Dẫn nhập:
Sự thiếu vắng hình ảnh những con sư tử hung hãn, ghê gớm trong mỹ thuật Việt, không có nghĩa là không có những hình tượng gớm ghiếc, dữ dội trong mỹ thuật cổ truyền. Dân tộc Việt cũng là một dân tộc có đời sống tâm linh sâu sắc. Sư tử, hổ, báo, quả là đáng sợ, nhưng đó là cái sợ mang tính sinh học. Người Việt có một nỗi sợ hãi tâm linh, mà trong thế giới tâm linh thì đó phải là ma quỷ. Cũng tương tự như thế, con sư tử trong mỹ thuật Chăm Pa có dáng vẻ vui nhộn hơn là hung ác. Kala hay Kalamukha mới chính là đồ án khủng kiếp nhất trong mỹ thuật Chăm. Đồ án này cũng ảnh hưởng tới mỹ thuật Đại Việt. Trên giáp phục tượng hộ pháp ở chùa Phật Tích, Long Đọ, trên các thành sập đá đền vua Đinh, vua Lê đều có hình ảnh của con quỷ khủng khiếp này. Cuối thời Lê Trung Hưng, sang tới thời Nguyễn, hình ảnh quỷ La Hầu (Rahu) được phổ biến trên tất cả các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu, trên vô số các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, nó xuất hiện từ không gian cung đình cho đến nhà dân. Có lẽ tới đây, ta có thể nói rằng, sự thiếu vắng hình tượng sư tử hăm dọa, hung hãn trong mỹ thuật Việt bắt nguồn từ đời sống tâm linh của người Việt từ rất lâu chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ.
Vị trí của đồ án Rahu/ Long hàm chữ Thọ ở trang trí kiến trúc đền vua Đinh
Những ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ tới Việt Nam chủ yếu là con đường từ Nam ra Bắc. Những ảnh hưởng của các quốc gia Ấn Độ hóa như Ốc Eo, Chăm Pa tới Đại Việt đã được khẳng định trong những hiện vật khảo cổ và những di vật hiện tồn đã tạo nên một phần diện mạo quan trọng của mỹ thuật Lý, Trần. Nhưng dường như những ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ đã dừng lại sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn thường bị coi là một bản sao Trung Hoa ở Đông Nam Á. Vậy mà dấu ấn của văn hóa Ấn Độ dường như vẫn tiếp tục ảnh hưởng âm thầm tới mỹ thuật cung đình thời Nguyễn. Việc phân tích đồ án Rahu sẽ làm rõ hơn điều này. Trong những bản kinh tối cổ Puranas đã mô tả khá kỹ Rahu và Ketu. Khi các chư thần đang khuấy sữa trường sinh, con quỷ Rahu chà trộn vào thế giới thần linh để uống trộm thứ nước thần này. Mặt trời và mặt trăng nhìn thấy liền báo với thần Vishnu. Thần Vishnu nổi giận: Ông ngay lập tức cắt đầu của Rahu từ cơ thể của nó với sự trợ giúp của vũ khí Sudershan Chakra của mình. Nhưng vì Rahu đã kịp nuốt sữa trường sinh vào trong miệng nên nó thoát chết, mặc dù đã mất một phần cơ thể. Kể từ đó, nó không bao giờ tha thứ cho mặt trời và mặt trăng, nên thỉnh thoảng lại nuốt chửng chúng, tạo nên nhật thực và nguyệt thực. Nhưng vì đã bị chặt mất nửa thân nên Rahu không thể giữ được mặt trời và mặt trăng trong người mình. Cho nên không bao lâu sau, chúng ( mặt trời, mặt trặng) lại thoát ra được.[ Bhojraj Dwivedi (2002), Hindu-traditions & Beliefs: A Scientific Validity : Question-answers, Diamond Pocket Books (P) Ltd,. tr.28] Đó là những điều giải thích thân thể chỉ còn đầu và hai chi trước của Rahu. Tử vi chiêm tinh, lịch pháp Trung Hoa chịu ảnh hưởng từ chiêm tinh học Ấn Độ. Các sao xấu La Hầu, hay Kế Đô vốn là Rahu và Ketu đã có từ sớm trong kinh điển Ấn Độ giáo.Trong chiêm tinh học Vệ Đà, Rahu được xem như là một a-tu-la/asura, nó kiểm soát sự hỗn loạn, sự bí ẩn và xấu xa trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. Nó liên quan đến thế giới vật chất hiện hữu và dục vọng thế gian, cũng như sự ngẫu nhiên, phát triển vượt tầm kiểm soát do không hiểu biết hay vô ý. Rahu là một biểu tượng kép, trước hết nó liên quan đến sự lừa dối, tham lam, giận dữ. Nhưng vì uống trộm thuốc trường sinh bất tử nên, Rahu cũng được coi là thần của may mắn, tiếng tăm, uy tín và quyền lực, sự thịnh vượng và tri thức tối thượng. Trong quan niệm của Phật giáo ở Thái Lan, Phra Rahu Rahu được thờ phụng như một sức mạnh siêu nhiên tiêu trừ ác độ, bảo vệ Phật pháp. Tín ngưỡng này liên quan đến một nội dung kinh Phật trong tiếng Pali, khi Rahu tấn công Chandra – thần Mặt trăng và Suriya – thần Mặt trời, đức Phật xuất hiện buộc Rahu phải nhả họ ra. Rahu khi phiên âm ra tiếng Hán gọi là La Hầu, Ketu gọi là Kế Đô, đều là những ngôi sao cực xấu trong chiêm tinh học. Nhưng trong văn hóa Phật giáo, ở các ngôi chùa Thái Lan hay Khmer (Rìa hu theo cách gọi ở Sóc Trăng, Việt Nam) ta thường thấy hình ảnh một con quỷ hai tay đang banh mồm như cố nuốt một vật gì đó – đó chính là quỷ Rahu. Về thời điểm xuất hiện của hình tượng Rahu trong mỹ thuật Đại Việt có thể phỏng đoán vào cuối thế kỷ XVIII, đi từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài. Hiện tại, cách gọi phổ biến là Long hàm thọ, Hổ phù, mặt nạ. Đồ án Long hàm thọ là cách gọi bắt nguồn từ hình ảnh đầu một con rồng đang há miệng ngậm lấy chữ Thọ.
Hình minh họa Hổ phù trong sách của Henri Oger
John Dowson(1870) nhắc cho chúng ta biết hình dạng quái vật đầu rồng, có bốn tay và kết thúc bằng một cái đuôi của Rahu. Sau khi bị cắt đứt thân thể, hình ảnh tiêu biểu của nó là một cái đầu rồng (dragon head) với hai tay, phần còn lại sau cơn thịnh nộ của Vishnu [A Classical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography, tr.252-253]. Huỳnh Thị Được có cùng với cách miêu tả đầu rồng của quỷ Rahu: Rahu-thần nhật thực và nguyệt thực. Rahu là một điểm nổi bật trong chiêm tinh học, dần dần được nhân hóa thành một vị thần, là nguyên nhân của hiện tượng nhật thực và nguyệt thực và là người điều khiển hiện tượng sao băng. Thần được khắc họa như một con quái vật thỉnh thoảng nuốt mặt trời và mặt trăng, gây nên hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Rahu có chiếc đầu rồng và chiếc đuôi giống như sao chổi.[ Huỳnh Thị Được (2006), Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, Nxb Đà Nẵng] Hình ảnh Rahu ở Việt Nam với hình ảnh long hàm chữ thọ là một sáng tạo riêng của người Việt. Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, trong mỹ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản, Triều Tiên không có kiểu thức rồng ngậm chữ Thọ mà chỉ có kiểu rồng vờn chữ Thọ. Và ngay cả trong mỹ thuật Đại Việt, từ Lê Sơ trở về trước cũng không có dạng đồ án này. Trong nghệ thuật Chăm Pa quỷ Rahu không phải là hình ảnh phổ biến và cũng không có dạng thức này. Với ý nghĩa uống được thuốc trường sinh bất tử nên Rahu trong nghệ thuật Việt đã thêm chữ Thọ đang bị nuốt nửa chửng. Đồ án Rahu với tên gọi long hàm thọ đã được chính thức cung đình hóa, sử dụng phổ biến trên trán bia, trên đầu hồi điện Thái Hòa, điện Ngưng Hy. Có một nghịch lý là đồ án Rahu được sử dụng phổ biến, rộng khắp từ Nam ra Bắc nhưng vấn đề danh xưng, nguồn gốc và ý nghĩa biểu tượng của nó ít được bàn luận thấu đáo. L. Caddièr có lẽ là người đầu tiên lý giải đồ án này trong khảo luận của mình về hoa văn cung đình Huế. Đôi khi cũng nhìn từ chính diện, nhưng chỉ thấy đầu và hai chân trước hình cung; ấy là “mặt rồng” hay “mặt nả ” (mặt của nả) (Bản in CXXXVI, CXXXVII). Kiểu này thường thấy ở các đầu xông tam giác, ở các chùa Việt Nam hoặc ở các cung điện, đồng thời với dơi ở các mặt tiền bia đá, ở trung tâm của mặt trước của một khung, làm chân tủ V.V... Đôi khi cũng nhìn từ chính diện, nhưng trên đầu có chữ Vương (vua), hoặc chữ 'nhâm” (lớn) và ở đây chỉ là những vết nhăn kiểu-thức-hóa Rồng cũng ngậm trong miệng chữ “thọ” (sự sống lâu) kiểu-thức-hóa và thường thu hẹp bằng phân nửa hình chữ nhật, góc bẻ xuống, có văn đường đối xứng (Bản in CXXXVIII). Hình này gọi là “con rồng ăn chữ thọ’. Đương nhiên, đây là một dấu hiệu bảo đảm cho điềm tốt lành, đồng thời chúc sống lâu. Trong cách gọi truyền thống, quỷ Rahu thường được gọi là Hổ phù: Hổ phù (Rahu) là một con quỷ nuốt mặt trời, gây ra nhật thực. Người Ấn Độ gọi là Kâla, vừa là vừa sư tử vừa là quái vật biển. Còn ở Trung Hoa nó được biến dạng từ con thao thiết, một con quái vật ăn thịt người, hình thù vừa giống con cừu đực vừa giống con cú, có mặt rất sớm trên hoa văn đồ đồng nhà Hạ nhà Chu. Thao thiết mà người Ấn Độ gọi là Kâla – Mukkha cũng như hổ phù là những quái vật hình thù khủng khiếp, thường không có hàm dưới. Nguyễn Du Chi (2003), Hoa văn Việt Nam, Nxb Mỹ thuật Cách gọi này tiếp tục được thể hiện trong Giáo trình Mỹ thuật cổ truyền người Việt: Hổ phù là linh vật bao giờ cũng được nhìn chính diện, có mắt quỉ tròn mũi sư tử, miệng nhe, răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm nở rộng ngậm mặt trăng hay chữ thọ, chữ hỷ, cũng có khi phun ra bông hoa. Hổ phù có hai chân bành ra hai bên bám chặt vào những đám mây, hoặc một kết cấu nào đó. Nhìn chung chủ nhân của hổ phù thường tạc chúng với các bộ phận như hằn khối để biểu hiện sự hung dữ và sức mạnh. Sự tích về hổ phù được nhắc tới trong câu chuyện "khuấy biển sữa" [......] Khi các thẩn đang uống có một con quỉ đã đứng lẫn vào hàng ngũ thần, nó vừa nốc xong một ngụm, thì thần mặt trời, mặt trăng phát hiện, mách với Vishnu. Thần đã rút kiếm chặt quỉ làm đôi. Do đã uống được thuốc trường sinh nên quỉ không chết, các thần phải cho quỉ lên trời thành sao hổ phù và kế đô. [Sđd, tr.318] Cách gọi hổ phù hiện nay chưa thực sự chuẩn xác trên tiêu chí khoa học [1] . Trước hết, hổ phù là một loại tín phù có nguồn gốc Trung Hoa, không liên quan gì đến con quỷ Rahu trong thần thoại Ấn Độ. Hổ phù là dạng quân phù do hoàng đế Trung Hoa cấp cho các tướng lĩnh dùng để điều binh. Hình dạng hình hổ (toàn thân), chia làm hai mảnh thường là bằng thanh đồng và vàng. Chỉ khi hai mảnh giáp lại đúng hình một con hổ thì quân lệnh mới có hiệu lực. Ý nghĩa của từ ‘phù hợp’ có căn nguyên này [2] . Trong lịch sử Trung Hoa, theo các thời đại, loại tín phù này cũng thay đổi hình dạng, thời Tần, Hán về trước là hình hổ, thời Tùy hình Kỳ lân, thời Đường hình cá, thời Nam Tống, thời Nguyên, Minh trở lại hình hổ. Sử ký toàn thư nhắc đến việc tháng 11 năm Đinh Mùi 1427 Lê Lợi đã trả lại hổ phù của An Viễn hầu Liễu Thăng cho nhà Minh : Theo Quý Sùng Kiến (1991) trong cuốn Trang trí hoa văn đồ đồng đời Thương, đồ án mặt thú chiếm số lượng tối đa. Trong đó, trang trí hình hổ (虎纹, hổ văn) là một loại trọng yếu, có thể chia làm hai loại: - Hình hổ nhìn chính diện - Hình hổ nhìn nghiêng Quý Sùng Kiên dùng chữ hổ văn chỉ chung dạng đồ án này mà không gọi là hổ phù. Trong hệ thống đồ phong thủy Trung Hoa, dân gian cũng thường gọi đồ án hình đầu hổ trán gắn bát quái đồ là hổ phù, đôi mắt hung tợn và những chiếc nanh sắc nhọn cắn chặt một thanh gươm mang ý nghĩa ghê gớm của sự tiêu diệt các tà khí. Thực ra đó là con Bệ Ngạn ( 狴犴), một trong chín đứa con của rồng trong thuyết Long sinh cửu tử. Đặc điểm của đồ án này là hình dạng đầu hổ, mắt trợn, nanh nhe, miệng há trông rất hung dữ. Xưa kia trước công đường, hay chốn ngục tù thường có đắp nổi hình này. Dạng đồ án này chưa từng xuất hiện trong hệ thống các di tích mỹ thuật cổ truyền của người Việt. Đồ án Rahu xuất hiện ở đền vua Đinh, vua Lê đều là các hạng mục thời Nguyễn ví dụ trên các mảng chạm chân tảng ở đền vua Đinh hay ở các đầu hồi, cột biểu, thậm chí trên cả một chiếc sập đá đền vua Lê do người thợ khắc Nguyễn Văn Tiễn cung tiến. Một trong những dạng thức độc đáo của đồ án quỷ Rahu thời Nguyễn là con quỷ này hóa thành một bông sen cũng thấy ở chân tảng và cột nanh biểu đền vua Đinh. Thật không khó để nhận ra nguồn gốc Ấn Độ trong hình ảnh của đồ án Long hàm thọ, nhưng lý giải sự xuất hiện của nó thì không đơn giản. Có hai lý do chính để giải thích sự xuất hiện và biến thể của đồ án Rahu trong mỹ thuật thời Nguyễn. Một là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã phải phiêu bạt và lưu vong ở đất Chân Lạp, Xiêm. Trong khoảng thời gian từ 1784-1787, Nguyễn Ánh phải ăn nhờ ở đậu ở Băng Cốc, có thế những hình ảnh các ngôi chùa Thái Lan đã in sâu vào tâm trí ông. Những ảnh hưởng văn hóa Chân Lạp và Xiêm chắc không hề ít với một vị vua lưu vong. Hai là cộng đồng dân tộc Khmer sống xen kẽ với người Việt. Văn hóa Khmer chắc chắn đã có tác động tới những người Việt vượt sông Gianh vào Nam lập nghiệp. Trong các ngôi chùa Khmer hình ảnh Rahu khá phổ biến. Người Khmer gọi Rahu là Rìa-hu và thêu dệt sáng tạo thêm nhiều giai thoại, sự tích về hình ảnh con quỷ nuốt cả mặt trời mặt trăng này. Hiện nay, đồ án Rahu trang trí trên cổng vảo chùa Khmer ở Sóc Trăng. *** Nếu nhìn từ góc độ sử liệu, chúng ta thấy mối quan hệ và sự lệ thuộc chính trị của Đại Việt trong suốt các triều đại phong kiến. Với địa vị chư hầu của thiên triều Trung Hoa, Đại Việt thường xuyên phải thực hiện nghĩa vụ triều cống. Các kinh đô mà các sứ thần Đại Việt thăm viếng nhiều nhất là Trung Hoa. Thực tế là dấu chân sứ thần Việt Nam đã in dấu trên các bậc thềm cung điện Yên Kinh, Khai Phong ( Tống), Đại Đô ( Nguyên), Bắc Bình ( Minh), Bắc Kinh ( Thanh). Ngay từ khi giành được độc lập, hai triều đại Đinh và Tiền Lê đã liên tiếp tổ chức các hoạt động ngoại giao với thiên triều Trung Hoa . Điều đó lý giải hiện tượng tên gọi các công trình kiến trúc cung điện các triều đại Việt Nam thường sao chép tên gọi các cung điện Trung Hoa. Nhưng đó chỉ là tên gọi cho những diện mạo kiến trúc phi Hoa hay không thì các chứng tích khảo cổ những năm gần đây ở Hoàng Thành đã xác nhận: có rất nhiều các chi tiết trang trí kiến trúc, kiểu thức cung điện không có trong văn hóa Trung Hoa!. Có một thực tế lịch sử khác là tuyệt đại đa số các ông vua Việt Nam không đến thăm viếng các cung điện Trung Hoa. Trái lại, chính trong những lần bình Chiêm, các vị hoàng đế Đại Việt từ Lê Hoàn, Lý Thánh Tông, vua Trần Duệ Tông, Lê Thánh Tông đã có những chuyến khảo sát bất đắc dĩ cung điện đền tháp theo phong cách Ấn Độ giáo. Đây chính là lý do quan trọng dẫn đến việc sau mỗi lần chiến thắng, các ông vua Đại Việt đã bắt về rất nhiều thợ Chăm để phục vụ các công trình hoàng gia. Cũng như thế khi Gia Long có những tháng ngày ăn chực nằm chờ ở Xiêm đã dẫn đến những kiểu thức Khmer Thái trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm Huế.
Rahu ở Hiền nhân môn
Rahu tại Paris
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số VIII1.3-2012.01 Tác giả: Họa sỹ Trần Hậu Yên Thế Tài liệu tham khảo 1. Jeannine Auboyer (1995), Mỹ thuật châu Á quy pháp tạo hình, phong cách, Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Thiếu Hương dịch, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 2. Trần Lâm Biền (2000), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 3. Đinh Hồng Hải (2012), Những biểu tượng đặc trưng trong văn hoá truyền thống Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội. Kiều Thu Hoạch (2014), “Văn hóa Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Quốc”, Tạp chí Văn hóa học, (13), tr. 3-20. 4. Bhojraj Dwivedi (2002), Hindu-traditions & Beliefs: A Scientific Validity : Question-answers ( Hỏi đáp về Hindu giáo cổ truyền và Đức tin: giá trị hiệu lực của khoa học), Diamond Pocket Books (P), Ltd. 5. John Dowson (1870), A Classical Dictionary of Hindu Mythology and Religion, Geography (Từ điển Thần thoại và Tín ngưỡng Hindu giáo), History, and Literature, Trübner & Company, the New York Public Library CHÚ THÍCH [1] Trong cuốn Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, tập 1, ở trang 107, nhóm tác giả giải thích “văn thao thiết” trên đồ đồng thường được gọi là “mặt hổ phù”. Nhưng sách chưa giải thích vì sao lại có cách gọi trong giới nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam như vậy. [1] Chữ phù hợp được Đào Duy Anh giải thích trong cuốn Hán Việt từ điển, theo GS. Kiều Thu Hoạch, giải thích như vậy thể hiện kiến văn rất quảng bác của giáo sư Đào Duy Anh. [1] Theo Toàn Thư: Ngày 29, sai sứ sang trình bày với nhà Minh. Trước đó, vua đã lập Trần Cảo. Hồi tháng 8, đã sai sứ sang cầu phong. Đến đây, lấy Hàn lâm đãi chế Lê Thiếu Dĩnh [...], Chủ thư sứ Lê cảnh Quang đều làm Thẩm hình viện sứ, Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy, Kim ngô vệ tướng quân Đặng Hiếu Lộc làm Thẩm hình viện phó sứ[...], nội lệnh sử Đặng Lục và Lỗ Trạc, Vũ vệ tướng quân Đỗ Lãnh và Trần Nghiễm đều làm An phủ sử [...] đem tờ biểu và phương vật [...] cùng với bọn chỉ huy do Vương Thông sai về, đều lên đường đưa về [Yên] Kinh. Đồng thời, đưa cả chiếc song hồ phù và quả ấn bạc hai tầng của Quan tổng binh An Viễn hầu, nguyên lĩnh Chinh lỗ Phó tướng quân, 13.578 quân nhân, 280 viên sĩ quan, 137 viên quan lại, 13.180 kỳ quân, 1.200 con ngựa, lập bản danh sách đầy đủ, đưa sang Yên Kinh để trần tình và xin phong Trần cảo làm quốc vương.[66, tr.300]. [1] Theo nghiên cứu Phạm Lê Huy (2012), Ảnh hưởng của mô hình đô thành Lạc Dương và Khai phong đến quy hoạch Hoàng Thành Thăng Long thời Lý – Trần: “thống kê từ Tống sử và Tống hội yếu cho thấy tính đến năm 1022 có it nhất 14 lần sứ giả Giao Châu tức Đai Cồ Việt sang nhà Tống vào các năm 968, 980, 982, 985, 988 990 1001 1004 1007, 1009, 1010, 1011, 1014, 1022”