Lựa chọn bộ bàn ăn là công đoạn để hoàn thiện không gian bếp - phòng ăn. Thông thường, các kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất sẽ vẽ mẫu và thi công "hạng mục" này, song nhiều chủ nhà thích mua sẵn hơn.
Thực tế, bộ bàn ăn đặt riêng theo thiết kế khó đa dạng về chất liệu và kiểu dáng. Các chất liệu như kim loại, kính, da khó chế tác thủ công, giá cả đắt đỏ nên sản xuất hàng loạt sẽ chuẩn, đẹp và rẻ hơn. Hiện thị trường có rất nhiều loại bàn ăn bán sẵn, xuất xứ trong nước hoặc nước ngoài. Chủ nhà cũng thường muốn nhìn tận mắt, sờ tận tay, thỏa thuận giá cả mới mua nội thất về.
Dù làm theo cách thiết kế - thi công hay mua sẵn, việc lựa chọn bàn ăn cũng cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo tính năng sử dụng và tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian.
Số ghế ngồi
Để chọn bàn có số ghế ngồi phù hợp, người sử dụng cần biết rõ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, ví dụ nhà có bao nhiêu thành viên ăn thường xuyên, có hay đón khách tới ăn hay không. Số ghế ít hơn nhu cầu sẽ gây bất tiện. Ngược lại, mua thừa ghế dẫn tới lãng phí bởi số ghế liên quan đến kích thước bàn ăn. Càng nhiều ghế, bàn ăn càng lớn, chiếm diện tích và tạo cảm giác trống trải, thiếu gần gũi trong bữa ăn.
Chọn số ghế phù hợp với nhu cầu thực tế giúp tiết kiệm diện tích và tránh cảm giác trống trải trong bữa ăn. Ảnh: Hà Thành.
Hình dáng và kích thước bàn ăn
Phổ biến nhất là dạng bàn hình chữ nhật, tiếp theo là bàn vuông và bàn tròn. Ngoài ra còn một số kiểu bàn khác như hình bầu dục, bàn dài kiểu chữ nhật nhưng cạnh ngắn vuốt cong hoặc bán nguyệt... Cần căn cứ vào vị trí đặt bàn ăn, diện tích và các hướng tiếp cận xung quanh để lựa chọn hình dáng phù hợp.
Các bàn chữ nhật dùng cho gia đình thường bố trí ghế đối xứng hai phía cạnh dài. Với kích thước như trên, bàn chữ nhật thường có 4 – 10 ghế, phụ thuộc vào kích thước ghế và cấu trúc chân bàn.
Bàn vuông thường chỉ đặt được bốn ghế còn bàn tròn lại rất linh hoạt trong việc xếp ghế, hữu ích trong diện tích nhỏ. Một chiếc bàn tròn đường kính một mét có diện tích nhỏ hơn bàn vuông cạnh 90 cm nhưng lại có thể ngồi được sáu người trong khi bàn vuông chỉ ngồi được bốn người.
Bàn vuông, bàn tròn nên được kê ở vị trí trung tâm, có lối đi xung quanh thuận tiện. Bàn chữ nhật có thể kê áp một cạnh ngắn vào tường.
Hiện nay trên thị trường còn có một số loại bàn mặt cơ động, dễ mở rộng kích thước và thêm ghế khi cần thiết.
Bàn tròn linh hoạt trong việc xếp ghế nên hữu ích trong diện tích nhỏ. Ảnh: Hà Thành.
Chất liệu, màu sắc
Chất liệu và màu sắc bộ bàn ăn nên được cân nhắc theo phong cách nội thất bên cạnh ý thích và thói quen sử dụng. Những bộ bàn ăn với chất liệu mới như kính, thép, inox, đệm da... phù hợp với không gian hiện đại còn chất liệu gỗ hay được dùng cho không gian giản dị hoặc cổ điển. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ là tương đối, gia chủ có thể kết hợp linh hoạt, khéo léo.
Mặt bàn ăn hay được làm bằng kính để tiện vệ sinh. Mặt kính có thể kính chịu lực hoặc chỉ là một tấm kính đặt lên mặt bàn bằng chất liệu khác.
Một số người không thích mặt bàn bằng kính vì cảm giác lạnh lẽo và "ghê răng" khi nghe tiếng bát đĩa va chạm lên mặt kính nên chọn mặt bàn gỗ. Mặt gỗ đem tới sự gần gũi, ấm cúng nhưng cần chú ý giữ vệ sinh. Trường hợp dùng bàn mặt kính mà muốn tránh tiếng va chạm như trên, gia chủ có thể dùng khăn trải bàn.
Với ghế, điều quan trọng nhất là kích thước đảm bảo để ngồi thoải mái và không nặng quá, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ bởi trong quá trình ăn hay phải dịch ghế.
Bộ bàn ghế ăn với chất liệu da, inox hay được dùng cho không gian hiện đại. Ảnh: Hà Thành.
Cấu trúc của bàn
Trước khi mua, gia chủ cần tìm hiểu kỹ hệ khung, chân, mặt bàn có cấu tạo, kiểu dáng như thế nào và đáp ứng được với nhu cầu sinh hoạt không. Có những kiểu bàn xét về kích thước có thể ngồi ba người mỗi phía, nhưng khi ăn xong lại không thu gọn được ghế phía góc vào gầm vì vướng chân bàn.
Những bàn nhỏ nên có một tầng mặt ở dưới để đặt những đồ dùng như giấy ăn, lọ tăm. Tuy nhiên, nếu mặt phụ này chìa ra ngoài nhiều, người ngồi ăn sẽ bị vướng chân.
Bên cạnh đó, cần cân nhắc khi chọn bàn có mặt kính trong suốt với khung chịu lực thưa, không mặt phụ che phía dưới bởi khi người ngồi ăn dễ nhìn thấy chân nhau dưới gầm bàn, có thể gây cảm giác khó xử, bất tiện, nhất là khi mời khách cùng ăn.
Về vị trí, bàn ăn ngày nay hay được đặt về phía phòng khách, phòng sinh hoạt chung hoặc chính là điểm kết nối giữa các không gian đó với bếp. Cách sắp xếp này tạo nên sự trang trọng song cũng bất tiện vì xa khu vực bếp nấu. Nếu có thể, gia chủ nên bố trí một bộ bàn ăn nhỏ ngay bếp để tiện khi bữa ăn có ít người hoặc cần ăn nhanh.
Hà Thành