Nội thất là những phần vật liệu, thiết bị hoàn thiện trong nhà ở, phục vụ cho công tác thi công hoàn thiện. Những vật liệu, thiết bị này có chủng loại, mẫu mã và giá cả phong phú nên chủ nhà thích tự lựa chọn.
Đây là điều tốt vì chủ nhà bằng trực quan có thể nhìn thấy những sản phẩm sẽ hiện diện trong ngôi nhà của mình, trong khi bản vẽ thiết kế dù kỹ đến mấy cũng không thể truyền tải được hết.
Tuy vậy, cách làm này có thể phát sinh rất nhiều vấn đề mà chủ nhà không lường hết được. Bởi khi đã lựa chọn và chỉ định những chủng loại thiết bị, vật liệu cho thiết kế, kiến trúc sư đã nghiên cứu và tính toán trong mối tương quan tổng thể với thiết kế kiến trúc và các phần kỹ thuật khác, cũng như yếu tố thẩm mỹ.
Ví dụ như trên một bản vẽ ốp lát phòng vệ sinh, chỉ định lát gạch 25x25cm; bởi lý do là chiều rộng phòng theo thiết kế là 1,25 m, lát như thế sẽ chẵn viên. Nhưng nếu chủ nhà không nắm được điều này, tự ý mua gạch kích thước khác không phù hợp, như 30x30cm, 40x40cm...lại thành lỡ dở.
Việc mua sắm nội thất cần xem xét trước những yêu cầu trong thiết kế và nên hỏi ý kiến trước của kiến trúc sư, tránh mua về những thứ không sử dụng được. Ảnh minh họa: uwai.com
Việc chủ nhà tự lựa chọn vật liệu, thiết bị nội thất nên xem xét trước các yêu cầu trong thiết kế, định hình trước thứ mình cần, và trước khi mua nên hỏi ý kiến nhà thiết kế.
Cũng tương tự với các loại thiết bị điện nước có những yêu cầu kỹ thuật về nguồn cấp, kỹ thuật lắp đặt khác nhau liên quan đến kiến trúc và hệ thống kỹ thuật đã thi công, nếu không nắm rõ có thể mua về mà không lắp đặt và sử dụng được, hoặc không phát huy tối ưu tính năng của chúng.
Với những người mua sắm đồ để làm mới căn nhà (nhà đã xây xong và đang ở) mọi chuyện đơn giản hơn là những công trình đang thi công. Song những đồ nội thất dạng này cũng cần xem xét trước.
Trước hết cần quan tâm đến kích thước đồ trong phạm vi giới hạn, kiểu dáng - cấu trúc chính. Ví dụ như sofa kiểu đối xứng một ghế dài hai ghế đơn, hay kiểu chữ L...; tủ lạnh một cánh hay hai cánh, kích thước hiện trạng ở nhà để kê tủ là bao nhiêu; khoảng cách ngồi xem tivi là bao nhiêu để chọn tivi có kích thước phù hợp.
Tiếp theo cần tìm hiểu các tính năng liên quan và nhu cầu thực sự cần, hiện trạng kỹ thuật hạ tầng có đáp ứng được không? Nếu thiết bị có tính năng đó, và đắt tiền hơn bởi tính năng đó, mà nhu cầu không cần hay hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng được thì rất lãng phí.
Có trường hợp chủ nhà mua tủ lạnh có tính năng làm đá tự động, tức là tủ lạnh có một hệ thống bơm nước lên khay làm đá ở ngăn đá. Tuy nhiên để bơm nước lên ngăn đá, phải có nguồn nước. Nguồn nước này lại không được chuẩn bị trước, phải cải tạo bằng cách trích từ vòi cấp chậu rửa tủ bếp. Lại có một phát sinh khác khi nguồn nước cấp là nước máy - nước lã nên không đảm bảo vệ sinh. Làm đá ăn thì nguồn nước này phải qua một bình lọc trước khi cấp cho tủ lạnh. Tại các khoang tủ dưới lại không có vị trí nào phù hợp để đặt bình lọc nước. Cuối cùng chủ nhà phải gọi thợ sửa tủ bếp, khi mà nhà đã ở, mọi việc thi công xây lắp hoàn thiện từ lâu.
Bởi vậy, việc xem xét trước sản phẩm dự kiến trước khi mua sắm (căn cứ vào nhu cầu, ý thích, tài chính) rất cần thiết, có thể xem trước qua các hệ thống quảng cáo, catalogue của nhà sản xuất, web doanh nghiệp... Với việc mua sắm đồ phục vụ cho việc thi công, cần xem càng sớm càng tốt, nếu có điều kiện về lưu trữ và bảo quản nên mua trước, không cần chờ đến lúc thi công hạng mục xong sẽ rất bị động.
Cần lưu ý phải tính toán kỹ khối lượng, số lượng vật tư thiết bị - căn cứ vào thiết kế và các bảng thống kê dự toán. Việc này tiết kiệm đáng kể thời gian trong những ngày cuối năm, giúp chủ nhà dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Hà Thành