Không chỉ mang lại sự tiện lợi, sức khỏe, hệ thống mái che còn kết nối con người với con người. Đó thực sự là một kiến trúc vị dân sinh, một mái nhà chung cho toàn xã hội” – KTS Trình Phương Quân

Đáp chuyến bay vào một trưa tháng bảy oi bức đến Singapore, tôi vội vàng kéo vali di chuyển bằng xe bus đến ký túc xá thì trời bắt đầu đổ mưa. Mưa càng lúc càng nặng hạt, giống cơn mưa đầu mùa ở Sài Gòn. “Tại vì hôm mưa quên mang chiếc ô”, tôi tự nhủ và nghĩ đến cảnh một mình tay xách nách mang đủ hành lý ướt sũng ở trạm xe bus.

Tôi bất ngờ và tròn xoe mắt khi vừa đến nơi: Một mái che dài gần trăm mét với đèn chiếu sáng, vỉ thoát nước và mái xanh kết nối từ trạm xe bus đến lối vào của ký túc xá.  Tôi hoàn toàn khô ráo, thong dong kéo vali của mình đi trên ramp dốc khúc khuỷu dẫn đến trước cửa nhà. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến Singapore, nhưng tôi thực sự càng thấy ngạc nhiên hơn vì cuộc sống tiện lợi và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ ở đây mà các KTS đã dày công đầu tư và thiết kế.

Không chỉ một vài lối đi ngoài trời có mái che (tiếng Anh: Covered Linkway) hay hành lang mở (tiếng Anh: Covered Walkway) kể trên, có hàng trăm km mái che như thế đã và đang được xây dựng trên khắp đảo quốc nhỏ bé này. Sự tiện lợi và nhân văn mà nó mang lại không có gì để bàn cãi. Bạn có thể đi từ nhà đến nơi làm việc mà không mắc một giọt nước mưa, cũng chẳng cần phải che kín mặt mũi như ninja để bảo vệ làn da khi đi ra đường dưới cái nóng oi bức vùng xích đạo.

1-5.jpgMột lối đi có mái che dài hàng trăm mét kết nối trạm tàu điện với trạm xe bus. Nguồn: Ricemedia

Đối với tôi, đây thực sự là kiến trúc vị dân sinh đúng nghĩa: Phục vụ và đem lại sự thoải mái, tiện lợi cho con người, không cần màu mè với đủ thứ mỹ từ đao to búa lớn, hay chỉ xây ra để chụp ảnh. Và mãi cho đến khi đi làm, công việc đầu tiên của tôi ở đây là: Vẽ mái che và tìm cách kết nối giữa các tòa nhà, cầu vượt và trạm xe bus với nhau. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng… không hề giản đơn!

Nguồn gốc của lối đi có mái che ở Singapore

Lịch sử của lối đi có mái che bắt đầu từ gần 200 năm trước từ bản quy hoạch Singapore năm 1822 bởi Stamford Raffles, người Cha lập quốc hiện đại của Singapore, trong đó điều 18 ghi rõ: “Khi xây dựng nhà, mỗi căn nhà cần phải có một mái hiên mở mọi lúc như một lối đi bộ hành dọc mỗi con đường”. Mái hiên kể trên là một phần của căn nhà ống, có tác dụng che chắn cho người đi bộ khỏi nắng nóng và mưa, về sau được quy định rộng khoảng 1.5m.

Dần dần, điều kể trên trở thành một phần tất yếu của những căn nhà ống truyền thống thường thấy. Lối đi bộ trên trở thành một phần của hoạt động văn hóa, kinh doanh và cộng đồng của người dân địa phương.

2-7.jpgMái hiên trước mặt tiền nhà phố tại Singapore. Nguồn: National Archives of Singapore

Phục hồi và phát triển

Từ những năm 1900, sự phát triển lối đi có mái che rơi vào tình trạng trì trệ và suy giảm trong một thời gian dài. Những căn nhà ống dần dần mang tiếng xấu vì nó là nơi sinh sống đông đúc của những lao động di cư. Chính quyền mới tập trung giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, những vấn đề gặp phải sau Thế chiến thứ II và sau khi độc lập khỏi Anh quốc hơn là dành ngân quỹ xây dựng những mái che.

Mãi đến những năm 1980 và 1990, khi những vấn đề trên đã dần được giải quyết và ổn định, trong công việc nâng cấp và cải tạo hạ tầng đô thị, việc xây dựng những lối đi có mái che đã được đặt ra, cùng với việc nâng cấp những khu nhà ở xã hội, lắp đặt thang máy, khu sân chơi trẻ em và khu học tập. Việc xây dựng những lối đi có mai che còn có tác dụng thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng bằng cách kết nối đi lại giữa các tòa nhà chung cư và trạm xe bus, trạm Metro.

Năm 1989, chương trình cải tạo lối đi có mái che được tiến hành ở đường Orchard. Những đoạn mái che được xây dựng từng phần, tuy nhiên cũng đi kèm với những lỗi thiết kế. Những mái che đôi lúc bị đứt quãng, không đồng đều, thoát nước không triệt để hoặc tạo các luồng giao thông bất tiện.

Giữa những năm 2000 và 2010, những nhà quy hoạch bắt đầu vạch ra các tiêu chuẩn thiết kế trong thiết kế lối đi, trong đó, một mái che lý tưởng nên có chiều rộng 2.4m và cao từ 2.1 đến 2.4m, với một khoảng vươn 0.6m về phía hàng trụ đỡ để thoát nước mưa. Độ dốc tối đa 1:12 để đảm bảo cho người già và người tàn tật có thể sử dụng, cùng với hệ thống chiếu sáng và cách âm nếu cần thiết.

Về mặt bố trí, những mái che cần tránh đặt tiếp giáp với cửa sổ/ ban công để tránh trộm, đồng thời kết nối tất cả khu dân cư, các cửa hàng tiện lợi, các nút giao thông (bến xe bus, nhà ga, trường học, nhà cộng đồng). Bắt buộc phải có tường chắn lửa cao 2m nếu tiếp giáp với cầu lang. Vật liệu kính không được phép sử dụng vì lý do an toàn nếu nứt vỡ, đồng thời đảm bảo khoảng cách tối thiểu 0.6m so với đường giao thông. Cây xanh được khuyến khích trồng dưới dạng bồn cây hoặc dây leo nhằm đem lại bóng mát, tuy nhiên đảm bảo không chắn tầm nhìn và cản trở lối đi. Mương thoát nước có nắp đậy được bố trí dọc lối đi và hướng thoát nước phải được thể hiện trên mặt bằng.

Tất cả các yêu cầu trên trong bản vẽ thiết kế được thể hiện dưới một danh sách trước khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng và nộp cho cục Giao thông đường bộ (LTA). Ngoài ra, một bộ hồ sơ hướng dẫn cách thể hiện bản vẽ cũng như các vấn đề liên quan về quy hoạch, kết nối với phương tiện công cộng, vật liệu sử dụng, trợ giúp cho người đi xe lăn… được ấn hành giúp cho các KTS tham khảo trong thiết kế để tránh sai sót.

Tôi, một KTS chuyên vẽ mái che

Công việc đầu tiên mà tôi được giao khi làm việc tại Singapore là vẽ lối đi có mái che cho khu công nghệ cao. Với một KTS trẻ mới vào đời như tôi, với portfolio đủ các đồ án thi thố hoành tráng vài chục ngàn mét vuông, nào là không gian mở, thúc đẩy cộng đồng, gìn giữ truyền thống văn hóa, ứng dụng vật lý kiến trúc hoành tráng… trên giấy, thì đây thực sự là một công việc tẻ nhạt, đơn giản và nhàm chán. Biết sao được, đâu dễ xin việc ở Singapore, và tôi cần việc để… kiếm sống.

Nhưng tôi đã thấy có điều gì đó sai sai với suy nghĩ đó sau buổi họp đầu tiên. Để vẽ một mái che chuẩn, đáp ứng độ dốc tối đa, thoát nước… dựa trên hạ tầng có sẵn, tránh các cột điện, tủ điều khiển trên mặt đất (OG box), không va phải ranh giới khu đất tiếp giáp và đảm bảo độ cao cần thiết… không hề đơn giản. Cũng chẳng có cách nào để tôi có thể “bùa chú” cho đẹp, vì mọi thứ tiêu chuẩn và hướng dẫn phải làm đúng và chính xác theo hướng dẫn. Hơn nữa, có những khúc cong, khúc thẳng, lệch cao độ bất ngờ, thậm chí một tán cây vươn vào cũng phải né hoặc giữ lại. Trò chơi sẽ thử thách hơn khi áp các tiêu chuẩn cho người khuyết tật, nơi nào cần lắp tay vịn, nơi nào cần lắp gạch nổi tactile, và kết nối với cầu vượt bộ hành.

Tôi thực sự “toát mồ hôi hột” khi làm xong dự án đầu tiên. Nó không hề đơn giản như tôi tưởng.

nmtrees10.jpgBố trí dây leo và mảng xanh nhằm tạo cảm giác thiên nhiên và tránh nắng nóng ở dọc lối điy.jpgMột ramp dốc kết hợp mái che. Lưu ý về phần lan can bố trí tay vịn và gạch tactile để đánh dấu vị trí cho người khuyết tật và vỉ thoát nước bên trái. Nguồn: NUS 5-5.jpg6-6.jpg7-6.jpgMột số tiêu chuẩn kích thước cơ bản trong thiết kế lối đi có mái che. Nguồn LTA 8-7.jpgPhần mái nối chống nước mưa văng giữa trạm xe bus và lối đi có mái che 10-5.jpgMột số chi tiết trong bản vẽ lối đi có mái che. Nguồn LTA 9-6.jpgLinkway (trái) và Walkway (Phải)

Một mái nhà chung của toàn xã hội

Tôi luôn nghĩ rằng, lối đi có mái che là một điều hết sức cần thiết với những nước có khí hậu nhiệt đới, nắng nóng và mưa nhiều như Việt Nam chúng ta. Không chỉ mang lại sự tiện lợi, sức khỏe, hệ thống mái che còn kết nối con người với con người. Tại sao chúng ta cần phải bỏ hàng triệu đồng đi tập gym trong những căn phòng đóng kín đầy mùi mồ hôi chạy điều hòa, trong khi đơn giản có thể đi dạo vài km một ngày hít thở không khí trong lành dưới mái che dưới chung cư? Tại sao phải bắt taxi vì ngại đi bộ giữa trời nắng, hay phải đeo khẩu trang và bịt kín mít để bảo vệ làn da? Lối đi có mái che giải quyết tất cả những vấn đề trên.

Hạnh phúc luôn đến từ những điều nhỏ nhất, và chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến một hệ thống tương tự ở các thành phố lớn Việt Nam. Đó thực sự là một kiến trúc vị dân sinh, một mái nhà chung cho toàn xã hội.

KTS. Trình Phương Quân

Hiện đang làm việc tại Singapore

Nguồn tham khảo:

  • HDB Universal Design Guide 2005
  • LTA linkway design guide
  • The Air-conditioned Nation by Cherian George
  • Under One Roof: How The Covered Walkway Conquered Singapore

XEM THÊM

  • Mural at the max – Bức tranh tường cao bằng toà nhà 11 tầng ở New York
  • Kim tự tháp Tirana – Dự án cải tạo công trình mang dấu ấn lịch sử | MVRDV
  • “Garden Footbridge” trên sông Seine: Ý tưởng táo bạo của Vincent Callebaut Architectures

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022