Là nhân viên truyền thông PR tại một công ty ở Sài Gòn, cô gái trẻ 26 tuổi Đỗ Nguyên Phương đã quyết định rời thành phố tấp nập này để quay về Hội An cải tạo căn nhà ở 20 năm đã xuống cấp của gia đình thành homestay hòa mình với thiên nhiên để vừa ở vừa kinh doanh đón khách.
Đó chính là chân dung cô gái trẻ dám nghĩ dám làm. Hiện Phương đang làm quản lí kiêm tất tần tật ở một homestay ở Hội An. Ngoài ra cô gái trẻ này còn làm PR freelancer cho một số công ty truyền thông tại Sài Gòn.
Căn nhà xuống cấp 20 năm qua của gia đình ở mà Phương cải tạo lại thành homestay có địa chỉ tại Thôn Võng Nhi, Xã Cẩm Thanh, TP Hội An.
Theo cô gái này chia sẻ: Trước khi về Hội An, mình là nhân viên truyền thông, mảng PR tại một công ty truyền thông (agency). Với quyết định rời xa Sài Gòn về Hội An làm homestay có nhiều yếu tố tác động, nhưng đối với mình giống như duyên số - đúng thời điểm thì chuyện cần đến sẽ đến.
Quyết định làm homestay này không phải là nhất thời mà kết quả của một quá trình. Cá nhân mình thích gặp gỡ nhiều người lạ, nghe những câu chuyện thú vị mà họ đã trải qua. Từ lúc học đại học mình đã nghĩ mình muốn có một ngôi nhà mà ở đó có thể đón những người bạn đồng điệu với mình, tạo nên một không gian mà chỉ cần bước vào sẽ cảm thấy được yên bình, tìm được nguồn năng lượng tích cực.
Phong cách chủ đạo giữ những ô cửa truyền thống vốn có ở nhà em cách đây từ 20 năm.
Phòng thiết kế đón gió và ánh sáng.
Đỗ Nguyên Phương, 26 tuổi.
Và đặc biệt, mỗi khi từ Sài Gòn về thăm nhà, mình lại thấy điều đó ở nhà mình, ở thành phố Hội An nhỏ nhắn này. Tuy lúc đó nhà mình còn sập xệ nhưng không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ, yên bình.
Sau một thời gian quan sát, cá nhân Phương thấy nhà mình đã xuống cấp nhiều, ba mẹ Phương cũng có mong muốn sửa nhà. Cộng với việc nhà còn một số không gian trống nhiều nên cô nàng này quyết định thuyết phục ba mẹ sửa luôn nhà thành homestay bởi một công đôi chuyện: vừa có nhà để ở, vừa đón bạn bè đến chơi và nghỉ ngơi.
Phần bức tường được đập đi để làm khu bếp.
Phần bếp cũ được đổi chức năng thành khu làm việc nhỏ.
Giữ nguyên cầu thang, chỉ đổi phần đá mài tạo hiệu ứng khác.
Chỉ sửa phần cửa, gạch nền và sơn.
Trước khi cải tạo sửa lại căn nhà ở 20 năm đã xuống cấp của gia đình thành homestay, Phương cho biết tình trạng nhà lúc đó đã xuống cấp rất nhiều: "Tường gần như bong tróc toàn bộ, lâu năm nên bị thấm và ẩm, nền nhà sụt lún và nứt gạch. Có một số góc chết không được sử dụng nên làm nhà bị tối và bí, các thiết bị bếp và nhà vệ sinh đã cũ cần được thay mới,…".
Được biết, mảnh đất của gia đình Phương có tổng diện tích 190m2. Trong đó khối nhà cũ (2 tầng) cần cải tạo chiếm 2/3 diện tích. Vì thế, khi quyết định biến nhà thành homestay, bên cạnh cải tạo khối nhà cũ, nhà Phương xây thêm khối nhà mới cùng ở hồ bơi ở 1/3 diện tích còn lại.
"Ai cũng nói nhà mình như được lột xác. Nhưng thực ra, mình cũng chỉ cố gắng dựa trên hiện trạng nhà đang có, từ đó thêm thắt sao cho phù hợp với concept tổng thể của căn nhà. Nhờ khá cầu toàn trong chi tiết nên thành quả ra cũng đúng với mong đợi của mọi người", Phương cho biết.
Do homestay nhà Phương nằm ngay ở vùng Cẩm Thanh (một làng quê ngay bên cạnh phố cổ Hội An, cách phố cổ chỉ 4km, nổi tiếng với Rừng dừa Bảy Mẫu). Chính vì thế, không gian xung quanh nhà rất mát mẻ và thoáng đãng với nắng và cây xanh.
Giữ nguyên khung cửa cách đây 20 năm.
Đổi cửa phòng sang khu ban công để có góc chill.
Đổi khung cửa để tạo không gian đồng bộ.
Xây kín lại để tạo thành một phòng riêng biệt.
Phía cuối căn nhà ngày xưa giờ chuyển thành khu hồ bơi chill chill.
Khoảng đất phía sau lúc trước trồng chuối, bây giờ xây thêm 1 khối nhà cùng hồ bơi.
"Do đó, khi lên ý tưởng thiết kế phòng, tất cả các phòng đều được bố trí cửa sao cho thông gió và lấy sáng nhiều nhất có thể. 5 phòng thì hầu như phòng nào cũng có ban công nhìn ra không gian vườn và làng quê xanh mướt bên ngoài. Đó cũng là điểm thú vị, những nếp sống thường ngày của người dân, cảnh sắc đặc trưng của làng quê Hội An vẫn được lưu giữ ở xung quanh nhà mình. Có những ngày không cần bật quạt, chỉ cần mở cửa ra là đủ để mát mẻ với gió tự nhiên lồng lộng", Phương trải lòng.
Để công cuộc cải tạo nhà hoàn thiện, cô chủ nhà này cho biết phải chia làm 2 giai đoạn cụ thể. Tổng 2 giai đoạn mất khoảng 4 tháng: "Việc xây dựng homestay nhà mình chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Xây thô và hoàn thiện cơ bản (ốp gạch, lắp đặt thiết bị nhà vệ sinh): phần này khoảng 4 tháng là nhà mình đã có thể dọn vào ở.
Giai đoạn 2: Hoàn thiện nội thất cũng mất gần 4 tháng. Phần này đáng lẽ sẽ không lâu vậy, nhưng vì chi phí cần được cân đối hợp lí nên mình tốn thời gian để tìm đồ vừa đẹp, hợp ý và giá cả phải chăng nữa.
Hơn nữa nội thất nhà mình mua và làm từ khá nhiều nguồn, để đảm bảo thành phẩm ưng ý trong tầm giá. Nếu không tìm thấy món đồ ưng ý thì sẽ không mua, tiếp tục tìm kiếm ở những nguồn khác nữa đến khi nào hợp cả về thẩm mỹ và giá cả mới thôi. Thêm nữa, ý tưởng trang trí phòng từ vải với kỹ thuật may thêu, nên mình tự may toàn bộ phần trang trí trong nhà. Như thế nên càng lâu hơn nữa".
Được biết, tổng chi phí cho việc thiết kế, xây sửa lại homestay hết khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó các khoản chi phí được phân bổ như sau:
Chi phí thiết kế: Vì có bạn giúp đỡ nên không tính
Chi phí phần cải tạo khối nhà trước: 600 triệu (nói là cải tạo nhưng chỉ giữ lại phần khung nhà, còn lại phải ốp gạch và sơn mới toàn bộ)
Chi phí phần xây mới khối nhà sau và hồ bơi: 500 triệu
Chi phí nội thất: 200 triệu (tính luôn các thiết bị vệ sinh)
Nói về chi phí đắt đỏ nhất thì phải nói đến phần gỗ ngoại thất: 200 triệu cho toàn bộ nhà (cửa chính và cửa sổ).
Vì vốn nhà cũ đã là hệ cửa gỗ, nên khi cải tạo lại vẫn muốn giữ được sự ấm cúng từ gỗ tự nhiên. Khí hậu miền Trung lại rất khắc nghiệt khi mùa hè thì nắng gắt và mùa mưa bão thì cũng dữ dội không kém, nên bắt buộc phải chọn loại gỗ tốt như kiềng kiềng hay gõ. Nhưng vì thực sự muốn giữ được cảm giác ấm áp từ gỗ nên việc chi tiền gỗ nhiều gần như không thể thay đổi", Phương chia sẻ.
Ngoài ra, để có homestay tiện ích, hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ, cô nàng này đã tự tay chăm sóc từng góc vườn nhà tỉ mỉ: "Homestay có 1 khoảng sân vườn khá rộng để trồng các loại cây ăn trái và rau: mận, mướp, bí đao, mồng tơi, ổi, cà tím… Phía trước nhà có 1 khu vườn nhỏ để trồng các loại cây cảnh tạo mảng xanh, ở mỗi khu ban công cũng đều có một khu vườn tí hon với 5-10 cây hoa các loại. Chính vì thế trung bình một ngày gia đình dành khoảng 1 tiếng chỉ để đi tưới cây hết quanh nhà".
Một số góc chill khác của homestay.
Có thể lắp hệ thống tưới cây tự động, nhưng nhà mình xem việc tưới cây như cách để chăm sóc, nói chuyện với cây vậy, cũng là cách để thư giãn và tập thể dục cho ba mẹ và mình. Những lúc tưới cây ngoài vườn cũng là khoảnh khắc kết nối của gia đình: chăm chó, tưới cây, cắt hoa, tỉa cành.
Theo Thảo Nguyên/Tổ quốc