Tạp chí kiến trúc Dezeen tổ chức giải thưởng Dezeen Awards thường niên để ghi nhận những công trình kiến trúc mới ấn tượng nhất thế giới qua từng năm. Năm nay, kiến trúc Việt Nam có 4 công trình góp mặt trong 53 đề cử của 10 hạng mục, trong số đó có 3 công trình do Công ty Kiến trúc Võ Trọng Nghĩa (VTN Architects) thiết kế, công trình còn lại thuộc về Studio VDGA.
“Hà house” và “Stepping Park house” là hai công trình được đề cử ở hạng mục “Nhà thành thị” (Urban house); “Viettel Academy Educational Centre” (Học viện Viettel) được đề cử ở hạng mục “Công trình công đồng” (Civic Buiding); Tòa nhà Star Engineers Factory & Administrative Building được đề cử ở hạng mục “Công trình doanh nghiệp” (Business Building).
1. Hà House
Hạng mục: Nhà thành thị (Urban house) Đơn vị thiết kế: Vo Trong Nghia Architects (VTN Architects) Kiến trúc sư chủ trì: Võ Trọng Nghĩa, Trần Thị Hằng Nhóm thiết kế: Takahito Yamada, Lê Viết Minh Quốc, Mitsuyoshi Shingu Địa điểm: TP Hồ Chí Minh Tổng diện tích sàn: 174,8 m2 Ảnh: Hiroyuki Oki
Đây là dự án nhà riêng dành cho một gia đình ba thế hệ nằm trong một khu dân cư mới cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 15 phút lái xe.
Nguyện vọng đầu tiên của khách hàng là một “khu vườn xanh rộng lớn”, nơi trẻ em có thể chơi đùa và người lớn có thể ăn BBQ cùng gia đình và bạn bè. Ngoài ra, khách hàng cũng mong muốn có một bể bơi lớn, cùng với không gian để tập thể dục, phòng ngủ cho bà ngoại, phòng khách và phòng ăn bao gồm cả nhà bếp, bãi đậu xe đầy đủ - tất cả đều ở tầng trệt. Do đó, chúng tôi đề xuất chia nhỏ “khu vườn xanh rộng lớn” thành những khu vườn nhỏ tiếp nối với nhau.
Các khoảng hở được tạo ra bởi các khối dịch chuyển cho phép ánh sáng tự nhiên và gió mát xuyên khắp căn nhà. Dạng khu đất kéo dài và hẹp, vì thế chúng tôi đã chọn tạo ra không gian mở cho căn nhà.
Nhờ việc ánh nắng mặt trời được giảm thiểu bởi các mảng xanh ở mặt đứng căn nhà, lượng tiêu thụ điện năng cho điều hòa không khí cũng sẽ được giảm xuống.
Với mức đầu tư hạn chế, chúng tôi được yêu cầu thiết kế tiết kiệm nhất có thể kinh phí cho phần hoàn thiện. Do đó, chúng tôi chọn gạch nung như là vật liệu hoàn thiện, một phương cách phổ biến đã được sử dụng trong xây dựng ở Việt Nam đồng thời giảm tổng thể chi phí xây dựng. Thêm vào đó, nhờ chi phí nhân công rẻ, chúng tôi có thể kiểm soát chất lượng của việc xây gạch ở công trường. Nhờ gạch nung cũng là vật liệu có sẵn địa phương, nên khí thải gây ra từ việc vận chuyển cũng được giảm thiểu nhiều.
Dự án này là một trong những dự án mới nhất của chuỗi dự án “Nhà cho cây” mà chúng tôi đang tiếp tục kể từ cách đây nhiều năm. Trong đó, chúng tôi theo đuổi không chỉ việc trồng cây cho các căn nhà, mà cũng tạo ra một kiểu nhà mới cho cây nơi mà cuộc sống của con người và thiên nhiên ngày càng gần gũi với nhau hơn.
2. Stepping Park house
Hạng mục: Nhà thành thị (Urban house) Chủ nhiệm dự án: Võ Trọng Nghĩa, Hidetoshi Sawa Nhóm thiết kế: Nguyen Van Thien Địa điểm: TP Hồ Chí Minh Diện tích khu đất: 321,6m2 Diện tích sàn: 233m2 Ảnh: Hiroyuki Oki
Khu đất này nằm trong một khu dân cư mới của thành phố Hồ Chí Minh, kế bên một công viên ở phía bắc. Đây là một cơ hội hiếm có để nhận được một khu đất ở thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp với một không gian công cộng xanh. Do đó, chúng tôi tập trung vào việc thiết kế một ngôi nhà trở thành một phần mở rộng của môi trường xung quanh bằng cách kết hợp cây xanh của công viên vào không gian nội thất của ngôi nhà.
Một khoảng thông tầng lớn được tạo ra bằng một khối vuông cắt thông qua ba tầng, theo hướng chéo của mặt cắt. Ở tầng trệt, khoảng thông tầng này phục vụ như phòng khách, mở ra công viên; ở tầng trên cùng là phòng sinh hoạt chung phủ đầy cây xanh. Mặt tiền bao quanh khoảng thông tầng được bao phủ bởi cây dây leo. Các thanh lam tạo bóng đổ trên tầng cao nhất. Khoảng thông tầng này kết hợp cả hai yếu tố lưu thông và các yếu tố tự nhiên khác như thực vật và cây cối, cũng như cung cấp ánh sáng tự nhiên cho các không gian phòng riêng. Nó mang lại cảm giác tiếp nối từ công viên cho cả ba tầng của tòa nhà. Ngôi nhà được tạo ra với một mục đích tạo ra một môi trường tương tự như một khu rừng, ngay khi ở trong nhà.
Khác với không gian chung, các phòng riêng như phòng ngủ được đặt như một khối vuông đặc. Nên việc trồng cây ở cửa sổ của những khối vuông này giúp chặn ánh sáng mặt trời trực tiếp, cung cấp gió mát và làm sáng không gian bên trong bằng màu xanh lá cây.
Khoảng thông tầng được mở theo đường chéo lên trên mang lại sự thông gió tự nhiên xuyên qua ngôi nhà, là kết quả của hiệu ứng ống khói. Bằng cách đó, việc sử dụng máy điều hòa được giảm thiểu. Đi qua không gian này, người ta sẽ cảm thấy gió di chuyển từ phòng khách đến tầng trên cùng của ngôi nhà. Màu xanh lá cây bên ngoài của ngôi nhà làm dịu đi ánh nắng gay gắt của khí hậu nhiệt đới. Mô hình của ngôi nhà này trở thành hình mẫu cho nhà ở ở vùng khí hậu nhiệt đới.
Ngôi nhà này là một trong những dự án mới nhất trong chuỗi nhà ở mang tên "Nhà cho cây". Sự thiếu hụt không gian xanh ở Việt Nam đang gây ra các vấn đề về môi trường như ngập lụt đô thị, nóng bức và ô nhiễm không khí. Đem lại một giải pháp cho vấn đề này là một thách thức khẩn cấp mà kiến trúc cần phải giải quyết. Các kiến trúc sư của VTN kết hợp cây xanh nhiều vào ngay cả trong những ngôi nhà nhỏ, tạo ra các công viên nhỏ trong thành phố với mong muốn ý tưởng "tòa nhà xanh" sẽ lan rộng ra thế giới.
3. Viettel Academy Educational – Học viện Viettel
Hạng mục: Công trình Cộng đồng (Civic buiding) Chủ nhiệm dự án: Vo Trong Nghia Nhóm thiết kế: Ngo Thuy Duong, Do Minh Thai, Do Huu Tam Địa điểm: Thạch Thất, Hà Nội GFA: 12.040 m2 Ảnh: VTN Architects (Vo Trong Nghia Architects), Hiroyuki Oki
Viettel Academy là một trong những công trình hiện đại xây bằng gạch trần lớn nhất của Việt Nam.
Gạch là vật liệu địa phương phổ biến, dễ tìm, giá thành hợp lý, khi sử dụng gạch với thiết kế và tính toán kỹ càng, hoàn toàn có thể tạo nên một bề mặt vật liệu mộc mạc, độc đáo. Hoàn thiện ngoài nhà bằng gạch trần, tiết kiệm một chi phí xây dựng và bảo trì không nhỏ cho CDT. Tường gạch được xây thành 2 lớp, có 1 khoảng không ở giữa 2 lớp . Đặc biệt , với cách xây tổ hợp gạch lồi lõm , không chỉ mang lại vẻ đẹp cho công trình mà còn tạo một bề mặt tường thường xuyên có bóng đổ dàn trải, giảm lượng nhiệt đáng kế khi mặt trời chiếu và công trình. Việc xây dựng các bức tường gạch trần, cần sự tỉ mẩn, cẩn thận và chau truốt của người công nhân lành nghề. Thị trường xây dựng đang phát triển của Việt Nam, giá thành nhân công rẻ, lành ghề, nên xây gạch trần là một lựa chọn hợp lý.
Công trình được xây dựng như những khối hộp cao thấp, kích thước khác nhau, đan xen giữa một khu vườn xanh mát. Các khối nhà được liên kết bằng một hệ mái lớn và các hành lang ngang dọc, trên dưới. Tất cả tạo nên sự đan xen phong phú của các chiều không gian , nhiều góc nhìn thú vị . Công trình có một hồ nước trung tâm đóng vai trò tạo hình ảnh phản chiếu, nhấn mạnh vẻ đẹp của vật liệu cũng như có tác dụng vi khí hậu , làm mát cho toàn khu.
Với sự sáng tạo trong thiết kế, kết hợp với kinh nghiệm thi công vật liệu địa phương, công trình đáp ứng được các yêu cầu công năng của chủ đầu tư, đạt được yếu tố thẩm mỹ cao, hòa quện và thích ứng với thiên nhiên xung quanh. Tất cả khiến công trình Viettel academy có thể trở thành một công trình tiêu biểu cho kiến trúc khu vực.
4. Tòa nhà Star Engineers Factory & Administrative Building
Hạng mục: Công trình doanh nghiệp (Business Building) Thiết kế: Studio VDGA Kiến trúc sư chủ trì: Deepak GuggariNhóm thiết kế: Rashi Sanson, Viplav Paithankar Địa điểm: Hà Nội Diện tích: 40.000 m2Hoàn thành: 2017 Ảnh: Hiroyuki Oki
Đây là văn phòng làm việc của một công ty, được thiết kế với mục đích để những nhân viên làm việc tại đây được chiêm ngưỡng cảnh quan sân vườn xanh tươi và một không gian làm việc tươi sáng, đa màu sắc.
Nơi đây vừa có khu văn phòng vừa có khu nhà xưởng, đơn vị thực hiện công trình - Studio VDGA - đặt mục tiêu kết nối những người làm việc tại nơi đây với không gian sân vườn và kiến trúc tươi sáng, rạng rỡ. Những khoảnh sân nhỏ đan xen giữa những khu văn phòng, giúp đưa không gian ngoài trời vào bên trong công trình và đưa lại cho công trình một cảm nhận dễ chịu. Hiệu ứng không gian mở được nhân lên khi nhà thiết kế sử dụng nhiều tấm kính trong suốt để ngăn cách các khu làm việc.
Ashui.com