Căn phòng 15 m2 của cô đã có hơn hai chục loại cây, từ trầu bà, dương xỉ đến thường xuân, thiên môn. "Mẹ bảo phòng em như rừng Amazon", cô sinh viên 20 tuổi chia sẻ. Số cây của Thu Anh có thể gây "sốc" với gia đình cô nhưng chưa phải là nhiều nếu so với những người "nghiện cây" khác.

Ở Cầu Giấy, góc vườn của Nguyễn Thị Minh Ngọc, 29 tuổi, có hơn 70 loại cây. Còn trong căn nhà ba tầng ở quận Ba Đình, Đinh Hoàng Giang không đếm nổi số cây của mình, dù mới chuyển về một năm và mỗi sàn rộng gần 40 m2. "Mình trồng cây nào là cây đấy đẻ nhiều. Sân tầng ba giờ không còn đủ chỗ, mình phải mang lên cả tầng thượng", chàng trai làm kinh doanh tự do, sinh năm 1996 cho biết.

Tương tự ở Sài Gòn, vợ chồng nữ họa sĩ Trần Việt Tú phủ xanh căn hộ 100 m2 với hơn 300 loài cây và tự gọi chỗ ở của mình là "rừng phố".

Hiện nay, trồng cây trong nhà đang là xu hướng được giới trẻ ủng hộ. Nhiều người thậm chí nâng cấp xu hướng này thành "đưa rừng về phố". Trên mạng xã hội, các hội nhóm quy tụ những người có chung đam mê này nở rộ và thường có số lượng thành viên từ hàng chục nghìn đến vài trăm nghìn.

image-6487327-1-down-1639-1634020483.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Uz4BgjJZBbqZZ-i5MQzfbQ

Sau một năm chuyển về quận Ba Đình, Đinh Hoàng Giang phủ xanh căn nhà với nhiều loại cây như lưỡi hổ, trầu bà, kim tiền, kim ngân, búp đa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chủ một tiệm cây xanh trên đường Kim Mã tiết lộ doanh số đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, dù Hà Nội vừa trải qua đợt giãn cách hai tháng. Một cửa hàng chậu cây tại đường Vũ Trọng Phụng thậm chí hết hàng nhiều sản phẩm, đang chờ nhập lô mới về.

Nguyễn Xuân Huynh, nhân viên một vườn cây trên đường Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) cho biết khách hàng hầu hết là người trẻ khoảng 20-30 tuổi. Dù không thống kê cụ thể, cơ sở này dễ dàng nhận ra nhu cầu tăng rõ rệt, đặc biệt từ năm ngoái đến nay, 5 nhân viên phải thay nhau trực fanpage 24/7 vì "lúc nào cũng có người hỏi mua cây". "Ngay cả số cây gửi vườn chăm dưỡng cũng lên tới hàng trăm dù vườn của chúng tôi khá bé", Huynh tiết lộ.

244408020-424880819053973-6456-8589-5112-1634020483.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0rcxggugjNJldbKUUwoMiA

"Rừng phố" trong căn hộ của vợ chồng họa sĩ Trần Việt Tú giúp họ tĩnh tại ngay cả khi không thể ra ngoài do Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trên thế giới, trồng cây xanh trong nhà cũng được thế hệ Y (sinh ra trong thập niên 80 và đầu 90) hưởng ứng. Theo bài báo trên HuffPost tháng 4/2021, năm ngoái, người Mỹ chi hơn 52,3 tỷ USD cho mục đích làm vườn, một phần tư số này là người 18-34 tuổi. Bài báo này cũng chỉ ra từ năm 2014, thế hệ Y là nhóm chi nhiều tiền mua cây cối nhất ở Mỹ.

Giới trẻ "nghiện" cây vì nhiều lý do khác nhau.

Hoàng Giang và Minh Ngọc kế thừa tình yêu cây cối từ gia đình nên với họ, việc có một góc cây riêng là điều rất tự nhiên. Họa sĩ Trần Việt Tú thì muốn "đưa thiên nhiên vào từng ngõ ngách đời sống", điều không dễ khi sống trong thành thị. Nguyễn Thu Anh lại bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, thích có nhà đầy cây xanh như những bức ảnh trên Internet.

Tình yêu đối với cây cối của giới trẻ còn liên quan đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra cây cối giúp con người giảm stress và lo âu, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ, đẩy cao hiệu suất làm việc, khơi nguồn sáng tạo. Việc chăm sóc cây xanh cũng đem tới niềm vui như lúc đạt được thành tựu nào đó cho người trẻ tuổi. Giữa bối cảnh xã hội phát triển kéo theo nhiều căng thẳng, những lợi ích này của cây xanh càng trở nên quan trọng.

"Mỗi lúc mệt mỏi, chỉ cần ngắm, tìm hiểu và chăm cây là mình yên bình. Mọi người tìm đến thiền thì mình tìm đến cây", Hoàng Giang bày tỏ.

"Chăm cây cũng là chăm mình. Cây dạy mình rất nhiều bài học về phát triển, yêu thương bản thân", Minh Ngọc nói. Nhờ cây, cô thấy mình biết cân bằng cảm xúc, kiên nhẫn, nữ tính hơn đồng thời thêm động lực trong cuộc sống.

Những đợt giãn cách xã hội không thể ngoài, vợ chồng Việt Tú vẫn được gần gũi thiên nhiên và tĩnh tại, thoải mái như đi nghỉ dưỡng. Ngay cả Thu Anh, dù xuất phát điểm là chạy theo trào lưu nhưng cũng dần nhận ra cây cối xua tan sự cô đơn.

"Trải qua một thời gian được tiếp xúc với thiên nhiên, họ cảm nhận được sự kết nối mật thiết giữa mình và cây cối nên thực sự yêu thích chứ không còn chạy theo hình thức nữa", Xuân Huynh, nhân viên vườn cây, nhận định về các khách hàng.

img-6839-jpg-1634006465-4411-1634020484.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wlWAM4xJL9tLlQpNESmmKA

Minh Ngọc trồng hơn 70 loại cây trong nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cây xanh mang đến nhiều lợi ích nhưng trước khi mang cây về nhà, gia chủ cần cân nhắc kỹ càng, một số kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất cảnh báo.

Theo kiến trúc sư Hà Đức Cương (Hà Nội), gia chủ không nên bày quá nhiều cây trước các ô cửa bởi như vậy có thể làm giảm khả năng thông gió của công trình mà nhà ở rất cần thông gió tự nhiên.

Với căn hộ, nhà thiết kế Nguyễn Quân (Nha Trang) lưu ý gia chủ cẩn thận khi tưới cây bởi nước có thể thấm xuống tầng dưới hoặc ngưng tụ hơi nước, lâu ngày cũng dẫn đến thấm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ông Quân nhấn mạnh gia chủ cần chọn loại cây phù hợp, xem xét môi trường sống của cây và sẵn sàng dành thời gian chăm sóc chúng. "Một số người chi hàng chục triệu đồng sắm cây nhưng sau đó bỏ mặc, khiến chúng chết", chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm.

Khi phù hợp với lối sống và trở thành đam mê của gia chủ, việc trồng cây sẽ trở nên đơn giản và ý nghĩa hơn. Hoàng Giang chẳng ngại dành 30 phút đến một tiếng chăm cây mỗi ngày. Mùa hè, cậu lợp mái che cho sân đỡ nắng gắt, đến mùa đông thì cất đi để cây tiếp xúc với ánh mặt trời.

Minh Ngọc thì tranh thủ 10-15 phút trước khi đi làm lên ngắm và tưới, phun sương, cho cây nghe nhạc. Cuối tuần, cô lau lá, thay chậu, làm trụ và sắp xếp vườn. "Mình chưa bao giờ tính thời gian làm vườn vì lúc chăm cây cảm giác như đang thiền, mình quên hết mọi thứ xung quanh và chỉ tập trung vào bản thân và cây cối lúc đó thôi", Ngọc bộc bạch.

Liệu "nghiện" cây có phải xu hướng đến rồi đi? Xuân Huynh cho rằng câu trả lời là không. "Giới trẻ ngày nay đã nhận ra nếu không biết bảo tồn và nuôi dưỡng thiên nhiên thì người chịu ảnh hưởng chính là mình cùng con cái", chàng trai phân tích.

Chung suy nghĩ ấy, Việt Tú đang ấp ủ kế hoạch làm một farmhouse gần Đà Lạt. Minh Ngọc tiết lộ "chắc chắn sẽ tăng thêm cây cho khu rừng trong nhà" còn Hoàng Giang muốn tiếp tục chăm vườn thật tốt để lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh. Thấy cậu trồng cây, hàng xóm cũng làm một khu vườn khiến con ngõ thêm xanh mát.

Trong khi đó, Thu Anh đặt mục tiêu chăm cây thật tốt để cây nào cũng khỏe mạnh. Ban đầu, cô hay quên tưới cây, đến khi lá rũ xuống mới giật mình. Gần đây, cô đã nhớ kiểm tra cây mỗi ngày và di chuyển vị trí sao cho mỗi loại đều nhận đủ ánh sáng, gió trời theo nhu cầu của chúng.

"Cây khiến em hạnh phúc nên em cũng muốn làm cây hạnh phúc", Thu Anh nói.

Minh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022