Việt Nam với các đặc điểm khí hậu nhiệt đới là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH. Quỹ di sản kiến trúc là những hiện vật từ quá khứ mang lại cảm giác về địa điểm, bản sắc văn hóa. Di sản kiến trúc của Việt Nam luôn chịu sự tác động của môi trường xung quanh và bị phong hóa.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển ngày càng gia tăng, gây thiệt hại to lớn đến con người, kinh tế, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam[1].
Mực nước biển trung bình Việt Nam sẽ đạt 0,73m vào cuối thế kỷ XXI, khi đó, 39% diện tích đất ven biển phía Nam của ĐBSCL, 10% vùng Đồng bằng sông Hồng ở phía Bắc, và 2,5% diện tích vùng Duyên hải miền Trung sẽ bị ngập lụt.
Điều này dẫn đến những tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế, dân cư, cơ sở hạ tầng, và công trình, trong đó các công trình DSKT[2]. Hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam cũng có biểu hiện rõ rệt.
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, cường độ thiên tai liên quan đến mưa bão diễn ra nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Điển hình là những năm 2016 và 2017, thiên tai đã xảy ra nhiều nơi với cường độ hầu hết ở mức kỷ lục.
Hình 1.1. Tác động phổ biến của BĐKH lên công trình di sản
Sự gia tăng nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, cường độ thời tiết cực đoan đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xác định là mối đe dọa với văn hóa, trong đó có công trình di sản[3].
Tác động gián tiếp của BĐKH với sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm có thể dẫn đến hư hại bề mặt hoặc kết cấu của vật liệu công trình. Ngoài ra, tác động trực tiếp của BĐKH gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi có thể gây hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn các công trình di sản.
Ví dụ: Di sản thế giới Hội An bao gồm nhiều ngôi nhà gỗ cổ kính, thường xuyên phải chịu lũ lụt và tình trạng trở nên tồi tệ hơn khi mực nước dâng do bão ngày càng tăng trong khu vực[4]. Mực nước biển cao gây ngập lụt, cản trở thoát nước, tăng mực nước ngầm, gây ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của nền móng công trình[5].
Thay đổi về mực nước và độ mặn dẫn đến thay đổi chu kỳ khô ướt, chu kỳ kết tinh và hòa tan muối, góp phần đẩy nhanh quá trình xuống cấp nền móng của các công trình cổ[6].
Trước tình hình đó, Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam đã có nhiều hành động trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (số 379/QĐ-TTg, ngày 17/ 3/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Chỉ ra các biện pháp ứng phó với từng loại thiên tai trong từng khu vực, với mục tiêu đến năm 2030 giảm thiệt hại do mưa bão và lũ lụt xuống 50% so với giai đoạn 2011-2020. Bộ VHTT&DL đã ban hành quyết định số 1326/QĐ-BVHTTDL với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kế hoạch này nhằm giúp các cơ quan Trung ương và địa phương chủ động thích ứng hiệu quả hơn với thiên tai, phù hợp với kịch bản BĐKH và nước biển dâng công bố năm 2016 của Bộ TN&MT. Qua quyết định 1326/QĐ-VHTTDL ngày 06/4/2016 của Bộ VHTT&DL (Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ VHTT&DL giai đoạn 2016-2020), có thể thấy rằng việc đánh giá tác động của BĐKH lên các di tích là ưu tiên hàng đầu nhằm xác định giải pháp để bảo tồn các di tích trước BĐKH.
Từ những đánh giá tổng quan nêu trên, trong nghiên cứu này, nhóm tác giả trình bày về tình hình thực trạng của BĐKH lên công trình di sản ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp giảm thiểu thực tiễn khả thi, và cuối cùng trình bày giải pháp kỹ thuật thực tiễn đã được áp dụng thành công trong một trường hợp cụ thể tại Việt Nam. Các phương pháp nghiên cứu bao gồm:
Phương pháp thống kê: Thống kê số lượng công trình di sản bị ảnh hưởng bởi BĐKH ở các vùng miền.
Phương pháp tổng hợp: Tổng hợp các nguồn tài liệu từ các đề tài, báo cáo của Bộ VHTT&DL về thực tiễn công tác tu bổ, gia cường công trình di sản chống lại tác động của BĐKH.
Phương pháp phân tích: Phân tích các đặc điểm của di sản kiến trúc (DSKT) ở Việt Nam và các tác nhân gây ảnh hưởng đến công trình di sản.
2. Thực trạng tác động của BĐKH đến di sản kiến trúc tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ các Sở VHTT&DL tại các địa phương[7], trong những năm qua, những biểu hiện của BĐKH cũng đã tác động đến các DSKT theo các vùng miền như sau:
Bảng 2.1. Tỷ lệ các địa phương ở các vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH 2016 - 2018 (%)[7]:
BĐKH đang tác động tiêu cực đến hầu hết DSKT trên toàn quốc. Có thể nhận thấy rằng, tác động của BĐKH lên DSKT ở Việt Nam đều liên quan đến thiên tai về nước. Một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề khi tỷ lệ DSKT bị hư hại hoàn toàn ở mức cao.
Ở Đông Bắc và Tây Bắc, tỷ lệ sụp đổ DSKT do lũ lụt chiếm phần lớn với tỷ lệ lần lượt là 33.33% và 40%; bão lốc, sạt lở, và nước biển dâng không gây tác động nghiêm trọng đến DSKT ở vùng này.
Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ ghi nhận công trình bị phá hủy hoàn toàn do nước biển dâng ở mức cao nhất với 33.33%; trong khi đó, DSKT vùng này không bị thiệt hại nặng nề do sạt lở.
Trong tất cả vùng miền, Nam Trung Bộ được ghi nhận chịu nhiều thiệt hại do tác động của BĐKH nhất. Lũ lụt và bão lốc gây tỷ lệ xuống cấp công trình ở vùng này ở mức nghiêm trọng, 85.71% và 71.43%. Tỷ lệ công trình bị xuống cấp do lũ lụt và bão lốc ở khu vực này cũng ở mức rất cao, lần lượt là 85.71% và 71.43%.
• Tác động của lũ lụt đến DSKT
Bảng 2.2. Tỷ lệ DSKT bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các vùng miền:
Trong các thiên tai do BĐKH, tác động của lũ lụt biểu hiện đáng kể nhất khi tác động hầu hết các vùng miền. Lũ lụt gây ra sự suy giảm các vật liệu, việc bị ngâm nước lâu dài làm tăng quá trình lão hóa và tăng trưởng vi sinh vật nấm mốc, ngoài ra còn có các rủi ro gây ra bởi những tác động ăn mòn của nước chảy nhanh.
Dòng nước lũ chảy mạnh có thể làm xói mòn và sụp đổ các công trình di tích. Tây Bắc ghi nhận tỷ lệ công trình sụp đổ vì lũ lụt ở mức cao nhất với 40%, tiếp theo là Đông Bắc và Đông Nam Bộ với tỷ lệ ở mức 33.33%, cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Hồng và Nam Trung Bộ với tỷ lệ lần lượt là 16.67% và 14.29%.
Hình 2.1. Nấm mốc, rêu tảo và địa y xâm hại lên các di tích kiến trúc Việt Nam (a) Đình làng Dương Nỗ, Thừa Thiên Huế, (b) Nhà cổ Hội An, và (c) Trụ đá sa thạch ở Khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam.[7]
• Tác động của bão lốc đến DSKT
Bảng 2.3. Tỷ lệ DSKT bị ảnh hưởng bởi bão lốc ở các vùng miền:
BĐKH còn biểu hiện qua các thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng, thiên tai ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường: bão xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm; bão tố, lốc xoáy gia tăng về tần suất xuất hiện cũng như cường độ.
Sự gia tăng của gió và bão có thể dẫn đến tổn thương kết cấu công trình làm các di sản kiến trúc mau chóng xuống cấp. Các hiện tượng bão, gió, lốc có thể làm hư hại cảnh quan xung quanh di tích như đổ cây, sạt mái.
Bão lốc gây tác động sụp đổ công trình di tích xảy ra phần lớn ở Tây Nguyên với tỷ lệ 40%; sau đó là Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ với tỷ lệ lần lượt là 33.33% và 28.57%.
• Tác động của sạt lở đến DSKT
Một nguy cơ khác của BĐKH đó là nguy cơ sạt lở. Hầu hết bờ biển nước ta đang bị xói lở với cường độ từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm và có xu hướng gia tăng mạnh trong một thập niên gần đây.
Hiện tượng sạt lở biển đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, khu vực miền núi phía Bắc, gây hư hỏng đến các di tích ven biển. Sạt lở có thể gây ra hiện tượng nứt, lún nền dẫn đến nguy cơ sụp đổ các công trình di sản, làm hư hại cảnh quan xung quanh di sản.
Sạt lở ảnh hưởng chủ yếu đến DSKT tại các địa phương thuộc vùng Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Trong đó, tỷ lệ di tích bị phá hủy hoàn toàn do sạt lở ở Nam Trung Bộ là cao nhất với 28.57%, tiếp theo là ở vùng Đông Bắc với tỷ lệ di tích bị phá hủy hoàn toàn dưới tác động của sạt lở là 16.67%.
Bảng 2.4. Tỷ lệ DSKT bị nh hưởng bởi sạt lở ở các vùng miền:
• Tác động của nước biển dâng đến DSKT
Bảng 2.5. Tỷ lệ DSKT bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở các vùng miền:
Biểu hiện rõ rệt nhất của BĐKH là nước biển dâng, hiện tượng này đã và đang đe dọa nhiều di tích ven biển, ven sông. BĐKH và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt nặng nề trong mùa mưa, gây khó khăn cho thoát nước, tăng xói lở bờ biển, nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của các di tích lịch sử văn hóa.
Những di tích nằm ven bờ sông thậm chí có nguy cơ bị phá hủy nếu không có biện pháp gia cố hoặc di dời đến vị trí mới. Nước biển dâng gây ảnh hưởng nghiêm trọng như phá hủy hoàn toàn công trình xảy ra phần lớn ở vùng Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ với tỷ lệ 33.33%; theo sau đó là Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ 28.57% và 16.67%.
Yêu cầu về giảm thiểu tác động của BĐKH đến DSKT
Từ những thực trạng nêu trên, có thể thấy BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến DSKT tại Việt Nam. Các hiện tượng BĐKH có thể làm hư hỏng hoàn toàn hoặc biến mất DSKT hoặc làm hư hại cấu trúc công trình, biến đổi cảnh quan xung quanh di sản, gây thiệt hại rất lớn.
Do đó, cần có giải pháp thích ứng và giảm nhẹ các tác động của BĐKH: Nhiệt độ và độ ẩm tăng, nước biển dâng, sạt lở, lũ lụt trên bản thân công trình và bên ngoài công trình.
Ở một số trường hợp DSKT, không thể có giải pháp bảo tồn trước tác động của BĐKH (ví dụ như các trường hợp sạt lở hoặc ngập lụt đối với các di tích ven sông).
Việc này đặt ra vấn đề về yêu cầu bảo tồn di tích, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn nguyên trạng di tích với nhu cầu bảo tồn thực tế. Vì vậy, trong hệ thống văn bản pháp quy cũng cần được bổ sung những quy định, yêu cầu về bảo tồn di tích trong những trường hợp di tích đang đứng trước những nguy cơ rủi ro cao.
3. Đề xuất giải pháp và bàn luận
3.1. Giải pháp chung nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH lên DSKT
a) Giải pháp về quản lý DSKT:
- Hoàn thiện cơ chế chính sách: Ban hành những cơ chế, chính sách hiệu quả, có khả năng tạo điều kiện, khuyến khích các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp, tham gia vào quá trình thực hiện Kế hoạch ứng phó BĐKH. - Tăng cường nguồn lực: Mở rộng mạng lưới, duy trì hoạt động hợp tác, tranh thủ mọi nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước trong quá trình thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với BĐKH.
b) Giải pháp thích ứng DSKT với tác động của BĐKH:
- Lồng ghép, tích hợp, lấy việc đánh giá tác động của BĐKH vào trong quy hoạch, xây dựng chương trình phát triển đô thị và trong hoạt động, kế hoạch tu bổ bảo tồn, tôn tạo di sản kiến trúc; Hạn chế thay đổi địa hình tự nhiên đặt biệt là thay đổi dòng chảy tự nhiên, địa hình khu vực xung quanh di sản. - Xây dựng và đảm bảo hệ thống thoát nước, kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng, thảm thực vật chống lũ và bảo vệ bờ biển: đê điều tiết, bức tường chống sóng; trồng rừng ngập mặn hoặc thảm thực vật.
c) Giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH lên DSKT:
- Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và năng lượng thay thế thông qua việc sử dụng thông gió và chiếu sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng hệ thống điều hòa không khí; - Có biện pháp tích nước, điều hòa, cải tạo không gian mặt nước, hạn chế được các tác động của môi trường tự nhiên xung quanh di sản. - Đẩy mạnh các hành động giảm nhẹ khí nhà kính và tăng cường bể hấp thu khí nhà kính: Khuyến khích trồng cây, tăng cường phủ xanh khuôn viên di sản.
3.2. Giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH lên DSKT
Dựa vào tình hình thực tế và tham khảo các giải pháp ứng phó với BĐKH được thực hiện ở Việt Nam và trên thế giới, nhóm tác giả kiến nghị một số giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH lên DSKT Việt Nam gồm hai nhóm chính là: Giải pháp cho khuôn viên xung quanh di sản và giải pháp cho bản thân di sản.
Giải pháp cho khuôn viên xung quanh di sản:
- Hệ thống lớp phủ thực vật: thảm cỏ, cây xanh. - Hệ thống nền gạch thấm nước. - Hệ thống lưu trữ nước mưa: hồ điều hoà, bể chứa nước ngầm, vườn thu nước. - Hệ thống cơ sở hạ tầng chống lũ và bảo vệ bờ biển: đê điều tiết, bức tường chống sóng.
Giải pháp cho bản thân di sản:
- Chăm sóc, bảo quản lớp vỏ bao che công trình: sơn chống thấm, phai màu, ẩm mốc; sử dụng máy quét phát hiện ẩm, nứt; Scan 3D, số hóa toàn bộ tư liệu về công trình, lưu trữ dữ liệu số phục vụ tu bổ, phục hồi khi di sản bị hư hại. - Giải pháp thông gió và chiếu sáng tự nhiên: hạn chế sử dụng hệ thống điều hòa không khí, sử dụng quạt thông gió kết hợp với cảm biến đo độ ẩm trong và ngoài. - Tu bổ, gia cố ổn định kiến trúc công trình: bảo quản, gia cường, bổ khuyết các cấu kiện, thành phần bị hư hỏng hoặc có nguy cơ dưới tác động của BĐKH lên trên công trình. - Nâng cốt nền công trình (khi cần thiết).
Để thực hiện việc áp dụng các giải pháp phù hợp cho từng loại đối tượng, các DSKT cần được đánh giá chung về tình trạng cũng như các cơ sở về diện tích, điều kiện tự nhiên, kinh phí cũng như các tác động của BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp lên trên công trình.
3.3. Giải pháp sử dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) hỗ trợ quản lý DSKT
Ngoài việc sử dụng công cụ chính sách để quản lý thì cần thiết phải phát triển giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm hỗ trợ công tác quản lý và bảo tồn di sản. Một trong các giải pháp kỹ thuật hiện đang được nhiều quốc gia áp dụng đó là Công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Khái niệm viễn thám được hiểu như sau: “Viễn thám là lĩnh vực khoa học công nghệ cho phép nghiên cứu, thu thập các thông tin về các đối tượng địa lý mà không cần tiếp xúc trực tiếp với chúng” (Theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động viễn thám). Sản phẩm của viễn thám chính là ảnh viễn thám (ảnh chụp vệ tinh và ảnh bay chụp).
Ảnh viễn thám là những hình ảnh thu chụp được từ một khoảng cách (độ cao) nào đó trên những dải sóng khác nhau, bằng các thiết bị khác nhau và được lưu trữ dưới dạng số.[8]
GIS là một hệ thống bao gồm các phần mềm, phần cứng máy tính và một cơ sở dữ liệu đủ lớn, có các chức năng thu thập, cập nhật, quản trị và phân tích, hiển thị dữ liệu địa lý phục vụ giải quyết rộng lớn các bài toán ứng dụng có liên quan tới vị trí địa lý trên bề mặt Trái đất. GIS được kết hợp bởi năm thành phần chính: phần cứng, phần mềm, dữ liệu, con người và phương pháp.[9]
Việc kết hợp sử dụng công nghệ viễn thám và GIS là một giải pháp mang tính ưu việt hiện nay trong các nhiệm vụ liên quan đến thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích thông tin không gian trên phạm vi từ qua mô nhỏ đến quy mô rộng lớn; tần suất cung cấp thông tin cao, có khả năng cập nhật thông tin nhanh chóng và thuận tiện.
Sử dụng công nghệ viễn thám và GIS có thể quản lý và cung cấp thông tin về các yếu tố/nguy cơ chính ảnh hưởng đến di sản dựa trên 06 Chỉ số giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới được quy định tại Điều 5, Nghị định số 109/2017/NĐ-CP (Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam)[10]
- Tính toàn vẹn và tính xác thực.
- Tính bền vững của công trình kiến trúc và địa điểm khảo cổ.
- Sự bảo tồn và phát triển của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài bị đe dọa.
- Chất lượng nguồn nước.
- Tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể.
- Các yếu tố gốc khác cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới cần được giám sát.
Từ các bản đồ, ảnh các chỉ số, ảnh viễn thám có thể đánh giá sự thay đổi về không gian cảnh quan, kết hợp với các dữ liệu về môi trường dự đoán diễn biến tình hình ngập lụt, biến đổi về môi trường đất, nước, không khí xung của khu di sản từ đó có những biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác hại có thể xảy ra.
3.4. Bàn luận kết quả nghiên cứu
Sự đồng bộ trong pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức quản lý và hệ thống hoá thông tin về DSKT: Hệ thống thông tin di sản sẽ tạo cơ sở, tiền đề trong việc quản lý di sản, đánh giá hiệu quả các giải pháp thích ứng BĐKH thông qua việc mô phỏng công trình, tu sửa, gia cường và thay thế các cấu kiện, bộ phận của công trình di sản bị hư hỏng dưới các tác động của BĐKH.
Chính quyền địa phương ở các khu vực chịu tác động BĐKH giống nhau cần thống nhất các áp dụng kế hoạch, giải pháp hướng đến phát triển bền vững của di sản kiến trúc.
Từ đó, các địa phương có thể chủ động trong công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, xây dựng, vận hành các công trình, cơ sở vật chất, lựa chọn trang thiết bị phù hợp với yêu cầu phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, tăng cường khả năng thích ứng của di sản kiến trúc với BĐKH.
Lồng ghép, tích hợp các yếu tố BĐKH vào hoạt động bảo tồn DSKT: Việc đánh giá tác động của BĐKH là một yêu cầu cần thiết trong hoạt động bảo tồn DSKT ở Việt Nam. Đối với DSKT, việc thay thế trong quá trình trùng tu, sửa chữa, gia cố có thể ảnh hưởng đến tính xác thực của công trình.
Do đó, khi thực hiện các giải pháp này cần phải chú ý đến chất liệu của bộ phận được phục hồi phải tương đồng với phần còn lại, đồng thời phải đáp ứng các nguyên tắc về tu bổ bảo tồn. Đối với các giải pháp kỹ thuật áp dụng cho khuôn viên di sản cũng cần đảm bảo sự hài hoà với cảnh quan, tổng thể xung quanh công trình.
4. Ứng dụng công nghệ trong giảm thiểu tác động của BĐKH tại DSKT phố cổ Hội An
Nhóm tác giả chọn di sản văn hóa Đô thị cổ Hội An làm ví dụ áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH. Đây là một Di sản thế giới luôn phải đối diện với nguy cơ ngập úng do các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ gây ra, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH.
Để có thể đưa ra những biện pháp, kế hoạch nhằm tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của di sản kiến trúc Đô thị cổ Hội An, cần thiết có những công cụ hỗ trợ nhằm đưa ra những số liệu khoa học, đánh giá diễn biến thay đổi để dự báo, cảnh báo sớm các vấn đề có thể xảy ra ở đây.
Những nghiên cứu về ứng dụng của công nghệ viễn thám và GIS trong lĩnh vực bảo tồn di tích đã được Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ VHTT&DL) thực hiện. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý và bảo tồn các di tích thế giới của Việt Nam trên ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS” đã mở ra hướng mới cho việc áp dụng KHCN vào công tác bảo tồn di tích ở nước ta.
Đề tài đã xây dựng được bản đồ chất lượng không khí; bản đồ chất lượng nước; bản đồ cảnh quan khu vực Hội An và tích hợp dữ liệu trên hệ thống. Đề tài được thử nghiệm được 01 mô-đun (có thể vận hành dưới dạng WebGIS) và ứng dụng thử nghiệm tại Hội An.[11]
Hệ thống viễn thám và GIS cung cấp các chức năng cơ bản, bao gồm: Bản đồ trực tuyến; Văn bản quản lý Di sản; Danh mục ảnh các chỉ số; Danh mục ảnh sản phẩm; Danh mục ảnh viễn thám.
Từ các bản đồ, ảnh các chỉ số, ảnh viễn thám có thể đánh giá sự thay đổi về không gian cảnh quan, kết hợp với các dữ liệu về môi trường dự đoán diễn biến tình hình ngập lụt, biến đổi về môi trường đất, nước, không khí xung của khu di sản từ đó có những biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu tác hại có thể xảy ra.
Từ các kết quả thực nghiệm, xây dựng bản đồ rủi ro đối với giá trị nổi bật toàn cầu của DSVH Đô thị cổ Hội An.
Hình 4.1. Bản đồ phân bố mức độ rủi ro của nhóm yếu tố tự nhiên tại TP Hội An năm 2021[11]
Hình trên cho thấy, phân bố không gian của nhóm NH thể hiện mức độ rủi ro cao và rất cao ở khu vực ven sông Hoài và trung tâm TP Hội An. Những khu vực này tiếp cận với hệ thống sông Thu Bồn, có liên quan đến chế độ dòng chảy hỗn hợp và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của lũ lụt do tác động tổng hợp của hệ thống lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ở thượng nguồn.
Dữ liệu và kết quả phân tích thu được trong ví dụ trên đây đã thể hiện khả năng hỗ trợ rất rộng mở của ứng dụng công nghệ viễn thám. Các dữ liệu đã cung cấp cho các nhà quản lý cơ sở để có thể chủ động trong việc tính toán các rủi ro, xây dựng được kịch bản và kế hoạch nhằm ứng phó với các tác động có thể xảy đến với di sản Hội An.
5. Kết luận và khuyến nghị
Biến đổi khí hậu đã được UNESCO xác định là mối đe dọa với văn hóa, trong đó có công trình di sản. Việt Nam được xác định là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Hiện nay, BĐKH đang tác động tiêu cực đến DSKT trên toàn lãnh thổ. Hầu hết các tác động của BĐKH lên công trình di sản ở Việt Nam đều là các tác động liên quan đến nước. Trong đó, thiệt hại do lũ lụt và bão lốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là sạt lở, và cuối cùng là nước biển dâng.
Trước tình hình đó, Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam đã có nhiều hành động trong phòng chống thiên tai và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp về quản lý DSKT, giải pháp thích ứng, giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH đã được đề xuất nhằm bảo vệ DSKT trước thực trạng tác động của BĐKH.
Một số giải pháp giảm thiểu thực tiễn áp dụng cho khuôn viên xung quanh di sản như hệ thống lớp phủ thực vật, hệ thống gạch thấm nước, hệ thống lưu trữ nước mưa như hồ điều hòa đã được sử dụng và mang lại hiệu quả nhất định.
Các giải pháp áp dụng cho chính bản thân di sản như thường xuyên bảo quản, tu sửa bảo trì lớp vỏ bao che, các bộ phận thông gió và chiếu sáng tự nhiên cũng mang lại tác động tích cực trong việc giảm thiểu tác động của điều kiện tự nhiên bên ngoài.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, việc sử dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý DSKT và đánh giá tác động của BĐKH lên các công trình này, từ đó giúp chủ động các biện pháp ứng phó và kịp thời phòng tránh những hậu quả có thể xảy đến.
Trên cơ sở cách tiếp cận và giải pháp kỹ thuật đã áp dụng thử nghiệm thành công tại DSVH Đô thị cổ Hội An, có thể khẳng định những giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là Hệ thống giám sát nhanh và hỗ trợ ra quyết định dựa trên công nghệ viễn thám và GIS áp dụng trong quản lý các Di sản thế giới ở Việt Nam.
PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện Khoa học công nghệ đô thị xanh Đặng Khánh Ngọc - Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTT&DL Phan Thị Diệu Hằng - Trường đại học Quy Nhơn Nguyễn Hoàng Anh - Trường ĐH Xây dựng Miền Trung Trần Lê Vinh Trà - Trường ĐH Xây dựng Miền Tây
Tài liệu tham khảo: [1] MoNRE, 2016, Climate change and sea level rise senarios for Vietnam, Ministry of natural resources and environment.[2] UN Habitat, 2014, Hoi An - Vietnam: Climate change vulnerability assessment. United Nations Human Settlements Programme, Nairobi.[3] Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO, 2007.[4] Huong T.B., 2018, Climate Change Impacts on UNESCO World Heritage - The Case of Hoi An Ancient Town, in Edited book Global Climate Change and Coastal Tourism, CAB International 2018.[5] Scott D., 2012, Tourism and Climate Change Impacts, Adaptation and Mitigation, Routledge, London.[6] UNESCO, 2007, Climate change and world heritage. United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization, Paris[7] Viện Bảo tồn di tích, 2021, “Báo cáo tổng kết Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021-2030”.[8] Nguyễn Khắc Thời 2011, Giáo trình viễn thám, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.[9] Nguyễn Văn Đài (1999), Giáo trình hệ thông tin địa lý, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội. [10]. Nguyễn Viết Cường (2022), Quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước Di sản thế giới, NXB Thế giới.[11] Viện Bảo tồn di tích (2023), “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý và bảo tồn các di tích thế giới của Việt Nam trên ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
(Tạp chí Xây dựng)