Theo khảo sát thường niên của Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF), ước tính tổng chi phí người Mỹ bỏ ra cho mùa Valentine năm nay là 25,9 tỷ USD - con số cao thứ hai kể từ khi NRF bắt đầu theo dõi chi phí người Mỹ bỏ ra cho Valentine vào năm 2004. Vào năm ngoái, con số này rơi vào khoảng 23,9 tỷ USD.

nguoi-my-len-ke-hoach-mua-sam-cho-dip-le-vanlentine-chi-phi-len-toi-26-ti-do-ladocx-1675653694724.jpeg Người Mỹ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn vào dịp lễ tình nhân (Ảnh: Pexels)

Theo kết quả, chỉ có một nửa số người được khảo sát cho biết họ đã lên kế hoạch cho ngày lễ tình nhân và không phải ai cũng mạnh tay chi tiền cho ngày lễ này. Chuyên gia tài chính Pattie Ehsaei dành lời khuyên cho những người muốn tổ chức ngày lễ Tình nhân cho nửa kia của mình: "Đừng để mình mắc nợ vì tình yêu".

Chuyên gia Ehsaei với 20 năm kinh nghiệm tư vấn các vấn đề liên quan đến tài chính, việc làm và các hoạt động xã hội cho biết, quy tắc "không mắc nợ vì tình yêu" là quy tắc quan trọng hàng đầu với mọi cặp đôi.

Dưới đây là thống kê về mức chi tiêu dự định của người tiêu dùng cho mùa Valentine:

Những người thuộc thế hệ Gen Y dự định chi khoảng 300 USD.

Nếu tiền mua được tình yêu thì chắc hẳn Gen Y sẽ là những người có mối tình lãng mạn nhất. Những người có độ tuổi từ 35 đến 42 dự định chi trung bình 336 USD cho ngày lễ tình nhân - con số lớn nhất trong các nhóm tuổi được khảo sát.

Nhóm tuổi từ 25 đến 34 dự định chi 238 USD cho dịp lễ này. Đây là hai nhóm tuổi chi trả nhiều hơn mức trung bình. Theo khảo sát, mức trung bình mà mỗi người chi trả cho dịp lễ Valentine là 193 USD.

Trong nhiều năm qua, những món quà tặng trong dịp lễ tình nhân đã có nhiều thay đổi, làm mới. Tuy nhiên, những mặt hàng truyền thống như sô cô la, kẹo và thiệp vẫn luôn là món quà được nhiều người yêu thích và mua tặng nửa kia của mình.

Dưới đây là thống kê những mặt hàng được yêu thích nhất mùa lễ Valentine:

Kẹo: 57%

Thiệp chúc mừng: 40%

Hoa: 37%

Một buổi hẹn hò: 32%

Trang sức: 21%

Phiếu quà tặng: 20%

Quần áo: 19%

Kẹo và đồ ngọt luôn là món quà được nhiều người lựa chọn để dành tặng nửa kia (Ảnh: Pexels)

Bên cạnh đó, ngày lễ tình nhân còn là ngày được rất nhiều chàng trai lựa chọn để cầu hôn cô gái của mình. Theo trang Wedding Wire, ngày lễ tình nhân là ngày có nhiều cặp đôi đính hôn nhất trong năm 2020. Tuy nhiên, giá của một chiếc nhẫn không hề rẻ và bạn cần có sự chuẩn bị trước. Theo nghiên cứu của The Knot vào năm 2021, một chiếc nhẫn đính hôn có giá trung bình 6.000 USD.

Ngoài ra, đây còn là dịp thích hợp để cầu hôn (Ảnh: Pexels)

Chuyên gia Ehsaei chia sẻ: "Các cặp đôi cần trò chuyện thẳng thắn và nghiêm túc về vấn đề tài chính trước khi kết hôn. Điều này sẽ giúp cả hai bên thống nhất về những mục đích và mức chi tiêu, bao gồm cả chi phí khi đính hôn - điều này sẽ giúp cặp đôi tránh khỏi những hiểu lầm không đáng có".

Khi kinh tế không cho phép, chúng ta cần cân nhắc để chi tiêu sao cho hợp lý. "Chúng ta không nhất thiết phải mua nhẫn kim cương tự nhiên - chúng rất đắt. Một chiếc nhẫn với kim cương nhân tạo hoặc đá Moissanite là một sự thay thế không tồi, chúng vừa hợp với túi tiền mà vẫn có thể khiến nửa kia của bạn cảm động", Ehsaei đưa ra lời khuyên.

Không chỉ nhẫn kim cương, chúng ta hoàn toàn có thể thay thế những món quà đắt tiền với những món quà gần tương tự và vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa. Nếu hoa hồng tươi quá đắt với bạn, hãy thử cân nhắc hoa hồng khô. Hoa hồng khô có giá thành thấp hơn gần một nửa và có thể bảo quản trong vài tháng, thậm chí vài năm.

Ehsaei kết luận: "Chúng ta không cần chi quá nhiều tiền để bày tỏ tình yêu của mình. Nếu hai bên định tặng quà cho nhau, họ có thể cùng đưa ra một mức giá và tìm những món quà trong tầm giá đó để tránh làm đối phương khó xử. Như vậy, những món quà sẽ không còn là nỗi lo và không ai phải "mắc nợ vì tình yêu".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022