du-an-moi-31-174341263879756707171-1743473524960-1743473530174801790994.png

Với những người có mức thu nhập lên tới tiền trăm triệu hàng tháng, chúng ta thường mặc định câu chuyện mua nhà là điều trong tầm tay. Kể cả có phải đi vay ngân hàng để mua nhà, thì với mức thu nhập như vậy, họ cũng dư sức trả, chẳng có gì là không thể.

Suy nghĩ như vậy là không sai, nhưng không phải ai có mức thu nhập cao đến mức là mơ ước của nhiều người, cũng có thể dư sức mua nhà. Cặp vợ chồng sinh năm 1996 trong câu chuyện dưới đây cũng vậy. Thu nhập cao vẫn không dám mơ tới việc mua nhà.

Thu nhập cao vẫn phải ở nhà thuê vì đang có nợ

Trong bài tâm sự của mình, cô vợ cho biết: "Cả 2 vợ chồng mình đều sinh năm 1996, thu nhập của riêng mình thì khoảng 60-100 triệu/tháng. Năm 2024, có thời điểm mình còn kiếm được 200 triệu/tháng. Về thu nhập của chồng mình thì khoảng 200-300 triệu/năm.

4232deb5e2f59d4a97d4485f2f67229d-1743414465671164136482-1743473530782-17434735308771734252768.jpg

Ảnh minh họa

Chúng mình cưới năm 2022. Lúc đó, vợ chồng mình nghe bố mẹ vay tiền mua đất ở quê, gọi là đu đỉnh BĐS cũng không sai. Thậm chí mình còn không xem đất mà đã đi công chứng, hậu quả là giờ 1 miếng đất mua 1,5 tỷ đồng đang không bán được; 1 miếng mua 700 triệu thì 1 năm sau đó dính quy hoạch, bán không ai mua.

Trong 2 năm qua (2023 và 2024), bọn mình cố cày vẫn không trả hết nợ ngân hàng. Mình còn cho bố mẹ chồng mượn 300 triệu, cho bác của chồng vay 400 triệu, giờ bác bỏ đi không trả, cũng không liên lạc được.

Hiện tại, vợ chồng mình vẫn nợ ngân hàng 1 tỷ, vẫn đang ở nhà thuê. Dự định ban đầu của bọn mình là 2025 mua nhà, nhưng hiện tại tài khoản chỉ có vài trăm triệu.

Mình kể chuyện này cũng chỉ mong mọi người đừng mắc sai lầm như mình, đầu tư gì thì tự bản thân phải tìm hiểu thật kĩ, đừng tin người, đừng nghe ai, cũng đừng cho ai vay tiền quá dễ dàng, kể cả là người thân. Giờ cứ nghĩ đến việc mua nhà nhưng không đủ tiền, mà mất 400 triệu người ta quỵt, mình lại thấy chán, mệt mỏi vô cùng..." .

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người động viên cô vợ này cố gắng, vì dù sao tiền mất thì cũng đã... mất rồi. Đau buồn tiếc nuối cũng khó lấy lại được, nên tập trung kiếm tiền thì hơn. Bên cạnh đó, cũng có không ít người đặt ra thắc mắc về sự chênh lệch trong thu nhập của cô và chồng.

"Mình thấy bạn vợ thu nhập quá cao so với chồng, chồng kiếm cả năm có khi chỉ bằng bạn làm trong 2-3 tháng, nhưng bạn vợ này lại nghe lời nhà chồng quá... Mới cưới được 3 năm mà tổn thất hơi nhiều. Không biết bạn đã có quỹ tiền riêng cho bản thân chưa, chưa có thì nên chuẩn bị coi như chừa đường lui cho chính mình" - Một người chia sẻ quan điểm.

"Vẫn còn trẻ mà bạn, và bạn vẫn có tài sản trong tay, chưa phải là mất hết, mảnh đất 1,5 tỷ chỉ là chưa bán được thôi chứ không phải là không thể bán được. Nhưng thôi coi đó như bài học vậy. Bố mẹ mình trước đây cũng cho anh em họ hàng vay xong không đòi được. Nhưng mà sau đó bố mẹ mình ăn nên làm ra, còn nhà vay kia thì con cái hư hỏng, báo nợ. Coi như ông trời có mắt, cứ nghĩ vậy đi bạn ạ" - Một người động viên.

Nên làm gì để hạn chế tình trạng dễ lúc cho vay, khó lúc đi đòi?

Nhận được tin nhắn, cuộc gọi vay tiền từ người thân họ hàng hoặc bạn bè, nếu số tiền chỉ là vài trăm nghìn hoặc cùng lắm là 1-2 triệu, có lẽ chẳng ai ngại cho vay khi có đủ. Nhưng nếu số tiền lên tới vài chục triệu, thậm chí là trăm triệu hoặc tiền tỷ, câu chuyện lúc này sẽ khác ngay.

1b1b0776f11ada9506544b2261bf7b7b-17434146835291433395499-1743473531501-1743473531610363683064.jpg

Ảnh minh họa

Giả như mình không có để cho vay thì đã đành, đằng này nếu có mà không giúp, bản thân cũng áy náy; mà giúp thì cũng lo có ngày người ta không trả. Phải làm sao mới thuận tình đôi bên?

Đáp án rất đơn giản thôi: Viết cái giấy vay nợ, mang đi công chứng!

Lời đề nghị viết giấy vay nợ rồi đi công chứng không chỉ giúp bản thân người cho vay yên tâm, mà còn là một cách để kiểm tra độ uy tín của người đi vay.

Nếu là một người hiểu chuyện và biết giữ chữ tín, chắc chắn họ sẽ chẳng từ chối lời đề nghị của bạn, càng không hằn học trách móc "sao có tí tiền mà cũng phải vẽ ra rồi lôi nhau đi công chứng?".

Chưa kể, khi vay người quen, bạn bè, khoản vay sẽ không bị tính lãi; hoặc nếu có, lãi cũng thấp hơn đi vay ngân hàng hoặc công ty tài chính. Người vay còn không tốn công lo thủ tục, giấy tờ.

Thế nên người biết điều sẽ không từ chối yêu cầu viết giấy vay nợ cá nhân rồi đi công chứng. Một phần vì họ biết đặt mình vào vị trí của bạn - người họ đang vay tiền, một phần vì chuyện ấy cũng chẳng mất thời gian, cùng lắm chỉ tốn 3-4 tiếng là xong. Trong khi đi vay ngân hàng, thời gian giải ngân cứ phải tính bằng tuần, nhanh cũng 2-3 ngày. Còn vay nhanh dưới hình thức vay tín chấp, không tài sản đảm bảo thì thôi khỏi bàn, vì vay nhanh đồng nghĩa với lãi suất cao.

Trong trường hợp người ta từ chối, hoặc trách ngược lại bạn "có chuyện mới nhờ mà làm gì khó khăn đến thế", thì tốt nhất là từ chối cho vay luôn, khỏi phải nghĩ nhiều. Khi thấy bạn dứt khoát như vậy mà người ta lại xuống nước, đồng ý viết giấy nợ rồi đi công chứng, cũng đừng dại mà cả nể đồng ý cho vay.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022