Dịch bệnh khiến việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên tốn kém và khó khăn, nhiều bạn trẻ đã quyết định ở lại Hàn Quốc. không được đón Tết Việt Nam, ai nấy đều không nguôi nỗi nhớ nhà. 

Dù không có đủ điều kiện và may mắn để về nhà đón Tết, họ lại cùng nhau mang trọn vị Tết quê nhà đến xứ sở kim chi với bánh chưng, giò chả, các món ăn truyền thống tự làm, tục lì xì, đi xông nhà.

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599221.jpeg

Minh Phương, Khắc Hoàng, Nguyễn Hùng, Lê Hùng và Xuân Vũ cùng gói bánh chưng đón Tết (Ảnh: NVCC).

"Sẽ không khóc đêm giao thừa"

Nam du học sinh Xuân Vũ tâm sự, cậu tự nhủ sẽ không được khóc vào đêm Giao thừa vì phải mạnh mẽ và vui vẻ để bố mẹ ở nhà được yên tâm.

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599373.jpeg

Nguyễn Xuân Vũ (sinh năm 1997) hiện đang theo học ngành Quản lý du lịch, Trường Gyeonggi (Ảnh: NVCC).

Xuân Vũ chia sẻ: "Dịch Covid-19 khiến mình phải chuyển qua học trực tuyến, điều này cũng có vài ưu điểm nhưng cũng có không ít những vấn đề bất tiện gặp phải. 

Vì mình đã đạt được học bổng chính phủ lần thứ 2 nên càng phải cố gắng, quyết tâm hoàn thành chương trình học, khi đó mình nhất định sẽ quay trở về Việt Nam đón những cái Tết ấm cúng".

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599444.jpeg

Xuân Vũ cùng mọi người đi xông nhà vào mùng Một Tết tại Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).

Trong năm 2022, Xuân Vũ đặt ra mục tiêu cho bản thân là nâng cao giá trị của bản thân và cho xã hội. "Mình muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để truyền lại cho thế hệ đi sau, để các bạn ấy xác định rõ tư tưởng và mục tiêu của bản thân mình", Xuân Vũ nói.

Giò, chả đầy đủ chỉ thiếu vị quê nhà

Ngay từ 28 Tết, Hùng đã cùng mọi người sắp xếp công việc để đi siêu thị chuẩn bị các nguyên liệu chuẩn bị bữa cơm tất niên, nhưng với Hùng thì đâu đó vẫn thiếu đi vị quê nhà.

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599658.jpeg

Nguyễn Văn Hùng, du học sinh ngành Công nghệ thông tin, Đại học Keimyung (Ảnh: NVCC).

Hùng trải lòng: "Vậy là lại thêm một cái Tết xa gia đình, người thân và bạn bè. Một thứ cảm xúc tồn tại gần như đầy đủ những cảm giác tiêu cực nhất như buồn tủi, nhớ mong, cô đơn, day dứt,... 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599753.jpeg

Nguyên liệu làm bánh chưng không thiếu thứ gì từ hại tiêu, thịt mỡ, đỗ xanh, lá rong… (Ảnh: NVCC).

Kể từ ngày dịch bùng, mình không thể về thăm gia đình, thấm thoát cũng đã vài năm. Không biết từ bao giờ mình lại có cảm giác sợ Tết đến như vậy, mình sợ lại phải gieo mình vào màn đêm tối tăm đó, nơi không có ánh đèn của quê hương, không có hơi ấm của gia đình, không có niềm vui quây quần của đám bạn".

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599840.jpeg

Hùng cùng mọi người bàn bạc để đón một cái Tết ấm cúng nơi xứ người (Ảnh: NVCC).

Theo Hùng, những người con đất Việt đang phải chật vật từng ngày ở "miền đất hứa". Bởi: "Dịch bệnh khiến công việc bị giảm đi đáng kể, để trang trải chi phí sinh hoạt và đóng học phí ổn định đã là một điều khó khăn. 

Nhưng với những đồng lương ít ỏi tích cóp được khi vừa học vừa làm thêm trong năm nay, mình cũng không dám liều lĩnh để trở về đoàn tụ cùng gia đình, vì mình biết trong năm tới sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn mà mình phải sẵn sàng để đối mặt".

Với Khắc Hoàng, vị của yêu thương sẽ không bao giờ mất đi dù ở nơi đâu, chỉ mong dịch bệnh sớm đi qua và được về đoàn viên vào năm sau. 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475599953.jpeg

Lê Khắc Hoàng (sinh năm 2000) hiện đang theo học ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Sogang (Ảnh: NVCC).

"Mình nhớ về đêm 29 ngồi bên nồi bánh chưng với ngọn lửa hồng, được cùng gia đình diện những bộ quần áo mới đi chúc Tết ông bà, người thân. Hay những việc tưởng chừng rất ghét giống như việc dọn nhà đón tết, giờ đây đó lại trở thành nỗi nhớ, kỉ niệm khó phai", Khắc Hoàng bộc bạch. 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475600224.jpeg

Số bánh chưng mà Khắc Hoàng đã cùng các bạn gói để đón Tết và mang tặng bạn bè ở Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).

Điều khiến Khắc Hoàng tự hào về thành quả năm 2021 mang lại chính là hỗ trợ cách ly cho hơn 900 du học sinh Việt Nam và quốc tế nhập cảnh đến Hàn Quốc. 

"Cùng là những người con xa quê hương, mình hiểu các bạn đang cần gì và đối mặt với những nỗi sợ ra sao. Do đó, mình mong rằng bản thân mình có thể trở thành cầu nối giúp các bạn sinh viên Việt Nam đến với con đường du học Hàn Quốc. 

Có thể giúp các bạn có những định hướng rõ ràng hơn, những góc nhìn thực tế hơn về Hàn Quốc. Và đặc biệt là tầm quan trọng của tiếng Hàn và sự hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc", Khắc Hoàng chia sẻ.

Khắc Hoàng chỉ mong năm mới cho gia đình, người thân luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Mong rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những người mình yêu thương nhất. 

Bản thân Khắc Hoàng sẽ ngày càng trưởng thành hơn, thành công hơn nữa. Những cố gắng đó có thể trở thành một giá trị tích cực đối với cộng đồng và mình có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa những du học sinh Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc.

Cùng xem Táo Quân, ăn mứt đêm giao thừa

Đã hơn 2 năm không thể về Việt Nam, nhưng Tết Nguyên đán năm nay Hùng cảm thấy may mắn vì có những người bạn bên cạnh, cùng xem Táo Quân đêm giao thừa và ăn mứt bí, mứt cà rốt…

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475600405.png

Lê Văn Hùng, du học sinh ngành Kỹ thuật điện tử dung hợp, Trường Đại học Kwangwoon (Ảnh: NVCC).

Hùng cho hay: "Mình dần quen với cảm giác ăn tết ở xứ xa, không thể về ăn Tết với gia đình ở Việt Nam, điều đó khiến mình không thể làm chủ được cảm xúc mỗi khi nhắc tới. 

Đi chợ mua hoa, mua đồ về cùng trang trí với bố, nấu món ăn ngon với mẹ là một điều xa xỉ mà rất lâu rồi mình chưa được cảm nhận. Nhìn gia đình vui vẻ sum họp bên mâm cơm ngày Tết em lại càng quý báu hơn giá trị hai chữ đoàn viên. 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475600686.png

Hộp kẹo trọn yêu thương có mứt gừng cay cay, mứt hạt sen bùi và cả thịt bò sấy khô do chính tay các bạn tự làm (Ảnh: NVCC).

Đi đâu dù xa hay gần, mong muốn đầu tiên của đứa con xa quê là được về ăn Tết với bố mẹ. Cảm xúc nhớ nhà tràn ngập trong con người mình khi nhìn thấy người người nhà nhà khoe hình lên mạng được đoàn viên với gia đình".

Hùng sẽ cùng nhóm bạn ở lại Hàn Quốc để đón Tết. Cùng gói bánh chưng, cùng đi chợ mua con gà, giò hay tự làm ra những cành đào viết chữ thư pháp.

Từ nhỏ đến lớn, Hùng được sống trong sự yêu thương và đùm bọc của ông bà ngoại, ông bà nay cũng như "chuối chín cây" khiến Hùng càng nhớ mong và hướng về gia đình hơn.

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475601007.jpeg

Hùng cũng đã tự tay làm dưa hành muối và thịt kho trong mâm cơm tất niên (Ảnh: NVCC).

"Suốt năm vừa rồi, ông nội và ông ngoại đều đổ bệnh, tình hình bệnh tiến triển nặng nhưng bản thân là một người cháu, mình chưa thể về thăm hai ông được. 

Hiện tại sức khỏe của hai ông không quá xấu nhưng bản thân mình vẫn mong muốn được về thăm và chăm sóc hai ông, để báo hiếu và làm tròn bổn phận một người con người cháu trong gia đình", Hùng nghẹn ngào. .

Mục tiêu được Hùng đặt ra trong năm 2022 chính là khởi nghiệp. Vì Hùng nhận thấy tuổi mình còn khá trẻ, mong muốn bản thân mình mang lại một giá trị nhân văn nào đó cho thế hệ trẻ theo sau. 

"Thành công nó không đánh giá vào tuổi tác hay kinh nghiệm của bạn, tuy nhiên nó sẽ phản ánh sự cố gắng của bạn để đạt được thành công là bao nhiêu. 

Bản thân mình để đạt được một mục tiêu nào đó luôn cố gắng phấn đấu gấp đôi, gấp ba lần người khác. Trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng", Hùng nhấn mạnh. 

"Ở Hàn Quốc tôi thiếu gì? Tôi thiếu thứ mà chẳng có gì có thể mua được" 

"Nhiều người hỏi, ở nước ngoài tôi thiếu gì? Tôi thiếu thứ mà không gì có thể mua được. Tôi thiếu thứ mà chỉ có ai ở xa nhà mới cảm nhận được.

 Để có thể tìm được cảm giác như còn ở quê hương, tôi chỉ biết vào bếp làm những món ăn Việt Nam. Lúc ấy tôi có cảm giác như mình được đưa về một góc trời quê, gặm nhấm từng ký ức quen thuộc để vơi đi nỗi nhớ nhà", Giáo sư Minh Phương tâm sự. 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475601233.jpeg

Lê Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1987, hiện là Giáo sư của Đại học Joongbu - Hàn Quốc). Cô cũng là người dẫn chương trình chuyên mục "Chuyện từ Seoul" của Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc (Ảnh: NVCC).

Giáo sư Minh Phương chia sẻ: "Năm ngoái, mình cùng các em gói bánh chưng, làm ít bánh mứt như mứt gừng, mứt hạt sen.. để bớt nhớ không khí rộn ràng mỗi khi Tết đến ở Việt Nam. 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475601432.png

Ngoài bánh chưng, giáo sư Minh Phương còn gói cả bánh tét (Ảnh: NVCC).

Năm nay cũng vậy, mình cùng nhóm bạn thân thiết đã kịp cùng nhau mua lá dong, mua lạt, đậu xanh và gạo nếp về để gói bánh. Chúng mình đã dành nguyên một ngày để cùng nhau chuẩn bị, gói bánh, trò chuyện về năm cũ và kể cho nhau nghe những dự định trong năm mới. 

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475601590.jpegGiáo sư Minh Phương cùng các em du học sinh chuẩn bị tỉ mỉ gói bánh chưng. 

Dù không thể nấu bánh trong bếp củi như những ngày bé ở Việt Nam mà chỉ có thể nấu bằng bếp điện từ, nhưng những câu chuyện, những sự chia sẻ, và những giây phút cùng ngồi bên nhau bên nồi bánh chưng đã là những phút giây rất đáng nhớ với tất cả tụi mình, kéo tụi mình xích lại gần nhau hơn, hiểu cho cảm xúc của nhau nhiều hơn.

Cũng nhờ vậy mà mình đã vơi bớt đi nỗi nhớ nhà khi trải qua những ngày cuối năm một mình giữa mùa đông lạnh giá tuyết phủ trắng trời ở Hàn Quốc".

tet-cua-du-hoc-sinh-viet-tai-han-du-du-day-van-khac-khoai-nho-que-huongdocx-1643475601741.jpeg

Giáo sư Minh Phương đã dành cả một ngày để có thể cùng các em chuẩn bị mọi thứ, gác lại mọi bộn bề của công việc (Ảnh: NVCC).

Hiện nay Giáo sư Minh Phương cũng là Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc kiêm Trưởng ban Đối ngoại và Truyền thông nhiệm kỳ 2021-2023. . 

"Trong năm mới, mình đặt mục tiêu sẽ thu xếp công việc để có thể dành thêm thời gian cho những người thân của mình nhiều hơn, sống chậm lại một chút để cùng nhau có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ ở Hàn Quốc hơn", Minh Phương nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022