Trong một lần tình cờ, chúng tôi tham gia một buổi triển lãm về thiết kế đồ tái chế tại Q.3, TP.HCM. Những sản phẩm “2 trong 1” của chị Phạm Phan Hoàng Linh, 32 tuổi, Quảng Nam, đã làm cho mọi người vô cùng thích thú.
Đó là những sản phẩm có nhiều công năng như vừa làm túi xách, vừa làm nón và điều đặc biệt chúng được may từ những mảnh vải vụn đã bỏ đi.
Từ chiếc túi xách... Ảnh: Tấn Đạt |
Không đợi mọi người chờ lâu, ngay lập tức chị Linh đã “thị phạm” cho chúng tôi xem, và chỉ cần mất hơn 10 giây để chị “biến” túi xách thành một chiếc nón vô cùng gọn gàng và thời trang.
Chị Linh chia sẻ: “Lúc đầu mình chỉ làm ra nón nhưng thấy bình thường quá nên suy nghĩ phải tạo một ra sản phẩm có nhiều công năng thì sẽ hay và được mọi người chú ý nhiều hơn. Thế là mình nghĩ ngay đến việc kết hợp giữa nón và túi xách”.
... chị Linh mất 10 giây để làm thành chiếc nón nhờ những chiếc nút bấm đơn giản Ảnh: Tấn Đạt |
Video chị Linh hướng dẫn "biến" túi xách thành nón |
Chị Linh cho biết để “biến” túi thành nón thì chỉ cần gắn thêm những cúc bấm xoay quanh vành nón. Tùy sở thích của mỗi người, mà có thể gấp 4 cạnh của vành nón lên hoặc chỉ 2. Còn phần quai túi xách có thể tháo ra hoặc để làm phụ kiện khi làm nón.
Những đường tua rua được chị Linh cố tình tạo nên giúp sản phẩm có điểm nhấn Ảnh: Tấn Đạt |
Tận dụng cúc áo để làm phụ kiện Ảnh: Tấn Đạt |
Túi đeo một bên được chị Linh tỉ mỉ may những đường xếp ly thẳng tắp Ảnh: Tấn Đạt |
“Vành nón nên làm hình vuông thì sẽ linh hoạt hơn. Còn vải là loại vải dệt bông được giặt sạch từ những bộ quần áo bỏ đi của người H'mông. Thật sự, khó nhất là phần lên ý tưởng, còn về thiết kế, làm ra sản phẩm thì không khó. Để tạo tính nghệ thuật, mình tạo ra những tua rua cho đẹp, còn các mảnh vải bị rách thì nên tùy biến đưa vào...”, chị Linh nói.
Chị Linh bày tỏ: “Việc tái chế những bồ đồ cũ, hay vải vụn không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Nếu sản phẩm được đón nhận rộng rãi mình sẽ tiêu thụ được lượng “rác” lớn, đồng thời còn tạo được công ăn việc làm cho người dân vùng núi (Tây Bắc)…”.