Độc giả: Minh Quân
Kiến trúc sư Trương Thành Trung, trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Dù là cửa nhà tắm hay nhà vệ sinh, mở vào trong hay ra ngoài cũng sẽ tốn một phần diện tích, quan trọng là lựa chọn của gia chủ.
Tuy nhiên với công trình nhà ở dân dụng (không phải cao tầng), việc mở cửa nhà vệ sinh quay ra hay quay vào không có bất kỳ quy định gì. Quy cách chính dựa trên công năng sử dụng thực tế của người sử dụng. Thông thường cửa nhà vệ sinh sẽ được mở bên trong. Lý do là mở vào trong nếu có nước bám lên cửa khi tắm, lúc mở ra ngoài sẽ tránh được nước từ cánh cửa nhỏ xuống sàn nhà, gây ẩm ướt, trơn trượt, đặc biệt là sàn gỗ sẽ gây hỏng hóc. Thiết kế cửa nhà vệ sinh, phòng tắm mở vào trong cũng hạn chế việc nước bắn ra ngoài.
Còn việc mở cửa nhà vệ sinh ra ngoài có một số phiền toái như cản tầm nhìn. Việc bất thình lình mở cửa phòng nhà vệ sinh có thể tạo va chạm bất ngờ với người ở ngoài. Trong khi đó nếu cửa nhà vệ sinh thiết kế mở trong sẽ không tạo xung đột như vậy.
Với nhà ở dân dụng, cửa nhà vệ sinh thường quay vào trong để hạn chế nước nhỏ ra ngoài cũng như tránh va chạm với người ở ngoài khi mở cửa. Ảnh minh họa: viralcham.com
Đối với công trình cao tầng còn liên quan đến vấn đề thoát hiểm, bởi vậy tất cả các cửa dưới tầng một theo quy định phải được mở quay ra ngoài. Nguyên nhân là nếu cửa đẩy vào trong, trong trường hợp cấp bách sẽ gây tắc cục bộ, ảnh hưởng đến tính mạng.
Hiện nay tại những khách sạn cao cấp, cửa nhà vệ sinh cũng được yêu cầu mở ra ngoài để tránh trường hợp khách sử dụng có vấn đề về sức khỏe dễ dàng mở được cửa trong lúc hoảng loạn, thậm chí chỉ cần dựa vào cửa để thoát ra ngoài mà không cần dùng quá nhiều lực.
Lưu ý: Với những gia đình có trẻ nhỏ và người già, nên mở cửa quay ra ngoài.
Trang Vy