Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Thần Tài là một trong những vị thần của tín ngưỡng phương Đông, chuyên quản Tài Phúc Phú Quý mang lại sự may mắn, tài lộc, sung túc. Bởi vậy mà ngày vía Thần Tài là một trong những dịp được dân gian rất coi trọng.
Trong ngày này, bên cạnh việc nhiều người đổ xô đi mua vàng, mỗi gia đình, đặc biệt là những người buôn bán, kinh doanh có cửa hàng… có thờ Thần Tài đều sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc. Không ít người quan niệm lập ban thờ Thần Tài là điều tất yếu phải có.
Với những ban thờ Thần Tài phổ thông, ban thờ thứ 1 là ban thờ Tam Tài phù hợp với những người tuổi Đinh – Nhâm - Quý gồm có thần Tài, Thổ địa và ở giữa là vị Thiên Thần Tài còn gọi là Thần Phát. Còn ban Nhị vị Thần Tài phù hợp với hầu hết các tuổi gồm 2 ngài Thổ địa và Thần Tài. Ông Tài gầy, râu dài, tay bê vàng; Ông địa bụng to, người thấp ngắn và tay cầm quạt ba tiêu để vẫy khách. Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính hoặc gần cửa chính.
Cúng Thần Tài được nhiều gia đình rất chú trọng
Về điều này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Tổng Giám đốc tại Công Ty Phong Thuỷ VNN) cho rằng, dân gian rất coi trọng ngày Thần Tài. Tuy nhiên phải hiểu rằng nếu vì có ngày này mà nhà nhà phải đi lập ban thờ thần Tài là không đúng. Chúng ta chỉ cần trong ngày Thần Tài có những việc làm và hành động đem lại may mắn cũng là cách thực hiện nghi lễ cúng ngày Thần Tài rồi. Còn những cửa hàng, cửa hiệu hoặc nhà ai ở kết hợp với kinh doanh mới phải tách ban thờ Thần Tài riêng ra và làm mâm lễ cúng Thần Tài, Thổ địa.
Theo tích xưa trước đây Thần Tài, Thổ địa trước bị đầu độc. Bởi vậy khi thờ Thần Tài phải chú ý là cúng lễ mặn cần phải lấy một chút ăn trước như là để "thử độc". Đồ lễ gồm bánh bao nhân thịt, thịt heo quay, chút kiệu, hành thơm. Trên ban thờ Thần Tài có thể đặt thêm chút tỏi hoặc xếp 1 tháp tỏi, một mâm hoa quả không cần nhất thiết phải 5 loại quả. Riêng đồ lễ mặn phải để riêng chứ không để chung với nhau. Điều quan trọng trong việc thờ cúng là nhất tâm khởi lễ.
Để việc thờ cúng trong ngày vía Thần tài được suôn sẻ, gia chủ nên lau dọn thật sạch sẽ. Nước lau rửa bao sái ban thần tài là nước ngũ vị hương đun lên từ 5 loại lá hương liệu gồm hồi khô, quế khô, hương nhu, lá sả, lá mùi... Khăn lau bàn thờ riêng, khăn tắm tượng Thần Tài - Thổ Địa riêng.
Trước khi khởi hương cần lưu ý thân thể người cúng phải sạch sẽ, thanh tịnh. Với những gia đình phụ nữ bất đắc dĩ phải làm lễ mà đúng kì kinh nguyệt phải mua lá thơm về tắm trước khi cúng. Khi làm lễ tâm thế cần hoan hỉ, tích cực.
Chuyên gia phong thủy cũng cho rằng, ngay cả việc người dân đổ xô mua vàng trong ngày vía Thần Tài không nhất thiết. Tục lệ của người Hoa là vàng vào nhà ngày vía Thần Tài chứ không hề có câu chuyện phải đi mua vàng vào đúng ngày vía Thần Tài.
Hơn nữa xưa các cụ có câu: “Nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi” nên luôn có bạc đi kèm. Hiện mọi người chỉ coi trọng vàng mà không coi trọng bạc. Phong thủy cần có âm có dương. Vàng là yếu tố dương, bạc là âm. Mọi người có thể chỉ cần mua chút bạc. Điều quan trọng là mang vào nhà ngày đó chứ không phải nhất nhất đi mua ngày đó.
Trong ngày này cũng có thể làm nạp tài. Cụ thể dùng số tiền 50, 100 hoặc 100 USD… để vào trong két sắt.
P.Thuận