Đến đầu năm 2020, San Francisco đã tạo ra 70 parklet (không gian dừng chân công cộng) ở mọi ngóc ngách của thành phố. Và dự án parklet của thành phố này đã trở thành hình mẫu cho các thành phố trên toàn thế giới. Sau đây là những chia sẻ của nhà thiết kế John Bela – thành viên của Studio Thiết kế và Nghệ thuật Rebar – nhóm tạo ra một trong những parklet đầu tiên trên thế giới ở San Francisco.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-1.jpegDự án parklet của Rebar được triển khai tại quận Mission của San Francisco vào năm 2009

Vào một ngày thu đẹp trời năm 2005, một nhóm bạn và những cộng tác viên từ cộng đồng nghệ thuật Rebar đã cải tạo một bãi đậu xe có kích cỡ 8 foot x 20 foot ở trung tâm thành phố San Francisco. Tác phẩm nghệ thuật đường phố có tính sắp đặt được hoàn thiện trong hai giờ này sau đã trở thành Park(ing) Day – một sự kiện về hoạt động thiết kế và nghệ thuật công cộng toàn cầu được tổ chức hàng năm kể từ đó. Vào năm 2009, Rebar và các xưởng thiết kế khác đã được thành phố San Francisco đặt hàng để tạo ra một nguyên mẫu cho phiên bản dài hạn của Park(ing) Day. Chúng tôi đã tạo ra một trong những parklet (không gian dừng chân công cộng) đầu tiên trên thế giới ở San Francisco (chúng tôi gọi chúng là phiên bản walklet của mình) và thông qua những nỗ lực cần mẫn của Andres Power trong Văn phòng Thị trưởng và Quy hoạch Thành phố, dự án parklet tiên phong của San Francisco đã ra đời.

Đến đầu năm 2020, San Francisco đã tạo ra 70 parklet ở mọi ngóc ngách của thành phố. Và dự án parklet, hiện là một phần của Groundplay SF, đã trở thành hình mẫu cho các thành phố trên toàn thế giới.

Và rồi đại dịch ập đến.

Sau khoảng thời gian đầu của lệnh giãn cách, nhiều thông tin cho rằng nếu có bất cứ điều gì chúng ta có thể làm ngoài trời, chúng ta nên làm ở ngoài trời. Các cộng đồng trên khắp đất nước sau đó bắt đầu tìm đến các không gian ngoài trời, những lối đi công cộng để phục vụ ăn uống ngoài trời, đón và trả khách, tập thể dục, hoạt động xã hội và vui chơi… Các chương trình ăn uống ngoài trời như  City of San Francisco’s Shared Spaces (một không gian ngoài trời cho các hoạt động công cộng và kinh doanh) và City of Oakland’s Slow Streets (một không gian an toàn cho các hoạt động thể chất và các buổi tụ tập) đã được triển khai trên khắp đất nước.

Sự gia tăng của các không gian ăn uống ngoài trời là một điều khiến ta kinh ngạc. Chỉ riêng ở San Francisco, đã có hơn 2.000 không gian ăn uống ngoài trời (chúng không phải là parklet – theo định nghĩa thì parklet là “không gian công cộng”). Trên khắp cả nước, hầu như chỉ trong một đêm, các bãi đậu xe, các con phố bị biến thành những nơi như vậy để phục vụ người dân. Mặc dù nhiều không gian trong số này vẫn bám sát mục đích ban đầu là hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và thực hiện các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng liên quan đến giãn cách xã hội, nhưng giờ đây, có thể nói các không gian đó đã vượt quá chức năng ban đầu của chúng. Hiện nay, nhiều thành phố đang có động thái biến các không gian ăn uống ngoài trời trở thành vĩnh viễn, do tính chất nhanh chóng của việc tạo ra chúng, chỉ một số ít các không gian này sống theo lý tưởng ban đầu của chương trình parklet – để đóng góp một cái gì đó có ý nghĩa cho khu vực công cộng.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-2.jpegMột số khu vực ăn uống ngoài trời trên phố Valencia ở San Francisco

Các cộng đồng trên khắp đất nước đang vật lộn với tương lai cho những không gian ngoài trời có tính tạm thời này. Để giải quyết câu hỏi này, tôi đã trò chuyện với các đồng nghiệp ở Oakland, Seattle, Vancouver và các thành phố khác. Suy nghĩ ban đầu của tôi là theo mặc định – bởi vì những không gian này đã và đang chiếm sự ưu tiên công cộng ở lề đường – kết quả tốt nhất là biến tất cả thành parklet – không gian công cộng có thể được sử dụng trong khoảng thời gian tiêu chuẩn dành cho không gian công của thành phố. 

Parklet, theo định nghĩa thì có thể được sử dụng chung và mở cửa cho tất cả mọi người. Chúng hoạt động tốt nhờ những đặc điểm thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Từ chỗ ngồi thưởng thức đồ ăn mang đi của các cửa hàng liền kề,  một khu đỗ xe đạp hoặc đơn giản hơn, một chỗ ngồi trên một con phố thương mại đông đúc để trò chuyện với bạn bè. Trên thực tế, trong thời kỳ đại dịch, khi nhiều cơ sở hạ tầng xã hội truyền thống trước kia của chúng ta như trường học và thư viện bị đóng cửa, những không gian nhỏ này trở nên quan trọng hơn nhiều. Chúng hỗ trợ những cuộc gặp gỡ bình thường hàng ngày, thứ vốn là cơ sở của sự gắn kết xã hội và xây dựng cộng đồng.

Nhưng, những điều tôi học được trong quá trình trò chuyện với các đồng nghiệp trên khắp đất nước đã dẫn đến sự phát triển trong những suy nghĩ trước kia của tôi và đây là lý do.

Bài học từ “Emerald City”

Lấy cảm hứng từ dự án parklet của San Francisco, các doanh nghiệp ở Seattle bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng các parklet và tiếp cận thành phố vào năm 2011. Seattle có cả dự án parklet và dự án streatery (giống như parklet, streatery là không gian mở có diện tích nhỏ được xây dựng ở bãi đỗ xe). Các parklet ở Seattle cũng giống như ở San Francisco, đó là nơi các nhà tài trợ địa phương thiết kế, xây dựng và duy trì không gian, chính quyền thành phố cấp giấy phép và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế. Mô hình streatery độc đáo ở chỗ, họ cung cấp chỗ ngồi cho các quán cafe thương mại trong giờ làm việc nhưng nó lại trở thành không gian công cộng sau giờ làm việc.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-3.jpegMột nhà hàng ở Seattle kết hợp giữa không gian công cộng và riêng tư

Đúng vậy, đó là một không gian công cộng kết hợp. Tuy nhiên, điều này hoạt động hiệu quả như thế nào trong thực tế? Mọi người có sử dụng các streatery như những parklet sau giờ làm việc không? Thành phố có gặp phải bất kỳ vấn đề nào liên quan đến trách nhiệm pháp lý , hay các thách thức với những hành vi bất hợp pháp diễn ra trong các streatery khi mà không có ai xung quanh để mắt đến khu phố không?

Theo các đồng nghiệp của tôi ở Seattle, sau một cuộc khảo sát rộng rãi trong cộng đồng, họ đã kết luận như sau: Các streatery hoạt động tốt từ khía cạnh phát triển kinh tế và đã đáp ứng được nhu cầu ăn uống ngoài trời của thành phố, tạo ra sự sinh động cho đường phố Seattle. Chúng cũng cung cấp lợi ích trong việc tạo ra các đường phố sôi động, nhộn nhịp với nhiều hoạt động. Mặt khác, các streatery vẫn chưa được công chúng coi là không gian công cộng. Các tiện nghi công cộng và những lời mời sử dụng chúng sau giờ làm việc đã bị hạn chế.

Seattle chia sẻ về vài bài học quan trọng. Thứ nhất, các sân ăn uống ngoài trời riêng, giống như quán ăn, có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng xã hội và tạo ra lợi ích công cộng cho các đường phố sôi động.., an toàn hơn khi chúng tuân thủ tốt các nguyên tắc thiết kế cơ bản. Thứ hai, mô hình không gian kết hợp công cộng/riêng tư nghe có vẻ tốt về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế, đừng mong đợi không gian ăn uống ngoài trời của khu thương mại đang phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu về không gian công cộng, chẳng hạn như không gian tụ tập chung hoặc chỗ ngồi công cộng phi thương mại.

Van-city lên tiếng

Nhưng chúng ta có thể học được gì từ vị Nữ hoàng của vùng Tây Bắc? Là một nền dân chủ xã hội, mọi thứ được quản lý tốt đẹp hơn ở Vancouver, Canada, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thành phố này đang dẫn đầu tất cả về tương lai của không gian công cộng và không gian riêng tư ngoài trời. Các công viên của Vancouver rất khác so với San Francisco hoặc Seattle ở chỗ chúng được thiết kế, tài trợ và xây dựng bởi thành phố. Điều này giúp cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn thiết kế và đảm bảo các parklet chất lượng tốt và đẹp. Nhược điểm là những hạn chế về mặt kinh phí của thành phố và năng lực của nhân viên nên chỉ có một số ít parklet được tạo ra mỗi năm.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-4.jpegMột công viên ở Vancouver

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà hàng và các quán cà phê, Vancouver cũng tạo ra một chương trình patio nhằm phục vụ cho hoạt động ăn uống ngoài trời mang tính thương mại. Trước đại dịch, sáu patio đã được thành phố phê duyệt. Khi đại dịch xảy ra, thành phố đã tạo ra một quy trình cấp phép khẩn cấp tạm thời cho patio. Kể từ ngày 1 tháng 6 năm 2020, thành phố đã phê duyệt hơn 400 patio tạm thời thuộc sở hữu tư nhân và của thành phố.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-5.jpegMột khu vực sân trong của Vancouver được thiết kế để phục vụ ăn uống ngoài trời

Chương trình parklet đạt được những thành công ban đầu, song, ý thức được những trở ngại vốn có của các parklet do thành phố quản lý, chính quyền đã ngừng nhận thêm đơn yêu cầu parklet mới và thay vào đó, tập trung nguồn lực vào chương trình quảng trường pop-up hợp tác với các khu thương mại địa phương. Kết quả là 20 quảng trường được thiết kế vô cùng độc đáo với sự ủng hộ của đông đảo người dân ra đời. Vancouver nhận thấy rằng với khoảng thời gian và tiền bạc tương đương với một parklet, họ có thể tạo ra những không gian quảng trường pop-up rộng rãi và hữu ích hơn nhiều. Sáng kiến thứ hai là một chương trình parklet tập trung vào cộng đồng, được tạo ra với sự hợp tác của các tổ chức dịch vụ xã hội ở các khu vực lân cận mà không được phục vụ như Downtown Eastside. Các parklet này được thành phố thiết kế và xây dựng, đồng thời được thiết lập và quản lý với một đối tác cộng đồng tận tâm để cung cấp các chương trình như phòng khám sức khỏe và các điểm tiêm chủng an toàn.

Điều này có nghĩa là với tư cách là một công dân của Vancouver khi di chuyển trên các con đường của thành phố, bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Bạn có thể chọn trả tiền để có chỗ ngồi và trải nghiệm sự náo nhiệt và sôi động của bữa ăn thương mại ngoài trời diễn ra tại một trong 400 patio của thành phố, hoặc bạn có thể đi bộ xa hơn một chút xuống phố và dạo chơi tại những chỗ ngồi công cộng miễn phí trong những quảng trường pop-up hoặc một parklet do thành phố tài trợ.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-7.jpegMột trong 20 quảng trường tại Vancouver cung cấp chỗ ngồi công cộng, bóng râm, bãi đậu xe đạp và các hoạt động công cộng

Theo quan điểm của tôi, đây là sự cân bằng giữa việc sử dụng làn đường cả về mặt công cộng lẫn tư nhân trong phạm vi ưu tiên công chúng. Tất cả chúng ta đều muốn các khu thương mại phát triển mạnh mẽ, sôi động về kinh tế VÀ chúng ta muốn đầu tư một cách có ý nghĩa vào các không gian công cộng chất lượng cao đồng thời đảm bảo các không gian công cộng ở khu dân cư của ta cũng được duy trì tốt. Vai trò của chính quyền thành phố Vancouver giống như là trọng tài – đảm bảo rằng trong bất kỳ khu phố hoặc khu thương mại cụ thể nào đều có các lựa chọn chỗ ngồi công cộng và tư nhân.

Kết quả

Vì vậy, trong khi quan điểm ban đầu của tôi là khu vực ăn uống ngoài trời nên được thiết kế lại và chuyển đổi thành các parklet công cộng, giờ đây tôi thấy vai trò mạnh mẽ và quan trọng mà các patio được thiết kế đẹp có thể đóng góp vào sự sinh động cho xã hội và kinh tế trên các đường phố của chúng ta. Điều tôi không ủng hộ là cố gắng buộc những khoảng trống ở lề đường nhỏ này trở thành tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người. Việc cố gắng tạo ra các patio thương mại có chỗ ngồi công cộng hoặc các yêu cầu sử dụng công cộng vừa làm giảm khả năng phục vụ mục đích thương mại chính của chúng vừa mang tới những tín hiệu khó hiểu cho công chúng.

Tôi cũng không ủng hộ việc tiếp tục cho phép sử dụng miễn phí làn dành cho lề đường đã xảy ra trong thời kỳ đại dịch và dẫn đến sự gia tăng của các khu vực ăn uống ngoài trời thương mại chất lượng thấp, thiết kế kém và tiềm ẩn nguy hiểm. Nhiều không gian trong số này có cảm giác mờ đục và ngột ngạt, cản trở việc tiếp cận trực quan đến cửa hàng bán lẻ ở tầng trệt và cản trở vỉa hè thành phố.

Các doanh nghiệp muốn sử dụng không gian lề đường để kinh doanh ăn uống ngoài trời phải nhận ra lợi ích trước mắt của việc sử dụng quyền ưu tiên công cộng cho doanh nghiệp của họ và đền bù cho các thành phố về việc sử dụng không gian này. Bằng cách định giá lề đường phù hợp, các thành phố có thể tạo ra doanh thu để hỗ trợ và đầu tư vào việc cải thiện khu vực công cộng và nhân viên thành phố dành thời gian quản lý các chương trình không gian ngoài trời của họ. Ngoài ra, các patio phải tuân thủ các nguyên tắc thiết kế cơ bản như chiều cao tối đa 42 inch cho phần rào bao quanh, 50 phần trăm tường trong suốt; và có kết nối trực tiếp, dễ tiếp cận với vỉa hè liền kề để tạo ra lợi ích công cộng cho những đường phố sôi động.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-8.jpegKhu vực ăn uống ngoài trời được thiết kế bằng vật liệu đơn giản bởi nhà thiết kế Léa Saito cho nhà hàng Nhật Bản ở quận Mission, San Franciscokienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-9.jpegKhu vực ăn uống ngoài trời được thiết kế bởi Cotogna ở quảng trường Jackson của San Francisco

Với doanh thu được tạo ra từ phí cấp phép sử dụng patio ăn uống ngoài trời thương mại, các thành phố sau đó có thể đầu tư vào các parklet và quảng trường pop-up để có thể tiếp tục hoàn thành vai trò quan trọng cho các cuộc gặp gỡ xã hội hàng ngày, không chính thức, tạo cơ sở cho sự liên kết xã hội và gắn kết cộng đồng. Các parklet và quảng trường pop-up hoạt động tốt khi có một nhà tài trợ hoặc người quản lý tận tâm – như một tổ chức cộng đồng hoặc một nhà tài trợ có mô hình kinh doanh mang đi như cửa hàng kem hoặc quán cà phê – người chịu trách nhiệm bảo trì hàng ngày và thiết lập không gian. Không gian công cộng là một động từ, không phải là một đối tượng tĩnh. Không gian công cộng phải được vun đắp và duy trì để sinh sôi và phát triển sao cho chúng có thể đóng góp một cách có ý nghĩa nhất vào cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố và một khu vực công cộng đa dạng, bao trùm, có khả năng phục hồi.

Kiến trúc sư cảnh quan và nhà thiết kế đô thị có một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của việc sử dụng không gian ngoài trời. Là người nâng cao chất lượng thiết kế, chúng tôi có thể đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo của các sân ăn uống ngoài trời thương mại được thiết kế tốt và góp phần tạo nên một khu vực công cộng sôi động và chất lượng cao.

Với tư cách là người quản lý không gian công cộng và khu vực công cộng, chúng tôi có thể đảm bảo rằng trong bất kỳ khu phố hoặc khu thương mại nhất định nào, đều có những không gian công cộng được thiết kế đẹp mắt, với chỗ ngồi công cộng rộng rãi để đưa tới lời mời cho tất cả người dân thành phố giao lưu và dành thời gian cùng nhau.

kienviet-khong-gian-duong-pho-thoi-dai-dich-benh-10.jpegJohn Bela tại khu vực ăn uống ngoài trời do Cotogna thiết kế ở quảng trường Jackson của San Francisco

Bài báo này ban đầu được xuất bản trên The Dirt.

Dịch: Hiếu Nghĩa | Nguồn: Archdaily

XEM THÊM

  • Top 10 tác phẩm sắp đặt của năm 2021 lựa chọn bởi Dezeen
  • Thành phố Radiant: Tính cấp tiến trong quy hoạch đô thị của Le Corbusier
  • Bài học từ Copenhagen: Tập trung vào những điều đơn giản mỗi ngày
Bình luận từ Facebook

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022