Thế là năm Nhâm Dần sắp trôi qua, người người nhà nhà sắm sửa để chuẩn bị cho cái Tết ấm no, sum vầy. Chỉ còn vài tuần nữa, nhìn dòng người chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, mua bán mai đào mà lòng tôi cũng cảm thấy nô nức, háo hức.
Tuy vậy, khi nhìn sang những cái vali nặng trĩu các cô cậu sinh viên đứng ở bến xe qua màn hình điện thoại, lòng tôi lại thêm trĩu nặng.
Nhớ cảnh bà con vùng quê thân thương nô nức đi sắm Tết (Ảnh minh họa: Pixabay).
Không phải mỗi tôi, những người anh em xa quê giờ này chắc hẳn cũng đang cảm thấy buồn tủi, não nề vì nhớ nhà.
Tôi đã rời xa vùng quê Con Cuông (vùng núi Tây Nam Nghệ An) yêu dấu được 2 năm đi xuất khẩu lao động để mưu sinh. Hiện tôi đang sống và làm việc tại Tokyo Nhật Bản.
Khi đang còn là một đứa trẻ, tôi từng thắc mắc rằng Tết có gì mà người ta lại vui đến thế? Không phải Tết chỉ để trẻ nhỏ nhận lì xì? Người lớn ăn uống tụ tập sau một năm làm việc vất vả? Tôi đã nghĩ Tết cũng chỉ là dịp để người ta nghỉ ngơi, vui chơi chào đón năm mới. Nhưng không, sau này, khi sống ở nơi xa xứ người, tôi mới nhận ra ý nghĩa thực sự của cái Tết cổ truyền.
Tết nguyên đán của nước ta có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó chính là lúc chúng ta hoài niệm và rút kinh nghiệm cho một năm cũ đã qua. Là khi ta mang trong mình niềm hy vọng, niềm tin vào một năm mới an khang, thịnh vượng, tốt đẹp hơn năm cũ. Không những thế, đó còn là khoảng thời gian thiêng liêng, đoàn tụ của mọi gia đình.
Nghĩ và ngẫm lại, tôi thấy khoảnh khắc đẹp nhất là lúc được đón giao thừa với gia đình. Mùa đào đến gần, tôi hoài niệm về quá khứ đã xa, nhớ về quãng thời gian cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng. Mấy anh em trong nhà không dám ngủ chỉ để ngồi trông bánh chín. Hay chỉ đơn giản là lúc mấy đứa trẻ tị nạnh nhau việc dọn nhà. Thật ấm áp, trái tim tôi dường như đang tan chảy bởi những ký ức đẹp đẽ.
Mỗi khi hơi thở của mùa xuân ùa về, tôi lại thấy nhớ mẹ da diết. Tôi chọn đi trên con đường rời xa quê hương để lập nghiệp vì khát vọng đổi đời, làm giàu. Niềm mong ước xây nhà cho cha mẹ, khao khát có kinh tế để chăm lo cho gia đình. Bởi lẽ, người phụ nữ sinh ra tôi nay đã có tuổi. Bà đã hy sinh tuổi xuân chỉ vì nuôi dạy những đứa con thơ, chắt chiu từng đồng mưu sinh và chăm lo cho gia đình.
Thế là tôi lại chuẩn bị đón thêm một mùa xuân xa nhà. Hiện tại tôi không còn lạ lẫm với việc đón Tết ở nơi đất khách quê người. Nhưng tâm trạng tôi mỗi khi xuân về vẫn luôn khắc khoải trào dâng nỗi nhớ quê hương tha thiết. Nhớ lại những tháng ngày mới đặt chân nơi đất khách quê người, mọi thứ thật mới lạ, bỡ ngỡ.
Ở đây, xứ sở hoa anh đào chỉ đón mỗi dịp lễ dương lịch. Và chỉ khi xa xứ tôi mới cảm nhận rõ được nét đặc trưng thật đẹp, đáng được đề cao, tôn vinh của đất nước mình. Dẫu vậy, những đứa con xa quê vẫn cố gắng tụ họp đón Tết tây, Tết ta đầy đủ.
Anh em đồng hương Nghệ An tại Nhật tụ họp nhân dịp Tết dương lịch (Ảnh: NVCC).
Nhớ lại những ngày đầu sống và làm việc tại đất nước mặt trời mọc, tôi lại thấy có chút bồi hồi, xao xuyến. Những ngày mới qua, mọi thứ thật lạ lẫm. Tôi đã khóc nguyên một tháng trời chỉ vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Dẫu biết, ai rồi cũng phải rời xa vòng tay chở che của mẹ để vỗ cánh bay xa, nhưng con đường này thật gian nan, vất vả.
Những ngày đi làm về trong những lớp tuyết trắng xóa, tôi lại thấy thèm khát cái khí hậu nóng ẩm của nơi quê nhà. Những ngày gió Lào nồm thổi như muốn cháy cả da thịt khi tôi đi chăn trâu cùng lũ bạn. Hay những cơn mưa bất chợt của ngày hạ làm người ta không kịp hốt lúa vào nhà. Nhớ lại khoảnh khắc bồi hồi ấy, tôi lại mường tượng giọt nước mắt lấp lánh rơi trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ.
Nhớ mẹ, người phụ nữ một đời lam lũ vì con (Ảnh: Canva).
Mùa Tết năm đó không có người thân, bạn bè bên cạnh. Năm đó, kinh tế còn chưa khá giả, chàng thanh niên 21 tuổi chỉ có thể lủi thủi một mình sau một ngày làm việc mệt nhọc, gọi điện đón giao thừa qua màn hình điện thoại cùng gia đình. Tôi tủi thân, òa khóc, mẹ lại vỗ về, âu yếm như thuở còn thơ.
Sau này, khi đã quen với cuộc sống ở môi trường mới, tôi có quen thêm được nhiều anh em người Việt đi làm ở Nhật. Chúng tôi tụ họp vui chơi, ăn uống vào những ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết. Tuy ở đây không thể đầy đủ, ấm cúng bằng ở nhà, nhưng những trái tim xa quê sưởi ấm cho nhau, động viên, an ủi nhau khiến tôi đỡ buồn tủi, cô đơn.
Giao thừa của chúng tôi vẫn có bánh chưng, chả lụa, có đầy đủ thực đơn ngày tết. Đặc biệt là tình người nồng đượm.
Thế đấy, khi đi xa mới biết giá trị của ngày lễ đoàn viên. Bởi vậy, những anh em ở gần hay xa, nếu có cơ hội, kinh tế, hãy trở về nhà với gia đình. Hưởng thụ cảm giác ấm cúng từ hơi ấm tình thân, cảm nhận những cái ôm nồng ấm của cha mẹ. Bởi lẽ, con người ta thường không biết cách trân trọng những điều nhỏ bé trước khi nó trở thành kỷ niệm.
Chúc những anh em xa quê có một cái Tết an lành, không cô đơn, có sức khỏe, kinh tế, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình thân yêu!