Đạp xe về quê ăn tết là câu chuyện của Trần Thanh Di, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Di vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp bước qua thời sinh viên. Di muốn thử thách bản thân mình nên đã quyết định đi xe đạp hơn 300 km về quê ăn tết.
“Mày đi không nổi đâu!”
Quê Di ở Cà Mau. Suốt thời sinh viên, Di đã từng ôm ấp ý định đạp xe đi một nơi xa nào đó. Nhưng từ lúc mua xe đạp đến nay Di vẫn chưa thực hiện được. Ngay từ lúc đưa ra quyết định, bạn bè Di ai cũng cười và không tin, mọi người đều khuyên không nên đi. “Mày đi không nổi đâu” là câu nói bạn bè nhận xét khi biết ý định này. Thời của xe máy, ô tô, ngay trong nội thành, người ta còn lười đi xe đạp, huống gì đi hơn 300 km. Cũng có bạn bè tin nhưng có người lại bảo Di chia sẻ ý định trên trang Facebook cá nhân để “làm màu”.
Nhưng chính những lời nói đó làm cho Di quyết tâm hơn để đạt được mục tiêu cho bằng được.
Di trên đường về nhà T.D |
Di chia sẻ: “Mình chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển vì mình đã từng đi về quê bằng xe máy nên nghĩ sẽ không có vấn đề gì. Chẳng qua thời gian sẽ dài hơn thôi. Đồng thời, mình sắp đi làm nên muốn có một điều gì đáng nhớ của thời sinh viên. Mình muốn trải nghiệm thực tế và thử thách bản thân nữa”.
Để có chuyến đi thuận lợi, Di chuẩn bị mọi thứ rất kỹ lưỡng như: trang bị bảo hộ đầu gối, khủy tay, bàn tay, mũ bảo hiểm cho xe đạp; kem chống nắng, khẩu trang găng tay, dầu gió,... nhiều thứ để bảo vệ bản thân và viết ra giấy thông tin bản thân, số điện thoại ba mẹ để nếu khi có sự cố thì có thông tin liên lạc.
Được nhìn ngắm kỹ quê hương mình
Di dự định sẽ đạp xe 5-7 ngày từ quận 9 (TP.HCM) đến huyện Cái Nước (Cà Mau), bắt đầu từ 5 giờ sáng 16.1. Ngày đầu tiên đã đạp xe được hơn 100 km, Di nghĩ chắc 3 ngày sẽ đến nhà. Nhưng sau 2 ngày, Di cảm thấy sức khỏe không tốt, dẫn đến tiến độ kéo dài thêm 1 ngày là 4 ngày. Ngày 19.1, Di đặt chân đến Cà Mau.
"Mình đi vào mùa tết nên thời tiết nắng nóng, khó chịu. Mình chỉ đạp xe khoảng 5-6 giờ sáng đến tầm 10 giờ sáng thì phải dừng lại vì trời rất nắng. Khoảng 14 hoặc 15 giờ chiều, mình đạp tiếp. Trong thời gian đạp xe, mình còn phải dừng để nghỉ, dưỡng sức, đi khoảng 30 phút thì sẽ dừng nghỉ 5 phút. Khó khăn đối với mình trong hành trình rất nhiều: đạp xe qua cầu, thời tiết khó chịu, kỹ năng giao tiếp, bắt chuyện chưa tốt... Vì vậy, mình chưa thể xin vào nhà dân để ngủ nhờ, phải tìm nhà nghỉ giá thật rẻ để ở qua đêm. Số tiền dành cho chuyến đi khoảng 600.000 - 700.000 đồng, trong đó dành một nửa chi cho tiền khách sạn. Khi đi trên đường, mình cũng sợ nguy hiểm. Để an toàn tránh bị cướp, mình chỉ để trong túi khoảng 300.000 - 400.000 đồng", Di kể lại.
|
Tại sao lại khó khăn khi đi qua cầu? Di kể, trong quá trình đi, thời tiết nắng nóng, khi đạp xe trên đường gặp cầu thì sẽ có gió mát, rất thích. Nhưng cũng rất... đuối.
Di tươi cười nói: “Mình thấy cuộc sống này cũng giống như khi đạp xe lên cầu vậy. Càng lên cao bao nhiêu thì càng cực bấy nhiêu. Nhưng lúc lên đỉnh cầu rồi thì nhìn xung quanh cảnh rất đẹp và dừng xe lại, hưởng thụ từng cơn gió mát thổi vào người. Khi thả dốc xuống, mình tận hưởng được những gì mình đã cố gắng trước đó. Mình rất thích cảm giác này. Cuộc sống cũng vậy thôi. Vượt qua rất nhiều khó khăn thì sẽ nhận được càng nhiều điều tốt đẹp”.
Đi xe đạp về quê, Di vừa đi vừa được trải nghiệm và quan sát mọi thứ xung quanh. Di cho biết điều yêu thích nhất là được nhìn ngắm thật kỹ quê hương mình, ngửi được hương lúa mạ non đã lâu rồi chưa được ngửi. Cảnh người dân thu hoạch lúa, cắt cỏ cho bò, thu hoạch dưa hấu, xem đám trẻ chơi đá banh… là những hình ảnh mà đi học nhiều năm, Di gần như không được tận mắt chứng kiến.
Đi xe đạp về nhà ăn tết chỉ là bước đầu tiên của Di. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Di mong muốn sắp tới sẽ đi theo đoàn xe đạp xuyên Việt để trải nghiệm thêm, nhìn ngắm thêm những cảnh đẹp khác của đất nước.