Nam Mỹ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nơi đây may mắn được thừa hưởng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ bí, từ rừng rậm nguyên sinh cho đến những loài sinh vật độc đáo, hấp dẫn. Cùng với đó, vẻ đẹp do con người tạo nên cũng không kém phần thú vị đó là những công trình kiến trúc của sự tự do và truyền cảm hứng.

Phần 1, kienviet.net đã giới thiệu tới độc giả 11 công trình độc đáo thuộc vùng đất Mỹ Latin (Brazil, Chile, Colombia). P2 sẽ tiếp tục dẫn các bạn vào chuyến tham quan mang đậm nét đặc trưng kiến trúc bản địa – một nét kiến trúc rất riêng mang dấu ấn của thời gian và sức hút về văn hóa.

ARGENTINA

Nhà thờ Santa María de Guadalupe Parish

Dự án của KTS Claudio Caveri được sinh ra trong thời điểm giao thoa giữa kiến trúc bản địa và phong trào kiến trúc quốc tế hiện đại đang bao trùm Argentina những năm 1960. Kết cấu nổi bật so với các tòa nhà xung quanh khiến công trình trở nên vô cùng thu hút.

image004-3.jpg

Trước Santa Maria de Guadalupe Parish, Caveri đã từng thiết kế Nhà thờ Đức Mẹ Fatima ở Martinez, Buenos Aires. Cả hai công trình đều thể hiện những nét đặc trưng nhất của kiến trúc “casablanquismo” từng làm mưa làm gió ở Argentina trong những năm giữa thế kỷ 20.

The Work of Francisco Salamone

Dấu ấn kiến trúc do KTS – Kỹ sư người Ý Francisco Salamone để lại tại Buenos Aires là một hệ quả của sự tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh mẽ tại Argentina trong khoảng những năm 1940. Len lỏi giữa các nghĩa trang, lò mổ và tòa thị chính, công trình tỏa sáng bằng vẻ đẹp nguy nga và tráng lệ.

image006-3.jpg

Francisco là một KTS tiêu biểu của trường phái Art Deco, với phong cách thiết kế sử dụng hình khối đặc thù, hòa trộn như những tác phẩm điêu khắc. Bộ sưu tập kiến trúc phong phú của ông bao gồm tổng cộng 60 công trình khác nhau, trải dài trên khắp 25 vùng ngoại ô tại Buenos Aires.

BRAZIL

Khu dân cư Eduardo Guinle Park

Eduardo Guinle Park được khánh thành vào năm 1920 và từng là một “cung điện tân cổ điển” ẩn mình ở cực nam Rio de Janeiro. Năm 1940, dự án được chuyển giao cho chính phủ liên bang và sau đó một năm, nó đã trở thành điểm trung tâm của kế hoạch phát triển đô thị do Lucio Costa – giám đốc Cục Di sản Lịch sử và Nghệ thuật Quốc gia Brazil phụ trách.

image007-10.jpg

Trong quá trình mở rộng và phát triển, Eduardo Guinle Park luôn giữ được phong cách riêng của mình – một vẻ đẹp đơn giản và bình dị ở thời điểm mà kiến trúc đang dần đi theo xu hướng hiện đại, hoa mỹ hơn.

Trung tâm triển lãm trực thuộc Tòa Hành Chính Bahia Building

Được thiết kế và xây dựng bởi João Filgueiras Lima vào năm 1974, Trung tâm Triển lãm của Tòa nhà Hành chính Bahía là một cấu trúc bê tông khổng lồ, “bay lơ lửng” bởi nó cách mặt đất những 15 feet (khoảng 4.6m). Tòa nhà giống như một chiếc tàu bay với sảnh triển lãm nằm ở hướng đông cùng một giảng đường được đúc theo hình kim tự tháp ngược ở cánh tây.

image008-1.jpg

Trung tâm cơ giới hóa thuộc Ngân hàng Banco do Brasil

Trung tâm Cơ giới hóa Banco do Brasil được xây dựng vào năm 2000 ở Porto Alegre, nổi bật với một loạt các yếu tố hình học tạo nên cấu trúc giống như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Công trình có một bố cục rõ ràng và cân bằng, bổ trợ cho nhau – các khối chức năng hình chữ nhật dài về chiều ngang gác trên hệ thống cột vuông dài về chiều dọc.

image011-8.jpg

Nhà hát Nghệ thuật biểu diễn Teatro Oficina

Công trình có tên đầy đủ là Teatro Oficina Uzyna Uzona Theater Studio, thường được biết đến với tên gọi Workshop Theater, nằm trên đường Jaceguai trong khu phố pizza Bela Vista của São Paulo. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1958, không gian phục vụ chức năng như một nhà hát biểu diễn, bao gồm nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, nhạc kịch cho tới khiêu vũ, dạ hội…

image012-4.jpg

Concept đầu tiên được thiết kế bởi Edison Elito, và chỉnh sửa rất nhiều bởi KTS người Brazil gốc Ý Lina Bo Bardi sau đó. Mục đích của quá trình tu sửa là tạo nên sự tương phản giữa cấu trúc mới và bối cảnh xung quanh. Ý nghĩa ẩn sâu bên trong thiết kế cải tạo là hình ảnh ẩn dụ “đường phố đang dần xâm chiếm sân khấu” – một sự khẳng định nền dân chủ hóa của nhà hát, không chỉ thông qua các buổi biểu diễn mà còn thông qua cả không gian kiến trúc.

Casa Bola / Eduardo Longo

Casa Bola được xây dựng vào năm 1979 với vai trò như một dinh thự tư nhân và là một trong những công trình kiến trúc gây tranh cãi nhất của KTS người Sao Paulo – Eduardo Longo. Nổi bật giữa “đám đông” và mang tính chất mỉa mai ở một mức độ nào đó, công trình là một cấu trúc hình cầu với chiều rộng 8 mét cùng hệ thang xoắn nằm trên nền bê tông.

image015-5.jpg

Vào thời điểm đó, người ta coi công trình này là một quả cầu lập dị và vô nghĩa, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng đây là điểm nhấn duy nhất tại quanh khu phố Jardim Europa vốn quá đỗi bình thường.

PERU

Barrios Altos

Mặc dù đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1988, nhiều cư dân Lima vẫn thường bỏ quên sự tồn tại của công trình tại đây. Trong cùng một khu phố, người ta có thể tìm thấy rất nhiều khu nhà giống Barrios Altos, có vẻ như đã mất giá trị sử dụng. Tuy nhiên, bằng tâm hồn nghệ thuật và con mắt tinh tế, bạn vẫn có thể nhìn được nơi đây như một cột mốc thời gian gắn với lịch sử lâu đời của thành phố Lima – Peru.

image017-7.jpg

Khi chú ý vào chi tiết, nhất là kết cấu khung xương của khu nhà, ta cảm giác được dòng chảy thời gian pha một chút “nhã” có trong phong cách kiến trúc đặc trưng của Barrios Altos. Nhà xã hội học Pablo Vega Centeno cũng đánh giá rất cao giá trị về mặt tâm linh và hình ảnh của công trình, do nó phản ánh được những thời kỳ đã qua và dần trở thành một di sản hiếm có cần được bảo tồn của thành phố.

Nghĩa trang New Hope Cemetery 

“Nép mình trên một địa hình khúc khuỷu của những ngọn đồi nhấp nhô, có những sắc màu độc đáo đang hiển hiện rất rõ rệt, len lỏi trong cộng đồng người di cư tại Lima. Nghĩa trang này là sự phản ảnh những phong tục hành hương của nhiều nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại trong một không gian rộng mở” – Jose Matos Mar.

image018-1.jpg

New Hope Cemetery rộng tới hơn 60 ha, là nghĩa trang rộng lớn nhất tại các quốc gia Mỹ Latin. Nơi đây không chỉ là nơi yên nghỉ, mà còn là địa điểm tụ hợp những nền văn hóa đa dạng trên thế giới. Day of the Dead (Ngày của Người Chết) là một ngày lễ kỷ niệm thường niên đặc trưng nhất được tổ chức tại đây, với sự tham dự của hàng triệu người hành hương.

URUGUAY

Nhà nguyện Capilla Susana Soca

Đây là một dự án đặc trưng đậm chất KTS người Catalan Antonio Bonet, được thiết kế trong khoảng những năm 1960. Nhà nguyện nổi tiếng nhất vùng Canelones được xây dựng để tưởng nhớ nhà thơ người Uruguay Susana Soca. Tòa nhà đã trở thành biểu tượng tôn giáo đầu tiên của Bonet ở Uruguay và đặt những nền móng đầu tiên cho sự xuất hiện của kiến trúc hiện đại tại xứ sở thơ mộng và phóng khoáng bậc nhất Nam Mỹ.

image021-5.jpg

Biên dịch | Duc Anh (Nguồn: Archdaily)

XEM THÊM:

  • Những viên ngọc sáng của nền Kiến trúc Mỹ Latin (P1)
  • 10 tòa nhà tiêu biểu theo kiến trúc Thô Mộc ở Mỹ Latin
  • 10 công trình châu Á đoạt giải thưởng kiến trúc Architizer A+
  • Hình ảnh phản chiếu tuyệt đẹp của 10 công trình kiến trúc

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022