1. Kết nối không gian

Những không gian dưới đây có thể được kết nối trong điều kiện diện tích nhỏ: Nơi để xe và phòng khách (nếu phòng khách ở tầng trệt); phòng sinh hoạt chung và phòng ăn, phòng ngủ và phòng làm việc, phòng thờ và phòng làm việc... Thực chất đây là sự "vay mượn" không gian. Việc kết nối- vay mượn không gian nhất thiết phải nghiên cứu kỹ mới tạo nên hiệu quả tốt cho công năng và thẩm mỹ.

anh-3-3-5947-1659692877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=32PqVg4ZQ58OIadNysIjAA

Không gian phòng khách và nơi để xe nên kết nối với nhau nếu diện tích nhà nhỏ. Ảnh: Hà Thành

2. Giảm tải không gian

Với những không gian nhỏ hẹp, nếu kê nhiều đồ kích thước lớn, không chỉ chiếm dụng không gian mà còn tạo ra sự bức bí, giảm hệ số chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên.

Cần tránh kê sắp nhiều đồ đạc tại khu vực giữa phòng, giảm chiều cao đồ đạc tối đa. Nên kê đồ bám theo các tuyến tường để tạo khoảng trống ở giữa thuận tiện cho giao thông, cũng như làm cho không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng hơn. Ví dụ như phòng ngủ diện tích nhỏ có thể kê vai giường sát vào tường; hoặc có thể sử dụng đệm đặt trên sàn thay cho giường. Khi đó chiều cao của đệm không đáng kể, làm cho không gian phòng không bị hẹp lại và việc khai thác mặt bằng linh hoạt hơn.

anh-2-2-4433-1659692877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=exDNOaxNjre4ZbtZrv3L3g

Sử dụng đệm đặt trên sàn thay cho giường, khiến không gian thêm thoáng đãng, nhẹ nhàng hơn. Ảnh: Hà Thành

3. Tận dụng chiều cao

Chiều cao thông thủy của phòng ở hiện đại là 2,7 m-3 m. Hầu hết các kích thước cửa, tủ, kệ có chiều cao rơi vào khoảng 2 m-2,2 m. Tuy nhiên đấy là điều kiện lý tưởng. Còn trong điều kiện không gian nhỏ có thể tận dụng tiếp chiều cao lên tới sát trần.

Tủ quần áo, tủ bếp, giá sách... đều có thể làm theo cách này. Phần trên của phòng vệ sinh cũng có thể tận dụng làm kho. Phòng vệ sinh nhỏ nên trần thấp hơn phòng ở bình thường để hợp lý tỷ lệ. Giải pháp đổ trần phụ bê tông để tận dụng phía trên làm kho hiện vẫn được sử dụng. Cần lưu ý, nếu phòng vệ sinh cạnh cầu thang và cửa kho quay về phía thang sẽ tiện dụng hơn nhiều.

4. Tiết kiệm mặt bằng

Việc bố trí nội thất cũng có thể tiết kiệm bằng cách kê hợp lý, loại bỏ những thứ không cần thiết, tần suất sử dụng không cao.

Tránh sử dụng những đồ quá to, hoặc thừa so với nhu cầu. Khai thác tối đa những khoảng trống, những "góc chết" biến thành nơi hữu dụng. Ví dụ như tận dụng gầm cầu thang làm phòng vệ sinh, nhà kho; tivi treo tường thay vì đặt trên kệ; sử dụng hệ thống cánh mở trượt thay vì mở quay để không chiếm dụng mặt bằng.

anh-1-1-7429-1659692877.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9bZSeBn4wJ-j9owtYhBRaw

Bố trí nhà tắm, nhà kho dưới chân cầu thang là giải pháp hữu hiệu với những căn có diện tích nhỏ. Ảnh: Hà Thành

5. Đồ đạc đa năng

Đồ đạc có thể đảm nhận nhiều hơn một chức năng. Việc này được thực hiện khi bố trí nội thất từ khâu thiết kế, kê sắp trong quá trình sử dụng, cũng có thể linh hoạt trong từng hoàn cảnh khác nhau, hay được thiết kế riêng để tạo sự nên sự đa năng đó.

Ví dụ một hệ thống tủ có thể đảm nhận vừa là tủ quần áo, vừa là kệ tivi, vừa là kệ trang trí, giá sách...; bàn ghế ăn có thể chính là bộ bàn ghế tiếp khách, vách ngăn có thể là kệ đựng đồ.

6. Tạo hiệu ứng thị giác tích cực

Trong phòng nhỏ cần chú ý tới các yếu tố đường nét, màu sắc để tạo nên sự thanh thoát, nhẹ nhàng trong cảm nhận thị giác. Cần tránh sử dụng quá nhiều đồ kiểu dáng khác nhau, đồ có chi tiết phức tạp rườm rà; tránh sử dụng màu tối, màu nóng - rực rỡ...

Tất cả những yếu tố này sẽ gây rối mắt, mệt mỏi thị giác và ảnh hưởng không tốt tới tâm lý, sức khỏe. Nên sử dụng các hình khối, đường nét đơn giản, màu trắng, sáng hoặc màu nhã nhặn khác.

Hà Thành

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022