Xưa các cụ kiêng kị cưới nhiều tháng

Nhiều bạn trẻ nghe bố mẹ bởi thực tế và “có kiêng có lành” nên sẽ kiêng kị cưới hỏi vào tháng 7 âm - tháng cô hồn. Bạn Vũ Thị Hoài (Thái Bình) chia sẻ, khi người yêu đòi cưới, bạn cương quyết không đồng ý, với lý do yêu nhau mấy năm còn được, chậm lại 1 tháng để bố mẹ hai bên đỡ lo lắng cho con cái.

Chú rể tương lai Phạm Văn Hải (Vĩnh Phúc) cũng cho biết là người yêu anh cũng không muốn cưới tháng 7 âm, vì các cụ kiêng, kẻo về sau gặp chuyện không may thì hối cũng không làm lại được.

dam-cuoi-an-hoi-15332938952331897954409.jpg

Ảnh minh họa.

Vậy mùa cưới xưa kia các cụ chọn vào tháng nào?

Theo nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến, xưa việc cưới hỏi các cụ chọn những tháng thời tiết khô ráo, không nắng quá, không rét quá, ít mưa gió để mọi việc được thuận lợi, vui vẻ. Vì vậy xưa kia kiêng nhiều tháng:

Kiêng cưới hỏi tháng Giêng vì là tháng Tết, cũng là tháng ăn chơi và ra giêng mọi người còn hội hè, đình đám cả tháng nên không thuận cho việc cưới xin.

Kiêng cưới vào “tháng ba ngày tám” và “tháng tám ngày ba” bởi ngày xưa chỉ có 2 vụ lúa, 2 thời điểm đó là là lúc giáp hạt, đói kém. Lúc đó thóc trong bồ đã hết, lúa ngoài ruộng chưa gặt được, dân không có ăn thì việc cỗ bàn ăn uống đám cưới linh đình là rất khó khăn.

Kiêng cưới vào mùa hè vì nóng nực, thực phẩm nhanh hỏng, người đi ăn cưới cũng vất vả.

Kiêng cưới tháng chạp vì là năm cùng tháng tận không may mắn, lại thường hay rét buốt, không thuận lợi cho việc tổ chức cưới hỏi và đi ăn cưới.

Kiêng cưới tháng 7 là “tháng Ngâu” vì sự tích buồn thảm, sợ vợ chồng trẻ có thể chia ly, mất mát, không hạnh phúc.

Đám cưới xưa tổ chức cao điểm vào mùa thu, mùa xuân, bắt đầu từ tháng 8 khi trời đã vào thu, và kết thúc vào cuối tháng 2 âm lịch với quan niệm cưới mùa thu mát mẻ, cưới mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở. Mùa đông số lượng đám cưới ít hơn, nhưng vẫn được coi là mùa xây tổ ấm.

dam-cuoi-8-15332938951971545968381.jpg

Ảnh minh họa.

Kiêng kị không còn như xưa

Nhà nghiên cứu phong thủy Phạm Quang Tuyến chia sẻ, cuộc sống ngày nay có những kiêng kị không còn phù hợp, nên việc kiêng không cưới tháng Giêng, tháng Chạp, tháng 3 ngày 8… đã bị đẩy lùi.

Việc cưới vào tháng giáp hạt, đói kém không còn đáng lo, bởi giờ nhà nông trồng 3-4 vụ nên đám cưới vẫn tổ chức vào tháng 3 ngày 8. Tháng Giêng vẫn gọi là tháng ăn chơi, nhưng giờ người ta trảy hội quanh năm, nên Tết xong là có đám cưới rồi. Hầu hết đám cưới còn tổ chức vào chủ nhật để thuận tiện cho người đến dự.

dam-cuoi-16-15332938952211072454571.jpg

Ảnh minh họa.

Nhiều nhà tâm linh, nhà văn hóa cũng cho rằng, do đời sống đi lên, hoàn cảnh xã hội khác đi, nhiều người đi làm ăn xa, không có điều kiện tài chính thì họ tổ chức vào mùa cưới để được hưởng nhiều khuyến mãi, ưu đãi… Và dần dà việc cưới tháng 7 âm lịch, tháng cô hồn sẽ không kiêng kị nữa, sẽ chọn ngày lành, giờ đẹp thuận tiện cho cặp uyên ương hợp hôn (đương nhiên là tránh các ngày mưa rả rích (vào ngày 3 ra ngày 7) theo quy luật mưa Ngâu.

Cuộc sống hiện đại ngày nay đang dần đẩy lùi không ít những quan niệm cũ, vì vậy mọi người cần sáng suốt nhìn nhận không nên quá kỹ tính kiêng kị... thành mê tín. Và việc kiêng kị cưới tháng cô hồn chỉ còn là quan niệm dân gian không còn phù hợp, những cảnh khó xử như bị “hỏi han” là “bác sĩ bảo cưới phải không” sẽ không còn nữa.

Theo dự báo khí tượng thủy văn, thời tiết năm nay mưa Ngâu đến sớm hơn 1 tháng, báo hiệu 1 năm mưa lũ bão nhiều. Từ đầu tháng 7 dương lịch (tức tháng 6 âm lịch) thời tiết các miền đều rất xấu, miền Bắc đã có nhiều đợt mưa lớn do áp thấp, áp thấp nhiệt đới, bão nối tiếp nhau. Dự báo tháng 7 âm lịch mưa gió có thể gia tăng và kéo dài cả tháng do ảnh hưởng hiện tượng mưa ngâu…

Các nhà tâm linh khuyên: Đại tiệc cưới thường đông người, phải đi lại nhiều. Vì vậy cô dâu chú rể nên nhờ thầy chọn thời điểm cưới được tháng đẹp, ngày đẹp, giờ đẹp. Không ai biết trước được thời tiết, nhưng dựa vào quy luật tiết khí hàng năm họ sẽ giúp chọn cưới vào tháng ít nắng mưa bão lũ, ít rét buốt. Chọn được thời tiết tương đối đẹp sẽ thuận lợi cho cả cô dâu, chú rể và người đi dự cưới.

Hôn nhân là việc trọng đại, muốn cưới tháng 7 cô dâu chú rể nên cân nhắc thời tiết, tập quán địa phương, tài chính… và xin ý kiến hai bên gia đình. Hạnh phúc là sự nỗ lực vun đắp của cả hai vợ chồng, sau này có vấn đề gì hãy nỗ lực giải quyết, đừng trách móc, đổ lỗi vì cưới vào tháng xấu.

Ngọc Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022