ngôi nhà Nam Á suốt bao đời nay. Những lựa chọn ấy tạo ra không gian quen thuộc, thu hút cư dân sinh sống trên mảnh đất này. Nokha Village trở thành nơi dân làng tụ tập, thoải mái chia sẻ những câu chuyện thường ngày, cũng là hội trường ngoài trời để tiến hành các cuộc thảo luận và cuộc họp quan trọng. Vào dịp lễ hội, Nokha Village là sân khấu biểu diễn âm nhạc và những vũ điệu cổ truyền.
Bên cạnh đó, để bắt nhịp với lối sống hiện đại, KTS Sanjay Puri tích hợp khối tiện ích bao gồm nhà ở, căng-tin, khu vệ sinh, cửa hàng, bãi đậu xe vào công trình. Khối tiện ích tạo điều kiện phục vụ cho các cuộc tụ họp lớn này được bố trí ở ngay lối vào để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan của tòa nhà chính.
Tầm nhìn tương lai cho cộng đồng
Ẩn dưới mái nhà xanh tươi là không gian mát mẻ của bảo tàng và thư viện. Bảo tàng lưu giữ di sản phong phú của địa phương, tạo điều kiện cho cư dân tiếp cận với văn hóa và lịch sử quê hương, được chiếu sáng gián tiếp bằng các hốc lõm bên trong các bờ đất của vườn cỏ.
Thư viện rộng rãi, yên tĩnh với những cuốn sách và truyện đọc phong phú được tô điểm bởi ánh nắng xuyên qua bức tường Jaali. Trong thực trạng các trường công lập địa phương đều không có thư viện riêng, đây chính là điểm đến yêu thích của trẻ em trong vùng.
Đối với Nokha - nơi có chưa tới 50% dân cư biết chữ và 143 ngôi làng lân cận đang thiếu thốn các công trình văn hóa, Trung tâm cộng đồng làng Nokha đã trở thành một “thiên đường tiếp cận tri thức” ươm mầm cho những mơ ước và sự phát triển của các thế hệ tương lai cũng như cả vùng đất khô cằn này.
Có thể nói vẻ đẹp kiến trúc Nokha đã vượt ra ngoài khía cạnh tạo hình, mang tính bền vững về khía cạnh vật lý và tỏa sáng trong trách nhiệm kết nối, nuôi dưỡng các giá trị và sự phát triển của cộng đồng.
Minh Ngọc - ảnh: ArchDaily
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 218)