Thời đại này không nhất thiết phải mua một căn nhà thì mới có một tổ ấm của riêng mình.
Nhưng cũng thời đại này, cứ lên mạng xã hội là sẽ thấy tám vạn sáu ngàn hội nhóm khoe nhà cửa hay bày cách decor sao cho xinh xẻo.
Những bạn trẻ, các bạn ở các tỉnh thành đến trọ ở những thành phố lớn không ít thì nhiều sẽ bối rối giữa việc muốn có cho mình một tổ ấm thật đẹp nhưng lại nhát tay vì chỉ đang ở nhà thuê.
Đừng lo, chuyện gì cũng có cách giải quyết! Bản thân mình cũng là một người ở nhà thuê nhưng lại không thấy bất cập như bạn đang tưởng tượng.
Tại sao phải nghĩ nhà thuê là nhà của người khác? Mình trả tiền để ở, mình hoàn toàn tùy nghi sử dụng và tất nhiên, bảo dưỡng nó chu đáo.
Vậy thì có khác gì nhà của mình đâu. Đầu tư cho bất cứ căn nhà nào thực chất cũng chỉ là cho không gian và trải nghiệm sống, chung quy cũng là cho bản thân chúng ta thôi.
Nhiều bạn trẻ hiện nay sẽ lựa chọn đầu tư cho không gian sống dù là đi thuê. Bởi đơn giản, đầu tư cho bất cứ căn nhà nào thực chất cũng chỉ là cho không gian và trải nghiệm sống, chung quy cũng là cho bản thân mình mà thôi.
Mình là người Sài Gòn chính gốc, nhưng từ năm 26 tuổi đã chính thức dọn ra ở riêng. Mình mang theo tất tần tật mọi thứ từ quần áo, giày dép, túi xách, máy vi tính cho đến hơn 2000 cuốn truyện tranh, tiểu thuyết và mình vẫn sống tốt ở căn nhà chung cư đi thuê suốt hơn 3 năm nay.
Để bạn khỏi hiểu lầm, gia cảnh mình không được suôn sẻ, từ nhỏ đã sống cùng với ông bà nội thay vì cha mẹ. Thành thử tất cả những gì mình mua được, giữ được và chia sẻ dưới đây không phải từ một đứa “ngậm thìa bạc” mà mình tin là ai đang tự chủ kinh tế cũng có thể làm được.
1. Chọn địa điểm
Đây là khâu có vẻ sẽ “khoai” nhất, dễ gây hoang mang nhất nếu lần đầu tiền thuê nhà. Trong 3 năm dọn ra ngoài, mình ở 2 chỗ khác nhau và chỗ nào cũng có điều kiện sinh hoạt thuận lợi, cư dân văn minh. Bí quyết là gì?
Đầu tiên, bạn phải quyết định được ngân sách mình dành cho việc thuê nhà là bao nhiêu. Sau đó là vấn đề di chuyển. Mình thì không ngại việc ở xa công ty nhưng quan trọng là đường đi phải thuận lợi. “Đặc sản” của Sài Gòn là kẹt xe và ngập nước, tránh được 2 cái này, bạn đi xa mấy cũng sẽ thấy gần hơn.
Có thể cân nhắc giữa việc thuê nhà ở ngoại thành (giá rẻ) nhưng tốn tiền đi lại vào trung tâm thành phố với việc thuê nhà trong trung tâm và giá đắt hơn.
Bạn có thể cân nhắc giữa việc thuê nhà ở ngoại thành (giá rẻ) nhưng tốn tiền đi lại vào trung tâm thành phố với việc thuê nhà trong trung tâm và giá đắt hơn.
Mình ưu tiên cho không gian sống nhiều hơn. Thế nên mình đã chọn khu vực ngoại thành, mất khoảng 20 phút để vào quận 1 nhưng đường đi không kẹt xe, cũng không ngập nước, lại còn có nhà rất rộng.
Một điều quan trọng khác: Cư dân. Làm sao để “kiểm tra” được sự văn minh của cộng đồng cư dân trong một chung cư? Chỉ có cách nghe ngóng, hóng hớt và quan sát thôi. Bạn có thể tìm kiếm trên mạng xem chung cư nào xô bồ, hay có “phốt” để tránh.
Khi đến xem nhà, hãy để ý những cửa thoát hiểm xem có bị chặn giấy hay chèn đá không. Đừng thuê một khu chung cư mà mọi người đồng lòng mở toang cửa thoát hiểm, nếu bạn không muốn khi không may hỏa hoạn xảy ra sẽ chết ngạt trong chính lối thoát ấy.
2. Nhà full nội thất hay nhà trống?
Vấn đề này có lẽ khi được hỏi, nhiều người sẽ trả lời rằng “tuỳ vào ngân sách” hay ý thích. Nhưng mình khuyên bạn luôn: nếu là nhà full nội thất thì phải là nhà mới, chưa qua sử dụng; bằng không thì hãy thuê nhà trống.
Rất nhiều chủ nhà trang bị nội thất cho nhà với tiêu chí là cho thuê, nên kiếm được một căn nhà có các thiết bị điện gia dụng chất lượng tốt là hơi khó.
Nhất là khi đã có người thuê trước đó sử dụng, thì vấn đề xuống cấp, hỏng hóc (do khách quan lẫn chủ quan) đều sẽ rất rắc rối khi bạn vào ở.
Vì thế, cố gắng chọn một căn nhà mà bạn là khách thuê đầu tiên hoặc một căn nhà trống rồi tự mua đồ đạc để vào. Việc tự trang bị nội thất thì mình sẽ đề cập bên dưới.
Cố gắng chọn một căn nhà mà bạn là khách thuê đầu tiên hoặc một căn nhà trống rồi tự mua đồ đạc để vào sẽ có lợi cho bản thân hơn.
3. Ràng buộc với chủ nhà
Đây là việc mà nhiều người cũng lo lắng, nhất là khoản “lâu dài”. “Lỡ như đang ở bị chủ nhà đuổi đi thì sao?” hay “Đầu tư nhà cho cố vào rồi phải dọn đi sớm thì mất hết”. Hai câu hỏi này có thể giải quyết được bằng cách thỏa thuận.
Hãy cố gắng kí hợp đồng thuê nhiều hơn một năm. Nếu chủ nhà không chịu kí nhiều hơn một năm, có hai trường hợp: một là họ muốn tăng giá thuê vào năm tiếp theo, hai là họ không có ý định cho thuê lâu dài. Hãy thẳng thắn với nhau ngay từ đầu để dễ có cách giải quyết.
Vấn đề tiền nhà có thể linh hoạt bằng điều khoản tăng giá ngay trong hợp đồng dài hạn (ví dụ mỗi năm tăng lên bao nhiêu %).
Việc bạn ngỏ ý muốn thuê lâu dài sẽ đánh vào tâm lý yên tâm của những chủ nhà chỉ muốn dùng nhà để cho thuê thay vì cho thuê tạm thời. Phải thắng thắn thì mới tìm được chủ nhà “tâm đầu ý hợp”. Và nhớ, đừng trễ hạn đóng tiền.
Nhiều bạn trẻ hay có tâm lý ký hợp đồng ngắn hạn, vài tháng vì sợ sẽ ở không hợp. Hãy xem trọng việc thuê nhà, đó là nơi bạn tạo ra tổ ấm của riêng bản thân.
Khi cố gắng vun đắp cho nó, bạn sẽ thấy xứng đáng. Mà muốn như vậy, bạn phải chấp nhận “chung sống với căn nhà” trong ít nhất một năm thay vì chỉ vài ba tháng. Một khi đã có tâm lý ở lâu dài, bạn mới toàn tâm toàn ý đầu tư cho nó.
Hãy xem trọng việc thuê nhà, đó là nơi bạn tạo ra tổ ấm của riêng bản thân. Khi cố gắng vun đắp cho nó, bạn sẽ thấy xứng đáng.
4. Đầu tư như thế nào thì hợp lý?
Câu hỏi này mình nhận được nhiều nhất khi ai đó biết mình đã tiêu tốn hơn 300 triệu đồng cho việc trang trí, mua sắm các đồ gia dụng, thiết bị trong nhà cho 2 người.
Hãy chọn nhà chung cư thay vì nhà phố cũ vì nhà chung cư gần như đã được thiết kế hợp lý cho việc ở và sinh hoạt, không trúc trắc như một số nhà tự xây mà khi vào thuê bạn phải đập cái này, bỏ cái kia đi vừa tốn tiền vừa phiền phức.
Mình thuê nhà trống ở chung cư và mua toàn bộ đồ đạc để vào từ giường, tủ, cho đến tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, nồi niêu xoong chảo, bàn ghế…
Nghe thì nhiều đấy nhưng tất cả những thứ này khi chuyển sang chỗ khác mình đều có thể mang theo và nó đều là những món mà mình đã đích thân chọn, hợp gout, hợp nhãn.
Sắm đồ đạc không phải bạn đang mất mà là đang đầu tư cho bản thân mình một cuộc sống thoải mái. Khi chuyển đi bạn vẫn có thể mang theo chúng nếu nó còn sử dụng được.
Cồng kềnh quá đúng không? Không hẳn đâu. Mình biết có nhiều người mỗi khi chuyển nhà là phải chạy xe qua lại rất nhiều lần, tự lực cánh sinh chuyển dần dần từng món có khi cả tháng trời mới xong. Hãy tưởng tượng khi dọn ra khỏi nhà, bạn có 3000 cuốn sách thử xem.
Trong những lúc tưởng như “khốn cùng” vì không muốn bỏ lại bất cứ quyển nào đó, bạn sẽ biết được trên đời có những dịch vụ chuyển nhà từ A đến Z. Mà đã dùng dịch vụ thì chuyển luôn bàn ghế, tủ giường, chuyển cả căn nhà cũng không vấn đề gì cả.
Ở Việt Nam, các dịch vụ chuyển nhà này có giá rẻ hơn ở nước ngoài cả trăm lần. Tất nhiên là phải chọn được dịch vụ uy tín.
3000 cuốn sách vẫn có thể chuyển đi thì bạn cần phải lo lắng điều gì nữa nhỉ?
Vì “chuyển nhà không thành vấn đề” mà mình đã mạnh dạn hơn trong việc… mua sắm. Thực ra tổng tiền đầu tư cho các thiết bị điện và nội thất… cũng ngang ngửa với việc bạn thuê nhà full nội thất. Nếu dùng kĩ lưỡng, bạn vẫn có thể mang chúng sang nhà mới. Tất nhiên là cũng không nên chọn những loại thiết bị quá đắt tiền như máy lạnh bốn cửa.
Mình với bạn mình mua máy lạnh (3 cái), tủ lạnh, máy giặt, tivi, loa, nồi cơm điện, nồi chiên không dầu, lò nướng, máy hút bụi, máy lọc không khí, v.v… nói chung là các thiết bị điện hết tầm 60 triệu. Vị chi mỗi đứa 30 triệu nhưng thứ gì đến giờ vẫn dùng tốt.
Bàn, ghế, giường ngủ, tủ, kệ… tụi mình cũng tự mua để hợp với sở thích và nhu cầu cần dùng. Bây giờ có rất nhiều nơi bán nội thất DIY, chịu khó một tí là đã có một món đồ rẻ hơn chúng ta tưởng khá nhiều.
Sắm đồ nội thất có những đơn vị DIY giá rẻ, bạn có thể dành thời gian tìm hiểu và có một sự lựa chọn hợp lý với ngân sách.
Thực ra với mình, một căn nhà cho thuê hoàn hảo nhất là có sẵn máy lạnh. Vì việc vận chuyển máy lạnh đi lại dễ bị rò rỉ đường ống, nên nhà có sẵn máy lạnh là tốt nhất.
Còn lại thì mình không cần gì cả vì sẽ tự mua để vào. Nhà full nội thất hay có những cách bố trí rất giống nhau, không hợp với sinh hoạt của mình. Ví dụ như mình không cần sofa ở phòng khách vì phải dành chỗ để đến 6 chiếc kệ sách rất to.
Hay như chiếc nhà cho mèo rộng đến một mét, cao ba mét sẽ không thể nhét vào một căn nhà đã có sẵn nội thất. Bàn ghế mình cũng muốn dùng theo sở thích nên nếu ở trong một căn nhà có đồ đạc để sẵn thì rất là bất tiện.
Số tiền 300 triệu đồng cũng không phải là chi ra một lần một. Đó là cả một thời gian từ lúc mới dọn vào căn nhà đầu tiên cho đến căn nhà thứ hai, của những lần phải “thay máu” đồ dùng vì chúng không hợp nhau, của rất nhiều lý do mà mình tin là con số này không hề quá phung phí hay vô lý.
Những món đồ chơi sưu tầm có thể làm đồ trang trí cho không gian nhà. Cũng cả đống tiền của nhưng yên tâm là chuyển đi cũng mang theo không sót thứ gì.
Mình cũng là người làm công ăn lương, không kinh doanh, không chơi cổ phiếu nên mình tin là các bạn trẻ bây giờ hoàn toàn có thể chi được số tiền ấy cho căn nhà của mình. Thậm chí là ít hơn rất nhiều nếu từ đầu bạn đã lên kế hoạch và tính toán kĩ lưỡng hơn.
Nếu có được một người ở cùng lâu dài nữa thì quá tuyệt, chi phí đều được “cưa đôi”. Cũng vì mình tự tay trang bị mọi thứ nên mỗi khi chụp ảnh hay có bạn bè sang nhà chơi, ai cũng khen nhà mình ấm áp như một tổ ấm thực sự. Đó, bạn hoàn toàn có thể biến căn nhà thuê thành “nhà mình” mà.
Cố gắng đừng nghĩ “nhà thuê” là tạm bợ, có như vậy thì bạn mới thật sự tạo nên một tổ ấm đúng nghĩa được.
Phúc Du
Ảnh: NVCC