Một cô gái giấu tên tâm sự: "Tôi vừa ký hợp đồng thuê nhà với bạn trai và tôi cảm thấy như những cánh cửa đang đóng lại với mình. Tôi đang hoảng loạn, đầy lo lắng và sợ hãi. Tôi đã trì hoãn quyết định này càng lâu càng tốt dù tôi từng nghĩ rằng, ký hợp đồng thuê nhà với bạn trai sẽ khiến tôi cảm thấy tốt hơn.
Tôi không biết mình có yêu anh ấy không. Tôi không biết liệu mối quan hệ này có thực sự kéo dài hay không. Đó là mối quan hệ lâu dài đầu tiên của tôi (chúng tôi đã hẹn hò được hai năm) và khi tôi bày tỏ sự nghi ngờ của mình với bạn trai, anh ấy nói với tôi rằng đó là suy nghĩ bình thường.
Bạn trai tôi nói rằng không ai thực sự biết liệu mối quan hệ tình cảm của mình có kéo dài hay không. Sự căng thẳng và nghi ngờ đó là suy nghĩ bình thường. Anh ấy cho rằng tôi sợ phải ràng buộc.
Có phải tôi chỉ đơn thuần là sợ ràng buộc hay tôi đang ở trong một mối quan hệ sai lầm? Làm thế nào để phân biệt điều đó?".
"Sau khi thuê nhà với bạn trai, tôi trở nên hoảng loạn" (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Sophia Benoit, nhà văn nổi tiếng ở Los Angeles, Mỹ, đã có câu trả lời cho vấn đề này. Sophia thường xuyên viết bài cho các chuyên mục về tình yêu, chuyện hẹn hò và văn hóa cho các tạp chí tên tuổi như GQ, The Cut, The Guardian, Allure, Refinery29. Cô luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích về chuyện tình cảm của các cặp đôi.
Văn sĩ Sophia Benoit chia sẻ: "Bản thân tôi là một người từng sợ ràng buộc nên tôi rất đồng cảm với vấn đề của bạn. Tôi cũng từng suy nghĩ rối ren về một mối quan hệ rằng, có phải kỳ vọng của tôi quá cao hay cuộc sống là như vậy? Có phải mọi mối quan hệ đều như thế?
Bạn trai của bạn đúng một nửa khi nói rằng không ai thực sự biết liệu mối quan hệ tình cảm của họ có kéo dài hay không. Tôi không nói với bạn rằng bạn phải chia tay với anh chàng này nhưng cách bạn mô tả mối quan hệ của hai bạn có vẻ không thực sự vui vẻ.
Bạn đã không đề cập đến bất cứ một điều tích cực nào khi nói về tình trạng mối quan hệ hiện tại của bạn. Hầu hết mọi người, khi họ viết thư hỏi tôi về việc liệu họ có nên chấm dứt mối quan hệ của mình hay không, họ đều nói rằng họ không dễ "dứt áo ra đi" vì người kia có những ưu điểm rất tuyệt vời.
Những từ bạn đã sử dụng khi mô tả về mối quan hệ của mình chỉ bao gồm "lo lắng", "sợ hãi", "nghi ngờ" và "phát hoảng". Điều đó là không ổn. Tôi muốn nói bạn nghe một điều: Nghi ngờ là bình thường, thắc mắc là bình thường nhưng khổ sở thì không.
Nếu sau hai năm bên nhau, bạn vẫn thắc mắc liệu mình có yêu bạn trai hay không và có vẻ như bạn trai của bạn cũng nghĩ vậy thì đó là những dấu hiệu khiến tôi cảm thấy lo lắng cho mối quan hệ của hai bạn.
Điều đó không có nghĩa là anh ta tệ hại hay bạn hư hỏng. Có thể hai bạn chỉ đơn giản là không phù hợp. Bạn cảm thấy buồn nhưng thuê nhà sống cùng nhau sẽ không làm giảm bớt nỗi buồn đó.
Với quan điểm của tôi, phương thuốc duy nhất để giải quyết nỗi đau là tách nhau ra và để cuộc sống của hai bạn phát triển theo những hướng khác nhau, để trái tim bạn tràn ngập những điều tốt đẹp, dễ chịu mà không chứa đầy nghi ngờ và lo lắng.
Bây giờ, hãy chuyển sang phần thứ hai của câu hỏi hóc búa của bạn - chứng sợ ràng buộc. Gắn bó với ai đó trong hai năm dường như đã là một cam kết ràng buộc. Bạn dường như đang làm rất tốt công việc vượt qua nỗi sợ ràng buộc.
Lời khuyên của tôi là: Làm ơn chỉ vượt qua nỗi sợ hãi đó vì những điều xứng đáng. Bởi vì chuyển đến sống với ai đó không nên cho bạn cảm giác đau buồn.
Tôi có một số câu hỏi lớn dành cho bạn, đó là: Bạn muốn cuộc sống của mình như thế nào? Tình yêu lâu dài có quan trọng với bạn không? Bạn có thực sự thích ràng buộc với ai đó? Các câu trả lời không nhất thiết phải là "có".
Một số người cảm thấy rằng họ không thực sự muốn có những thứ mà hầu như tất cả chúng ta đều được dạy phải mong muốn. Nếu bạn thấy rằng bạn thực sự muốn ràng buộc, nhưng lại sợ hãi điều đó, thì tôi muốn trấn an bạn rằng, một ngày nào đó, sẽ có người xuất hiện và làm cho những nỗ lực của bạn trở nên xứng đáng.
Ràng buộc với một người nào đó vẫn luôn có chút đáng sợ và thậm chí có thể hơi buồn bởi vì cam kết với một lựa chọn thường có nghĩa là bạn không thể có những lựa chọn khác. Tuy nhiên nó cũng sẽ rất thú vị.
Không có câu trả lời đúng hay sai khi nói đến những gì bạn làm tiếp theo. Chỉ có những manh mối về điều gì có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn hoặc tốt hơn khi nghĩ về hướng đi của cuộc đời mình và những manh mối đó rất đáng để lắng nghe.
Bạn hãy tự hỏi, khi nào bạn hạnh phúc? Khi nào bạn khốn khổ? Bạn sợ điều gì? Bạn không cần phải gắn bó với thứ gì đó chỉ để chứng minh rằng bạn có thể làm được hay chịu được. Bạn được phép nói: "Tôi đã thử làm điều này và đó không phải là điều tôi muốn".