Gen Z đang định nghĩa lại khái niệm cân bằng giữa công việc và cuộc sống (Ảnh: Getty Images).
Kimi Kaneshina, 24 tuổi, có một công việc toàn thời gian: cuộc sống.
Cô đang làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều trong lĩnh vực marketing, nhưng trong một video đăng trên TikTok hồi tháng 3, thu hút hơn 50.000 lượt thích, cô nói rằng chỉ coi công việc toàn thời gian thực sự như là việc làm bán thời gian, còn cuộc sống mới là công việc toàn thời gian.
Kaneshina chia sẻ với trang Insider rằng cô đang vật lộn với tình trạng kiệt sức khi nghe một người bạn nói về xu hướng TikTok này. Cô ấy thấy rất nhiều người bỏ việc, quyết định thay đổi tư duy, và đăng về điều đó.
Gen Z, thế hệ hiện chưa đến 26 tuổi, dự kiến sẽ chiếm khoảng 27% lực lượng lao động vào năm 2025. Họ đang đi đầu trong cuộc "đại khủng hoảng lao động" (Great Resignation) vì họ vỡ mộng với thế giới công việc cũ. Họ cho rằng công việc không nhất thiết phải theo cấu trúc làm từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều; nó có thể hoàn thành trong thời gian cần hoàn thành, để lại nhiều khoảng trống cho cuộc sống.
Các thế hệ khác đang dõi theo những Gen Z rời bỏ văn phòng, chuyển ra ngoài làm việc từ xa và coi cuộc sống cá nhân như công việc toàn thời gian mà thấy ghen tị.
Lối làm việc không lành mạnh xưa cũ
7 năm trước, Sara Stewart, một Gen X 49 tuổi, đã bỏ lại công việc văn phòng ở New York để trở thành một nhà văn tự do, làm việc từ xa. Bà ấy luôn chán ngán công việc văn phòng và có cảm tưởng thế hệ mình (độ tuổi 42-57) và cả thế hệ trẻ hơn (26-41 tuổi), được kỳ vọng sẽ theo "một số kiểu làm việc khá là không lành mạnh".
Bà cho rằng không thể chấp nhận việc chốn công sở không hề có chính sách gì có lợi cho sức khỏe tinh thần cho nhân viên và có cảm giác mình đang trốn việc nếu dành ra một tiếng trong ngày để tập gym.
"Tôi muốn khám phá mô hình cân đối giữa công việc và cuộc sống lành mạnh hơn", bà nói.
Tuy nhiên, bà không nhận thức được việc phải có ranh giới cho công việc, cho đến khi bắt đầu đọc các bài báo về việc Gen Z đang sống chậm lại, thu xếp những ngày nghỉ ngơi thư giãn và trả lại công việc cho sếp. Stewart ngưỡng mộ kiểu làm việc này của Gen Z đến mức đã viết một bài báo cho CNN chia sẻ lý do tại sao bà ghen tị với điều đó.
Bà cho biết đã thấy những người ở độ tuổi của bà, hoặc già hơn, nói rằng họ nghĩ đó là một lối sống tích cực, và rằng họ ước là đã dám phản đối nhiều hơn với những kỳ vọng truyền thống về công việc.
Một người như vậy là Cayne Letizia, giáo viên cấp 2, 45 tuổi, tự gọi mình là một "Gen X ghen tị".
"Rất nhiều kỳ vọng đặt lên thế hệ của tôi, như phải đi học, vào đại học, lập gia đình - đó chỉ là những lựa chọn trong cuộc đời", ông nói.
Nhưng ông ấy đã nhận thấy điều gì đó khác biệt ở những học sinh của mình trong vài năm qua. Khi tốt nghiệp đại học, họ đi du lịch nhiều hơn hoặc tìm kiếm công việc phù hợp với sở thích.
Tất nhiên, phần lớn cuộc tranh luận này diễn ra trong một loại công việc nhất định, thường là nhân viên văn phòng, những người không cần nhiều hơn một chiếc máy tính để hoàn thành ngày làm việc. Nhưng những người có thu nhập thấp cũng đang phản ứng ngày càng mạnh mẽ. Trong năm qua, tỷ lệ người bỏ việc cao gần chạm ngưỡng kỷ lục. Việc này dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân sự cho một số doanh nghiệp.
Tuy nhiên, như nhà báo Áine Cain của trang Insider ghi nhận, sự thiếu hụt đó có thể bù đắp một phần bằng việc tạo cho người lao động chân tay các đặc quyền giống như khối làm việc văn phòng. Những lợi ích như hỗ trợ trả khoản vay sinh viên và hỗ trợ sức khỏe tinh thần mà Gen Z đã đề cập chính là chìa khóa để có được lòng trung thành của họ.
Không phải tất cả phản hồi đều tích cực
Trong một video đăng trên TikTok với hơn 50.000 lượt thích, Avery Monday, 21 tuổi, đứng trước một cây cọ. Dòng chữ trên màn hình có nội dung: "Những người thuộc thế hệ Baby Boomer mỉa mai rằng tôi có thể làm việc từ thiên đường. Tuy nhiên, thời gian tự do của tôi là không giới hạn, sếp của tôi không quản lý vi mô đối với tôi, họ ưu tiên sức khỏe tinh thần của chúng tôi, ban lãnh đạo thực sự quan tâm đến chúng tôi, tôi làm việc tại nhà và họ trả tiền Spotify/tập gym cho chúng tôi".
Avery Monday (Ảnh: NVCC).
"Tôi đã tốt nghiệp và gia nhập lực lượng lao động với ý nghĩ rằng, tôi sẽ làm việc cực nhọc cho đến khi chết", Monday, một giám đốc marketing có ảnh hưởng trên mạng xã hội, chia sẻ với Insider. "Sau đó, thông qua công việc, đồng nghiệp của tôi, sếp của tôi, tôi nhận ra rằng không phải vậy, và không nhất thiết phải như vậy".
Monday cho biết cô cũng hứng khá nhiều chỉ trích từ thế hệ đi trước. "Lười biếng" là từ cô thường xuyên được nghe
Sara Stewart cho biết cô và một số bạn bè có thảo luận về vấn đề này. Họ thấy ghen tị với lối sống tự do và linh hoạt của Gen Z.
Stewart nói: "Trong khi chúng tôi phải lén lút thì thầm một số chuyện, hoặc sau giờ làm việc mới được uống rượu thì giờ đây lứa trẻ thoải mái làm tất cả ở nơi làm việc".